Các thương vụ cảnh báo: Cảnh giác rủi ro khi giao thương với đối tác tại một số thị trường châu Âu
Thương vụ Việt Nam tại một số nước châu Âu vừa thông tin cảnh báo về các hiện tượng lừa đảo, rủi ro khi kinh doanh xuất khẩu với các đối tác tại thị trường này.
Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan thông tin cảnh báo những trường hợp lừa đảo qua mạng, đặc biệt đối với các sản phẩm xăng dầu:
Thời gian gần đây, tại Hà Lan xuất hiện rất nhiều trường hợp lừa đảo qua mạng, đặc biệt liên quan đến các sản phẩm xăng dầu trong bối cảnh nhu cầu về nhóm mặt hàng này tăng cao. Các đối tượng lừa đảo thường lập một trang web giả mạo với các thông tin bịa đặt hoàn toàn hoặc lập một trang web giả danh các công ty xuất nhập khẩu hoặc công ty cung cấp dịch vụ cho thuê bồn chứa xăng dầu có thật, với đầu mối liên hệ thường là số điện thoại di động hoặc số điện thoại dùng internet (số của sim 4G).
Lợi dụng tâm lý cho rằng Hà Lan là một nước phát triển, hệ thống luật pháp chặt chẽ, các công ty làm ăn đảm bảo uy tín, một số doanh nghiệp khi thấy hợp đồng có điều khoản hấp dẫn nên đã tiến hành gấp sợ mất cơ hội và không kiểm tra kỹ thông tin về đối tác.
Thậm chí, khi các doanh nghiệp này có ý định xác minh tư cách pháp nhân thì họ cung cấp thông tin qua sao chép dữ liệu giấy phép đăng ký kinh doanh trích xuất từ Cơ quan có thẩm quyền sở hoặc cho phép các doanh nghiệp tiến hành xác minh trực tiếp bởi bên thứ ba độc lập nhưng thực tế thì không thể xác minh vì không có thật.
Do đó, Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan cảnh báo các doanh nghiệp nên cẩn trọng khi tiến hành giao dịch, cần lưu ý rằng: đối với các doanh nghiệp làm ăn uy tín trong lĩnh vực này, thông tin liên hệ thể hiện trên trang web là mẫu liên hệ (contact form), số điện thoại cố định, email (thường là info@...). Hình thức thanh toán của những giao dịch mua bán xăng dầu thường là thanh toán bằng L/C.
Tương tự, Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha cho biết, thời gian qua, thương vụ nhận được phản ánh của một số doanh nghiệp trong nước kinh doanh xuất khẩu hạt điều và hạt tiêu về doanh nghiệp Tây Ban Nha.
Thông tin liên hệ cụ thể như sau:
Công ty ISASA SIGLO XXI, S.L.
Người đại diện: ông Manuel Gil hoặc bà Annie
Trụ sở: CALLE RIOGORDO, NAVE 4, ESTRELLA, 29006 MALAGA, SPAIN
Điện thoại: +34 617 36 75 03; +34 689 77 10 04
Email: info@isasaexport.com; isasa@isasaexport.com
Website: https://isasaexport.com/en/home/
“Doanh nghiệp Tây Ban Nha này viện lý do hàng của doanh nghiệp ta không bảo đảm chất lượng hàng hóa tại cảng đến hay bị lâm vào tình trạng thua lỗ do giá thị trường sở tại sụt giảm nên đã không thực hiện đúng theo hợp đồng mua bán, cụ thể là chậm trễ, chây ì trong thanh toán nốt tiền hàng”, Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha thông tin.
Thực tế này đã gây khó khăn, tổn hại thời gian, chi phí lưu kho và phải kéo hàng về đối với doanh nghiệp Việt Nam.
Do đó, Thương vụ xin cảnh báo tới các doanh nghiệp trong nước cần lưu ý khi ký kết thực hợp đồng mua bán với doanh nghiệp Tây Ban Nha nêu trên. Đồng thời đề xuất doanh nghiệp trong nước tăng cường phối hợp với Thương vụ trong xác minh doanh nghiệp sở tại trước khi đi đến ký kết thực hợp đồng mua bán nhằm giảm thiểu rủi ro gặp phải đối tác lừa đảo hay không thực hiện đúng hợp đồng.
Liên quan đến vấn đề này, tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống các cơ quan thương vụ tại nước ngoài cuối năm 2023, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Hoàng Minh Chiến cho biết, trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động, tranh chấp và gian lận thương mại là một vấn đề tồn tại trong giao dịch thương mại quốc tế mà các doanh nghiệp xuất khẩu luôn phải tính đến.
“Khi Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn, các doanh nghiệp Việt Nam làm ăn với nhiều đối tác, nhiều sân chơi rộng hơn, luật chơi khác nhau thì nguy cơ tranh chấp, lừa đảo cũng lớn và phức tạp hơn. Các lừa đảo và tranh chấp mà doanh nghiệp thường phải đối mặt là do không có điều kiện kiểm tra kỹ lưỡng về đối tác, lựa chọn phương thức thanh toán chưa phù hợp, có thể từ những gài cắm đầy tính toán từ đối tác trong hợp đồng mà doanh nghiệp Việt Nam vốn chưa có nhiều kinh nghiệm”, lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại nhấn mạnh.
Theo Bộ Công Thương, dù nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam hiện nay đứng hàng đầu thế giới nhưng đa phần các doanh nghiệp Việt Nam lại là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, rất thiếu kinh nghiệm về tranh chấp thương mại quốc tế. Hơn nữa, doanh nghiệp Việt đã quá tin tưởng vào người môi giới. Hiện nay, nhiều hợp đồng do người môi giới soạn thảo rất đơn giản, thiếu nhiều điều khoản quan trọng nhưng doanh nghiệp vẫn chấp nhận. Đáng e ngại hơn, doanh nghiệp cũng đã bỏ qua khâu kiểm tra đối tác trong khi đây là một yêu cầu bắt buộc khi giao dịch với đối tác mới. Vì thế, doanh nghiệp không nhận biết được những dấu hiệu rủi ro.
Đặc biệt, lợi dụng thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, trong khi doanh nghiệp có nhu cầu đẩy mạnh xuất nhập khẩu nên có xu hướng chấp nhận rủi ro cao hơn trong giao dịch. Tình trạng lừa đảo qua mạng không chỉ diễn ra ở khu vực Trung Đông, châu Phi mà ngày càng phổ biến và diễn ra ngay cả tại các thị trường lớn, có uy tín như Mỹ, Hà Lan, Italia, Na Uy...
Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan cung cấp thông tin liên quan đến lừa đảo qua mạng cùng danh sách các trang web giả mạo đã được chính quyền cảng Rotterdam thống kê thời gian qua (và tiếp tục cập nhật), với mục đích cảnh báo để ngặn chặn những sự việc lừa đảo tiếp tục xảy ra trong thời gian tới: https://ferm-rotterdam.nl/en/blacklist/
(3) Báo cáo nghiên cứu thị trường Chuỗi cung ứng lạnh (tập trung vào kho lạnh, vận tải lạnh) của Việt Nam và thế giới, vui lòng tham khảo TẠI ĐÂY
(4) Phân tích chi tiết về kinh tế, thương mại, tài chính tiền tệ thế giới, trong nước, các ngành hàng xuất, nhập khẩu chính, vui lòng tham khảo TẠI ĐÂY