Đang Tải Dữ Liệu....
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Vietnamese English

Kết quả khảo sát hoạt động logistics tại Trà Vinh năm 2023 và giải pháp phát triển

28/06/2023 09:44
Kết quả khảo sát và đánh giá thực trạng, tiềm năng và giải pháp phát triển logistics tại một số địa phương Đồng bằng Sông Cửu Long năm 2023
(tiếp theo kỳ trước)


Trong khuôn khổ hoạt động khảo sát thực địa về logistics tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và tháng 6/2023, Ban Biên tập Báo cáo Logistics Việt Nam năm 2023 đã tiến hành khảo sát và làm việc với các cơ quan quản lý Nhà nước và các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo, nghiên cứu về lĩnh vực logistics tại tỉnh Trà Vinh (Thông tin chi tiết về thành phần và hoạt động của Ban Biên tập, vui lòng tham khảo cuối bài). 

Làm việc với Sở Công Thương tỉnh Trà Vinh, đại diện Ban Biên tập, ông Trần Thanh Hải- Phó cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cung cấp thông tin về mục tiêu và các nội dung chính sẽ thực hiện trong Báo cáo Logistics Việt Nam năm 2023 và đề xuất hướng thảo luận về hiện trạng logistics tỉnh Trà Vinh cũng như những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả và phát huy tiềm năng logistics của tỉnh Trà Vinh cũng như các triển vọng liên kết vùng.


Chú thích ảnh: Ban Biên tập Báo cáo làm việc với Sở Công Thương,

các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo, nghiên cứu về lĩnh vực logistics tại tỉnh Trà Vinh, tháng 6/2023
 
Các thành viên Ban Biên tập cũng đã cung cấp thông tin, kinh nghiệm thực tiễn trong đánh giá hiện trạng logistics, phát hiện tiềm năng cũng thảo luận cùng các cơ quản quản lý Nhà nước và các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo của Tỉnh về định hướng triển logistics trong thời gian tới. Một số nội dung quan trọng đạt được như sau:
 
(1) Đặc điểm, thực trạng:

Về đặc điểm địa lý, địa hình:Trà Vinh là tỉnh duyên hải Đồng bằng sông Cửu Long, phía Đông giáp Biển Đông với 65 km bờ biển, Phía Tây giáp Vĩnh Long, Phía Nam giáp Sóc Trăng với ranh giới là sông Hậu, Phía Bắc giáp Bến Tre với ranh giới là sông Cổ Chiên.

Phân tích về đặc điểm địa lý ở khía cạnh logistics, có thể thấy Trà Vinh cách Thành phố Hồ Chí Minh 200 km đi bằng quốc lộ 53 qua tỉnh Vĩnh Long, nhưng có thể rút ngắn thời gian chỉ còn 130 km nếu đi bằng quốc lộ 60 qua tỉnh Bến Tre cách thành phố Cần Thơ 50 km. Được bao bọc bởi sông Tiền, sông Hậu với 02 cửa Cung Hầu và Định An nên giao thông đường thủy có cơ hội để phát triển.
Trên địa bàn Trà Vinh có hệ thống sông chính với tổng chiều dài 578 km, trong đó có các sông lớn là sông Hậu và sông Cổ Chiên. Các sông ngòi, kênh rạch trên địa bàn Trà Vinh hợp lưu đổ ra biển chủ yếu qua hai cửa sông chính là cửa Cổ Chiên hay còn gọi là cửa Cung Hầu và cửa Định An.


Chú thích ảnh: Bản đồ logistics tỉnh Trà Vinh.
Nguồn:  Ban chỉ đạo Công tác Thông tin đối ngoại tỉnh Trà Vinh


Một vấn đề đáng lưu ý là với sự chia cắt bởi các giồng và mạng lưới đường lộ, kinh rạch, địa hình Trà Vinh khá phức tạp, hàng năm vùng này thường bị ngập mặn trong khoảng thời gian từ 3-5 tháng.
 
b) Về tình hình kinh tế xã hội:

Cơ cấu kinh tế của Tỉnh đã có sự chuyển dịch theo hướng tăng dịch vụ, giảm nông nghiệp, theo đó khu vực dịch vụ tăng từ 29,25% năm 2021 lên 31,03% năm 2022; khu vực công nghiệp và xây dựng do sản lượng điện than sụt giảm mạnh nên chỉ tăng nhẹ từ 32,58% tăng lên 32,59%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm từ 31,79% xuống 30,29%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 49.191 tỷ đồng, tăng 56,53% so với cùng kỳ năm trước.

Tỉnh Trà Vinh hiện có 01 Khu kinh tế (KKT) và 03 Khu công nghiệp (KCN), trong đó KKT Định An có diện tích 39.020 ha (giai đoạn 01 là 15.403 ha) và 03 KCN gồm: KCN Long Đức (100 ha), KCN Cầu Quan (giai đoạn 1 là 130,33 ha) và KCN Cổ Chiên (199,98 ha). Hiện nay KCN Long Đức đi vào hoạt động ổn định đóng góp phát triển kinh tế, tăng thu ngân sách. Bên cạnh đó KKT Định An đóng vai trò quan trọng cùng những dự án trọng điểm của Chính phủ trên địa bàn tỉnh như: Kênh đào Trà Vinh, Trung tâm điện lực Duyên Hải, đây là điều kiện thuận lợi để tỉnh tiếp tục kêu gọi đầu tư các dự án quy mô, trọng điểm vào KKT, KCN trong thời gian tới.
 
Hiện nay, Ban Quản lý Khu kinh tế Trà Vinh đang tập trung kêu gọi đầu tư một số dự án trọng điểm vào địa bàn KKT Định An như: Dự án đầu tư và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Định An, diện tích sử dụng đất 591 ha; Dự án đầu tư và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Đôn Xuân, diện tích sử dụng đất 934 ha; Dự án đầu tư và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu Đô thị - Dịch vụ - Công nghiệp, diện tích sử dụng đất 1.241 ha (trong đó diện tích hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Ngũ Lạc là 936 ha và Khu dịch vụ công nghiệp là 305 ha)
 
c) Về hạ tầng và dịch vụ logistics:
 
Hệ thống cơ sở hạ tầng logistics của tỉnh đang trong quá trình phát triển nhanh với các phương thức vận tải chủ đạo là đường bộ và đường thủy nội địa. Hiện nay, toàn tỉnh có ba tuyến Quốc lộ 53, Quốc lộ 54 và Quốc lộ 60 với tổng chiều dài 246,8 km; có 06 tuyến đường tỉnh với tổng chiều dài 222 km và 42 hương lộ với tổng chiều dài 454 km. Trong tương lai gần, khi cầu Đại Ngãi được đi vào hoạt động, kết nối 02 tỉnh  Trà Vinh và Sóc Trăng, giúp hoàn thiện chuỗi công trình kết nối toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long thì khoảng cách di chuyển từ các tỉnh phía Nam của đồng bằng sông Cửu Long đi TP. Hồ Chí Minh qua Quốc lộ 60 sẽ được rút ngắn đáng kể  (khoảng cách ngắn nhất hiện tại giữa Cần Thơ và TP. Hồ Chí Minh là 180 km).

Tuy nhiên, nếu so sánh với yêu cầu thực tiễn thì nhìn chung hạ tầng logistics của tỉnh Trà Vinh còn nhiều khó khăn.

Về đường bộ: Toàn tỉnh có 4 tuyến quốc lộ, trong đó chỉ có 50km đạt mức cấp 3, còn lại 80km là đường cấp 4. Đường cao tốc được quy hoạch nhưng dự kiến sau năm 2030 mới được triển khai.

Bộ Giao thông Vận tải vừa phê duyệt dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60 thuộc địa phận các tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng. Dự án có điểm đầu giao với Quốc lộ 54 thuộc địa phận xã Hùng Hòa, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh và điểm cuối giao với Quốc lộ Nam Sông Hậu thuộc địa phận xã Long Đức, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng. Dự án có tổng chiều dài khoảng 15,14km. Phần tuyến được thiết kế với quy mô đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/h, trong đó cầu Đại Ngãi 1 được thiết kế với quy mô mặt cắt ngang 4 làn xe, bề rộng cầu 17,5m. Riêng phần cầu chính dây văng, bề rộng 21,5m. Cầu Đại Ngãi 2 có quy mô mặt cắt ngang 4 làn xe, bề rộng cầu 17,5m. Trên tuyến cũng được xây dựng mới 5 cầu gồm cầu Rạch Ông Rùm, cầu Ấp Ngã Ba, cầu Ấp Cầu Đôi, cầu Bến Bạ và cầu Khém Rạch Già. Các cầu này được thiết kế với mặt cắt ngang 2 làn xe cơ giới, bề rộng cầu là 10,5m. Ngoài ra, dự án cũng có 7 nút giao, trong đó có 5 nút giao bằng và 2 nút giao bố trí nhánh tách nhập làn kết nối với đường chui dưới cầu Đại Ngãi 1. Các vị trí giao cắt với hệ thống đường hiện hữu, đường dân sinh của địa phương được thiết kế vuốt nối đảm bảo êm thuận, kết cấu mặt đường giao được thiết kế phù hợp với kết cấu mặt đường hiện hữu. Dự án giúp nối thông toàn tuyến Quốc lộ 60, nâng cao năng lực vận tải cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tạo sự kết nối giao thông thuận tiện giữa các tỉnh duyên hải phía Nam với Thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt, rút ngắn thời gian đi lại, giảm chi phí vận tải lưu thông hàng hóa, mở rộng giao thương và bỏ thế độc đạo của Quốc lộ 1, rút ngắn khoảng 80km so với tuyến Quốc lộ 1 khi di chuyển từ Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu về Thành phố Hồ Chí Minh.
 
Về đường thủy: Được bao bọc bởi sông Tiền, sông Hậu với 02 cửa Cổ Chiên (Cung Hầu) và Định An có tiềm năng để phát triển giao thông đường thủy. Từ Trà Vinh đi Bến Tre, Tiền Giang, TP. Hồ Chí Minh theo tuyến sông Tiền  từ biển Đông đi qua kênh đào Trà Vinh đến cảng Cần Thơ là tuyến vận tải đường thủy chính của cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long để thông thương với quốc tế. Hiện Tỉnh đang tiếp tục thực hiện các nội dung trong Quyết định số 1319/QĐ-BGTVT ngày 16/7/2021 của Bộ Giao thông vận tải về phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình Luồng cho tùa biển trọng tải lớn vào Sông Hậu (Giai đoạn 2).

Về đường biển: Với chiều dài bờ biển 65 km, mặt giáp biển thông qua hai cửa biển chính là cửa Cung Hầu và cửa Định An, vùng bờ biển Trà Vinh có độ sâu tốt hơn trong toàn dải bờ biển vùng duyên hải đồng bằng sông Cửu Long, khoảng cách từ bờ biển của vùng biển Trà Vinh đến vùng nước có độ sâu khoảng 10m ngắn nhất so với các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, Hai cửa biển gồm Định An phía sông Hậu và Cung Hầu phía sông Tiền hằng năm bị phù sa bồi lắng, tàu tải trọng lớn ra vào rất khó. Vì thế, cảng nội địa Long Đức, thành phố Trà Vinh chưa phát huy hết hiệu quả. Hiện nay Tỉnh đang tiếp tục thực hiện công trình nâng cấp, mở rộng đường dẫn vào khu bến tổng hợp Định An (xã Duyên hải) để tạo điều kiện cho hàng hóa lưu thông thuận lợi hơn.

Về kho bãi và cơ sở logistics khác:  Hạ tầng kho hàng và cơ sở logisics khác trên địa bàn tỉnh như bến, bãi, điểm tập kết, đóng gói hàng hóa…trên địa bàn Tỉnh hiện vẫn còn rất hạn chế, đặc biệt là thiếu kho lạnh, kho đạt tiêu chuẩn phục vụ hàng xuất khẩu.  
 
d) Về tình hình ứng dụng công nghệ:

Nhìn chung vẫn ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực logistics trên địa bàn tỉnh Trà Vinh ở giai đoạn khởi động. Trong thời gian tới, Tỉnh sẽ chú trọng phát triển dịch vụ bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin theo hướng hiện đại rộng khắp nhằm tăng khả năng cung cấp các dịch vụ theo nhu cầu của khách hàng về thông tin, liên lạc, nhất là ở các khu trung tâm kinh tế,  tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia cung cấp dịch vụ mạng, internet cạnh tranh công bằng theo quy định pháp luật; tăng cường hiệu quả, năng lực quản lý nhà nước đảm bảo an ninh thông tin, an toàn mạng lưới viễn thông và internet.
 
(2) Về tiềm năng và định hướng thu hút đầu tư và phát triển logistics tỉnh Trà Vinh:

a) Tiềm năng từ định hướng thu hút đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh: 

Trong những năm qua, nhiều dự án lớn, mang tính đột phá được đầu tư trên địa bàn tỉnh góp phần làm cho giao thông vận tải biển, công nghiệp cảng biển trở thành một trong những thế mạnh đặc thù của tỉnh. Trong đó, Luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu là dự án trọng điểm của ngành giao thông vận tải, có ý nghĩa đặc biệt đối với sự phát triển kinh tế trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải 10.000 tấn đầy tải, 20.000 tấn giảm tải lưu thông đến cảng Cái Cui - Cần Thơ và cả Vương Quốc Campuchia qua sông Hậu.

Lợi thế đó, càng rõ nét hơn khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1579/QĐ-TTg vào ngày 22/9/2021, về Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó cảng biển Trà Vinh được phân vào nhóm 5 và là 1 trong 15 cảng biển loại I (cả nước có 02 cảng đặc biệt). Trong đó,  khu bến Duyên Hải - Định An có mục đích phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Trà Vinh và vùng đồng bằng sông Cửu Long là cảng tổng hợp, container, hàng lỏng/khí cho tàu có trọng tải đến 50.000 tấn hoạt động; cảng biển Trà Cú - Kim Sơn là cảng tổng hợp cho tàu có tải trọng đến 20.000 tấn hoạt động.

Cảng Định An đang triển khai thi công, là cảng biển lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đến nay đã hoàn thành nhiều hạng mục quan trọng, theo quy hoạch Cảng biển này có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải đến 50.000 tấn. Cảng tổng hợp Định An có những tiềm năng cơ bản cho ngành công nghiệp cảng biển Trà Vinh phát triển có rất nhiều tiềm năng trở thành cảng trung chuyển quốc tế và các loại hình dịch vụ biển. Đây được xem là cửa ngõ huyết mạch, duy nhất của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, Cảng Định An trong đê chắn sóng có điều kiện để phát triển thành hệ thống cảng với khả năng tiếp nhận được tàu có trọng tải đến 160.000 tấn (hoặc hơn, nếu nối dài đê chắn sóng và nạo vét sâu hơn). Hướng vào trong đất liền, cảng kết nối thuận lợi với các tỉnh/thành trong nội địa (Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cần Thơ, An Giang, Thành phố Hồ Chí Minh...) và cả Vương quốc Campuchia qua sông Hậu.

Bên cạnh đó, Trung ương đã chỉ đạo hình thành cảng cửa ngõ khu vực đồng bằng sông Cửu Long với việc hình thành các bến cho phương tiện thủy nội địa trong vùng nước cảng biển để bảo đảm nhu cầu lưu thông và xuất nhập khẩu hàng hóa cho toàn vùng. Hiện nay, đồng bằng sông Cửu Long có tổng chiều dài đường thủy hơn 15.000km, gần 60 cảng thủy nội địa và gần 4.000 bến thủy nội địa. Việc khai thác tối đa hiệu quả lợi thế các cảng thủy nội địa với cảng biển cửa ngõ như cảng Định An, cảng Trà Cú - Kim Sơn sẽ giúp toàn vùng tăng trưởng vượt bậc về kinh tế. Với thế mạnh về sản phẩm nông sản, thủy sản, khu vực này không những cần những “trạm trung chuyển” cỡ lớn để tạo sức bật mà còn cần một trung tâm logistics để tạo đà cho sự phát triển kinh tế -xã hội cho toàn vùng trong thời gian tới. Khi đó hàng hóa xuất, nhập khẩu trong vùng sẽ được đưa thẳng bằng đường biển đến các cảng cửa ngõ, cảng trung chuyển quốc tế, góp phần làm giảm giá thành vận tải, chi phí logistics và nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa; giảm tải cho hệ thống đường bộ và góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long. Do đó, nhu cầu của vùng là vô cùng lớn đối với ngành logistics Trà Vinh.

Ngành dịch vụ cảng biển được coi là một trong những ngành định hướng phát triển tương lai tại tỉnh Trà Vinh tới đây. Đến nay, ngoài chủ trương, chính sách, pháp luật quy định quốc gia và quốc tế đối với các hoạt động phát triển ngành, tỉnh Trà Vinh cũng đã có nhiều chủ trương, chính sách nền tảng cơ bản để kiến thiết cho việc hình thành, thu hút và phát triển ngành dịch vụ cảng biển tại tỉnh Trà Vinh trong thời gian tới.

Cùng với sự phát triển của các cảng biển, trên địa bàn tỉnh, khu kinh tế Định An với diện tích quy hoạch 39.020 ha, là 01 trong 08 khu kinh tế ven biển trọng điểm của cả nước và là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực có sự kết nối quan trọng với các hoạt động của các cảng biển được xây dựng, khu bến Trà Cú, Trung tâm Điện lực Duyên Hải, tuyến vận tải thuỷ nội địa chính cấp đặc biệt là Cửa Định An - Ngã ba Tân Châu - An Giang - Campuchia,... sẽ được xây dựng. Ngoài Khu Kinh tế Định An, các Khu Công nghiệp Cầu Quan, Cổ Chiên, Long Đức và các Cụm Công nghiêp mới hình thành như Sa Bình, Tân Ngại, Phú Cần và Hiệp Mỹ Tây sẽ là tiền đề cơ bản để thúc đẩy hoạt động sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu hàng hóa qua cảng biển.

Cùng với hệ thống cảng biển, hạ tầng giao thông nói riêng vùng đồng bằng sông Cửu Long từng bước được đầu tư làm mới, nâng cấp mở rộng và ngày càng liên thông, liên kết như:  Mạng lưới giao thông đường bộ với các Quốc lộ Quốc lộ 53, Quốc lộ 54, Quốc lộ 60, hệ thống cầu Cổ Chiên, Hàm Luông, Rạch Miễu và sắp tới là cầu Đại Ngãi sẽ cho phép kết nối vùng Duyên Hải với các địa phương khác một cách thuận lợi. Các tuyến đường giao thông này góp phần đảm bảo kết nối trực tiếp đến hệ thống cảng biển của tỉnh.
 
Theo đại diện Sở Công Thương Trà Vinh, sau khi Luật Đầu tư năm 2020 có hiệu lực, các Sở ngành của Tỉnh đã triển khai phối hợp với các địa phương rà soát xây dựng lại chính sách ưu đãi đầu tư; triển khai Phương án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch phát triển thương mại dịch vụ gắn liền với phương án phát triển hệ thống thương mại, logistics tỉnh Trà Vinh tầm nhìn đến năm 2050.

Thực hiện quyết định số 2469/QĐ-UBND ngày 29/12/2017 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đến năm 2025 và Quyết định số 720/QĐ-UBND ngày 16/4/2021 của UBND tỉnh về sửa đổi Kế hoạch phát triển dịch vụ logistics tỉnh Trà Vinh đến năm 2025.

Quyết định số 1090/QĐ-UBND ngày 08/6/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Nội dung chiến lược đánh giá tiềm năng logistics tỉnh Trà Vinh cho thấy, tại cảng biển tỉnh Trà Vinh, tổng nhu cầu hàng hóa thông quan vào khoảng 9,27-10,6 triệu tấn/năm và đến năm 2030 là khoảng 14,6-16,9 triệu tấn/năm (bao gồm than nhập cho Trung tâm Điện lực Duyên Hải). Trong đó, (1) Khu bến Định An tiếp nhận tàu 50.000 tấn (02) Khu bến Trà Cú (trên sông Hậu) tiếp nhận tàu 10.000- 20.000 tấn bao gồm dịch vụ hậu cảng, đầu tư thiết lập mới 01 bến phao chuyển tải cho tàu trọng tải 10.000-20.000 tấn. Năng lực thông quan năm 2020 khoảng 0,75-1,0 triệu tấn/năm, đến năm 2030 là khoảng 0,8-1,0 tấn/năm; Đây là 02 cảng được Chính phủ quyết định phê duyệt là cảng tổng hợp, container tiềm năng cho tàu trọng tải lớn làm hàng xuất nhập khẩu trực tiếp của đồng bằng sông Cửu Long.

Cùng với đó, theo Đề án thành lập Khu Công nghiệp - Đô thị và Dịch vụ tại tỉnh Trà Vinh (địa điểm xây dựng tại Khu kinh tế Định An) phấn đấu đưa tỉnh Trà Vinh trở thành trung tâm chế biến nguyên liệu nông, lâm, thủy sản thành sản phẩm, hàng hóa cuối cùng đáp ứng nhu cầu cho khu vực châu Á, châu Âu và Mỹ; có kho lưu trữ nguyên liệu và là nơi có khả năng tiêu thụ tất cả nguyên liệu nông, lâm, thủy sản của 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; có các nhà máy chế tạo thiết bị điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin và thiết bị y tế gắn với phát triển công nghiệp và dịch vụ khác, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và vùng đồng bằng sông Cửu Long …. Đây là những bước chuẩn bị của tỉnh Trà Vinh hoàn toàn khả thi trong khai thác hiệu quả tiềm năng thị trường Logistics của khu vực này.
 
Khẳng định vấn đề này, trong triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đưa ra mục tiêu định hướng xác định kinh tế biển là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, Trà Vinh phải đi lên từ kinh tế biển, lấy kinh tế biển và Khu Kinh tế Định An làm nền tảng đối với phát triển kinh tế - xã hội theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, phát triển công nghiệp cảng biển, vận tải biển và logistics tỉnh Trà Vinh là những nhiệm vụ quan trọng để phát triển kinh tế biển với các định hướng chiến lược:

 
Theo Báo cáo của Sở Công Thương Trà Vinh, trong 44 dự án kêu gọi đầu tư năm 2023 thì có 02 dự án liên quan đế lĩnh vực logistics gồm:
+ Hạ tầng kỹ thuật khu kho ngoại quan với diện tích sử dụng 101 ha, tổng mức đầu tư dự kiến 600 tỷ đồng tại Khu Kinh tế Định An;
+ Hạ tầng kỹ thuật khu phi thuế quan với diện tích sử dụng đất là 501ha, tổng mức đầu tư dự kiến là 3000 tỷ đồng tại Khu Kinh tế Định An;
+ Kho lạnh, kho cấp bảo quản nông sản Trà Điêu với diện tích sử dụng 0,7ha tại xã Ninh Thới huyện cầu Kè, tỉnh Trà Vinh.
Đến nay đã có 09 lượt nhà đầu tư quan tâm, khảo sát các lĩnh vực thu hút đầu tư của tỉnh, trong đó có nhà máy sản xuất Hydro xanh (Hydro+ Amoniac), tạo ra triển vọng mới về năng lượng bền vững trên địa bàn tỉnh.

b) Tiềm năng từ nguồn hàng:

Về nguồn hàng sản xuất:

Lúa gạo: Năm 2022, sản lượng lúa ước đạt 1,14 triệu tấn, tăng 2,92%. Giai đoạn 2021 - 2025 nâng cao hiệu quả sử dụng đất trồng lúa, giữ ổn định khoảng 80 ngàn ha đất trồng lúa; diện tích gieo trồng khoảng 200 ngàn ha, sản lượng đạt khoảng 1,15 triệu tấn thóc/năm góp phần cung cấp nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Nâng tỷ lệ diện tích gieo trồng lúa chất lượng cao trong tổng diện tích gieo trồng lúa từ 70% trở lên; tỷ lệ sử dụng giống xác nhận lên khoảng 90%. Đẩy mạnh phát triển sản xuất lúa hữu cơ, lúa sạch và đa dạng các sản phẩm chế biến từ gạo và phụ phẩm của lúa gạo (rơm, rạ, trấu, cám) để tăng giá trị gia tăng. Phát triển vùng sản xuất trọng điểm lúa gạo tại các huyện Càng Long, Châu Thành, Cầu Ngang, Tiểu Cần, Trà Cú và Cầu Kè.

- Cây dừa: Năm 2022, sản lượng dừa ước đạt 309,6 ngàn tấn, tăng 6,5%. Giai đoạn 2021 - 2025 giữ ổn định diện tích khoảng 24 ngàn ha, sản lượng khoảng 350 ngàn tấn, tập trung trồng mới, cải tạo vườn dừa bị lão hóa với các giống có năng suất, chất lượng cao như dâu xanh, dâu vàng, xiêm xanh đạt tiêu chuẩn VietGap và hữu cơ, tập trung phát triển trên địa bàn các huyện Càng Long, Tiểu Cần, Châu Thành, Trà Cú, Cầu Kè và thành phố Trà Vinh. Phát triển dừa sáp đặc sản với quy mô vừa phải với diện tích khoảng 400 ha, tập trung phát triển trên địa bàn các huyện Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần và Châu Thành.

- Cây ăn quả: Năm 2022, sản lượng ước đạt 263,47 ngàn tấn, tăng 9,31%, tập trung phát triển một số loại cây ăn quả có lợi thế của tỉnh như bưởi da xanh, cam sành, xoài, quýt đường, thanh long ruột đỏ, măng cụt,... duy trì và phát triển các loại cây ăn trái đạt chứng nhận VietGAP hoặc GlobalGAP, sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn; khuyến khích nông dân trồng mới, nâng cấp, cải tạo vườn tạp và vườn kém hiệu quả để trồng các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế và thị trường tiêu thụ. Phấn đấu đến năm 2025 diện tích trồng đạt 20 ngàn ha, sản lượng 296 ngàn tấn, tập trung ở các huyện Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần, Châu Thành, Trà Cú và thành phố Trà Vinh. Mở rộng liên kết vùng, rải vụ thu hoạch; phát triển mạnh các vùng sản xuất cây ăn quả tập trung gắn với phát triển nhà máy chế biến các sản phẩm từ trái cây xuất khẩu.

- Tôm: Năm 2022, sản lượng tôm ước đạt 75,5 ngàn tấn. Dự kiến đến cuối năm 2025, diện tích nuôi là 29,5 ngàn ha, sản lượng khoảng 85,74 ngàn tấn, cụ thể: (1) Tôm thẻ chân trắng: Phát triển sản xuất theo hình thức thâm canh sử dụng chế phẩm sinh học, áp dụng quy trình thực hành nuôi tốt (VietGAP), dự kiến năm 2025, diện tích nuôi là 12 ngàn ha và sản lượng 74,24 ngàn tấn tập trung ở các huyện và thị xã ven biển, trong đó: Nuôi thâm canh mật độ cao quy mô năm 2025 khoảng 01 ngàn ha tập trung phát triển trên địa bàn các huyện Duyên Hải, Cầu Ngang, Châu Thành, Trà Cú và thị xã Duyên Hải. Tăng cường chế biến sâu, đa dạng sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu; (2) Tôm sú: Dự kiến đến năm 2025, diện tích nuôi còn 17,5 ngàn ha và sản lượng 11,5 ngàn tấn, trong đó: Nuôi theo hình thức thâm canh và bán thâm canh giữ ổn định khoảng 6,3 ngàn ha, tập trung ở các huyện Cầu Ngang, Châu Thành, Duyên Hải và thị xã Duyên Hải. Tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình nuôi an toàn sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái như: Mô hình tôm - lúa, diện tích khoảng 5,5 ngàn ha, ở các huyện Châu Thành, cầu Ngang và Duyên Hải; tôm - rừng (tôm đạt chứng nhận sinh thái xuất khẩu) khoảng 5,7 ngàn ha, ở các huyện Duyên Hải và thị xã Duyên Hải.

- Cá tra: Năm 2022, sản lượng ước đạt 4,5 ngàn tấn. Dự kiến đến cuối năm 2025, diện tích nuôi là 70 ha, sản lượng khoảng 25 ngàn tấn, thâm canh phát triển ở các huyện Cầu Kè, Tiểu Cần, Châu Thành và thành phố Trà Vinh. Tăng cường chế biến sâu, đa dạng sản phẩm chế biến từ cá tra để tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

- Thịt heo: Năm 2022, sản lượng thịt heo hơi ước đạt 76 ngàn tấn, tăng 8,25%. Tập trung các nguồn lực để khống chế triệt để dịch tả heo Châu Phi, khuyến khích tái đàn ở những địa phương đảm bảo an toàn sinh học, đáp ứng đủ điều kiện; phát triển chăn nuôi heo với các giống ngoại, heo lai hướng nạc bằng các giống Yorkshire, Landrace, Duroc và heo lai nhiều nhóm máu,... Phát triển chăn nuôi heo theo hướng trang trại công nghiệp; tăng đàn heo chăn nuôi theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, ứng dụng công nghệ cao; phát triển hệ thống giết mổ hiện đại, bảo đảm an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm gắn với vùng chăn nuôi tập trung. Phấn đấu đến năm 2025 khoảng 400 ngàn con; trong đó, đàn heo nái chiếm khoảng 10%; đàn heo nuôi trang trại, công nghiệp chiếm trên 40%; sản lượng thịt khoảng 60 ngàn tấn tập trung ở các huyện trên địa bàn tỉnh.

- Thịt bò: Tiếp tục phát triển đàn bò thịt đa dạng sử dụng giống bò cái nền địa phương tốt, gieo tinh hoặc phối giống với bò đực ngoại chất lượng cao (Brahman, Charolais, Limousine, BBB...) để lai, cải tạo nâng cao chất lượng, tầm vóc bò địa phương. Phấn đấu đến năm 2025, 100% đàn bò thịt của tỉnh được lai nhóm máu Zêbu hoặc lai giống chuyên thịt chất lượng cao tập trung ở hầu hết các huyện trong tỉnh, tổng đàn bò toàn tỉnh đạt 250 ngàn con, sản lượng thịt hơi đạt khoảng 16 ngàn tấn.

- Thịt và trứng gia cầm: Phát triển chăn nuôi gia cầm theo hướng trang trại, công nghiệp chiếm từ 30% và chăn thả, hướng chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; chú ý phát triển các giống gà địa phương, vịt thịt chất lượng cao. Phấn đấu đến năm 2025 là 08 triệu con và tổng sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng khoảng 21 ngàn tấn và sản lượng trứng các loại khoảng 160 triệu quả/năm.
 
Về nguồn hàng xuất nhập khẩu:

Trên địa bàn tỉnh hiện có 35 doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải Quan, giá trị xuất khẩu trong 3 tháng đầu năm 2023 của tỉnh Trà Vinh là 60.814.978 USD, giảm 19,32% so cùng kỳ năm 2022; giá trị nhập khẩu là 41.762.116 USD, giảm 71,92% so cùng kỳ năm 2022.

Nông nghiệp trong 04 tháng đầu năm 2023 gặp nhiều khó khăn, nhưng nông dân đã tuân thủ lịch thời vụ trong sản xuất lúa; nên sản lượng gần 400.000 tấn, năng suất bình quân 6,68 tấn/ha. Về thủy sản, sản lượng đạt 48.153 tấn, đạt 19,68% kế hoạch (thấp hơn cùng kỳ 8.594 tấn). Trong đó, nuôi trồng đạt 33.278 tấn, khai thác 14.856 tấn. Thời điểm đầu vụ, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm lớn ảnh hưởng đến sức đề kháng làm phát sinh bệnh trên tôm nuôi, ước thiệt hại khoảng 35 triệu con tôm sú trên diện tích 202ha (tỷ lệ thiệt hại 05%) và 189 triệu con tôm thẻ chân trắng (tỷ lệ thiệt hại 08%).

Chia sẻ tại buổi làm việc với Ban Biên tập, công ty cổ phần Trà Bắc (Trà Vinh) cho biết công ty chuyên suất khẩu trái dừa, 5 tháng đầu năm 2023 đã xuất được 100 container. Công ty hiện tự đảm nhận các hoạt động logistics gồm lưu kho, giao nhận và vận chuyển. Các sản phẩm của công ty cần đến kho lạnh và khi vận chuyển cần sử dụng container lạnh. Khó khăn lớn nhất hiện nay là trên địa bàn chưa có trung tâm kiểm định và giám định xuất khẩu hiện chưa có, nên vẫn phải sử dụng dịch vụ tại Tp. HCM, trung tâm chiếu xạ chưa có; Doanh nghiệp cũng dự báo nhu cầu hệ thống kho lạnh, kho mát sẽ gia tăng trong thời gian tới. 

(3) Thảo luận về các khó khăn, vướng mắc và khuyến nghị

3.1. Khó khăn:

Về hạ tầng giao thông, đây là khó khăn lớn của Trà Vinh so với các địa phương trong khu vực. Ví dụ đường bộ từ Cần Thơ đến Trà Vinh nhỏ và khó khăn; chưa có kết nối đường cao tốc.

Phát biểu tại cuộc họp, theo đại diện các doanh nghiệp vận tải của Trà Vinh, hoạt động vận tải hiện gặp nhiều khó khăn về hạ tầng, cầu đường; thiếu các cây cầu bắc qua sông, thời gian đi và chờ phà kéo dài, các cây cầu có hạn chế tải trọng, gây ra khó khăn cho vận chuyển hàng bằng container. Hàng nông sản ở các vựa sản xuất ở phía sâu trong bên trong, xa đường chính khiến xe container không thể tiếp cận, do đó phải vận chuyển bằng xe tải nhỏ ra đường lớn để chất lên xe container, làm phát sinh chi phí lớn gần bằng chi phí vận chuyển từ Trà Vinh đến TP. HCM.

Đại diện các công ty thủy sản cũng cho biết hoạt động cảng biển vẫn chưa thông suốt, nhiều thời điểm, cảng biển chỉ cho hạ container trong vòng nửa ngày đến một ngày, dẫn đến tình trạng xe hàng bị dồn ứ và quá tải.

Các doanh nghiệp dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Trà Vinh rất ít và quy mô nhỏ, chủ yếu thực hiện dịch vụ vận tải. Phần lớn là doanh nghiệp chủ hàng (sản xuất, xuất nhập khẩu) cũng là các doanh nghiệp nhỏ, tiềm lực vốn và nguồn hàng còn hạn chế, thiếu tính kết nối. Do quy mô nhỏ nên họ khó tham gia các hoạt động kết nối giao thương, các chương trình xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư, hợp tác kinh doanh.
 
3.2. Các đề xuất, khuyến nghị
 
Trao đổi về hướng tháo gỡ những khó khăn và phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Trà Vinh trong thời gian tới, các thành viên Ban Biên tập Báo cáo Logistics Việt Nam năm 2023 cho rằng cần thiết phải đánh giá đúng được vai trò của dịch vụ logistics đối với sự phát triển của kinh tế địa phương trong tương lai, đồng thời sẽ hỗ trợ Tỉnh trong việc dự báo xu hướng nguồn hàng, thị trường cũng như ứng dụng các công nghệ để tạo sự đột phá cho các doanh nghiệp và hoạt động logistics trên địa bàn.

Đặc biệt quan tâm đến tỷ trọng thuê ngoài hoạt động logistics của các doanh nghiệp tại Trà Vinh, các thành viên Ban Biên tập gồm bà Nguyễn Thị Vân Hà- trưởng ban Truyền thông, bà Cao Cẩm Linh- trưởng ban Nghiên cứu của VALOMA, ông Đào Trọng Khoa Phó chủ tịch Liên đoàn Giao nhận và Vận tại ASEAN, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, khuyến nghị Tỉnh có thể phối hợp với VALOMA hoặc VLA để tiến hành các cuộc khảo sát, nghiên cứu đánh giá bài bản về nhu cầu đối với dịch vụ logistics, so sánh hiệu quả của việc sử dụng dịch vụ (thuê ngoài) với tự tiến hành hoạt động logistics; thông qua đó xác định chính xác, trúng đích hơn được các chính sách, hỗ trợ thực sự hữu ích cho các doanh nghiệp chủ hàng và doanh nghiệp logistics trên địa bàn tỉnh.

Chuyển đổi số trong Logistics có thể là một chìa khóa để đẩy nhanh quá trình trên. Hiện nay, số lượng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics tại Trà Vinh hầu như rất ít, làm giảm khả năng lựa chọn dịch vụ của các doanh nghiệp chủ hàng. Theo ông Nguyễn Hoài Chung- thành viên Ban Biên tập, những công ty cung cấp dịch vụ logistics mà chủ hàng đang biết đến có thể không đáp ứng được nhu cầu của họ như: giá cước vận chuyển cao, không chuyên tuyến, dịch vụ kém chất lượng… Điều này khiến cho các chủ hàng tại Trà Vinh bị mất lợi thế cạnh tranh về logistics trước các đối thủ của mình. Để khắc phục tình trạng trên, các doanh nghiệp có thể cân nhắc tham gia kết nối và giao dịch giữa các chủ hàng và công ty cung cấp dịch vụ logistics trở nên dễ dàng, nhanh chóng và tiết kiệm chi phí hơn tại website thương mại điện tử Phaata.com.
 
Các bên cũng nhất trí rằng trong thời gian tới, cần tập trung huy động các nguồn lực, kêu gọi đầu tư, hoàn thiện các hạng mục hạ tầng quan trọng Khu kinh tế Định An, phát triển các khu công nghiệp trong Khu kinh tế như: Khu công nghiệp Đôn Xuân - Đôn Châu; Khu công nghiệp Định An và các phân khu chức năng trong Khu kinh tế như: Khu ngoại quan; khu phi thuế quan; hệ thống phân phối hàng hóa...; đầu tư một số hạng mục Khu Dịch vụ - công nghiệp Ngũ Lạc để thu hút đầu tư; phát triển dịch vụ logistics trên cơ sở phát triển cảng biển và Khu kinh tế Định An. Bà Đinh Thị Bảo Linh-Phó giám đốc Trung tâm Thông tin, Bộ Công Thương, thành viên Ban Biên tập cũng cho biết sẽ phối hợp với Sở Công Thương Trà Vinh để cung cấp các thông tin quảng bá về triển vọng logistics của Trà Vinh, góp phần thu hút sự quan tâm đầu tư của cộng đồng trong nước và quốc tế vào lĩnh vực này của Tỉnh thông qua trang thông tin điện Logistics.gov.vn do Bộ Công Thương đang vận hành (bằng cả giao diện tiếng Việt và tiếng Anh).  

Về giải pháp phát triển nguồn nhân lực logistics cho tỉnh Trà Vinh nói chung và góp phần giải bài toán về nhân lực logistics cho ĐBSCL nói chung, trong buổi làm việc với Đại học Trà Vinh, Đại diện Nhà trường, cô Thạch Thị Dân- Phó hiệu trưởng Đại học Trà Vinh đã giới thiệu về các chương trình và mô hình đào tạo mới của Nhà trường theo hướng năng động, phù hợp với xu hướng thực tiễn. Nhà trường cũng đã đào tạo các học viên tại Campuchia, tổ chức các đoàn tư vấn tuyển sinh tại Lào và Campuchia.

Chú thích ảnh: Ban Biên tập Báo cáo làm việc với trường Đại học Trà Vinh, tháng 6/2023

Các thành viên Ban Biên tập đã trao đổi với trường Đại học Trà Vinh về tình hình phát triển và triển vọng của ngành logistics tại Trà Vinh và ĐBSCL, vai trò của Trường ĐH Trà Vinh trong đào tạo và nhu cầu cung ứng nguồn nhân lực Logistics và quản lý chuỗi cung ứng. Đặc biệt, hai bên thảo luận về chương trình đào tạo ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, các mô hình đào tạo hiện có, và đánh giá quá trình đào tạo.

Ông Trần Thanh Hải cũng gợi ý nhà trường đẩy mạnh đào tạo về logistics cho các sinh viên, học viên từ Campuchia, đồng thời, mở rộng quan hệ hợp tác với các trường và các doanh nghiệp tại các khu vực khác trong cả nước để trao đổi kiến thức, kinh nghiệm và các chương trình liên kết đào tạo.

Góp ý thêm cho về giải pháp nguồn nhân lực logistics cho Tỉnh, Ban Truyền thông của VALOMA cho rằng những nỗ lực đẩy mạnh truyền thông về công tác đào tạo logistics trên địa bàn Tỉnh rất đáng được ghi nhận. Để hoạt động này được căn cơ, bền vững, trường Đại học Trà Vinh nên phối hợp chặt chẽ với VALOMA để tìm hiểu và chuẩn hóa các chương trình đào tạo và nâng cao năng lực cho sinh viên, học viên.
Các thành viên của Ban Biên tập hiện đang phụ trách các mảng nghiên cứu, đào tạo, truyền thông của VALOMA như bà Nguyễn Thị Vân Hà, bà Trần Thị Thu Hương, bà Đinh Lê Hải Hà cũng khuyến nghị Đại học Trà Vinh cũng nên cử các cán bộ của Trường tham gia các ban của VALOMA (ví dụ ban Nghiên cứu, ban Truyền thông).

Ban Biên tập Báo cáo Logistics Việt Nam năm 2023

 
THÔNG TIN BAN BIÊN TẬP
 
Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14 tháng 02 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 và quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22 tháng 02 năm 2021 sửa đổi, bổ sung Quyết định 200; nhằm tìm hiểu, khảo sát thực trạng dịch vụ logistics phục vụ công tác xây dựng Báo cáo Logistics Việt Nam 2023, Ban Biên tập Báo cáo đã thực hiện chuyến khảo sát tại Đồng bằng Sông Cửu Long (trong thời gian từ ngày 20-25/6/2023, tại các địa phương gồm Thành phố Cần Thơ, tỉnh Trà Vinh, tỉnh Sóc Trăng, tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau).

Các thành viên Ban Biên tập và Đoàn khảo sát gồm có: Ông Trần Thanh Hải- Phó Cục trưởng cục Xuất nhập khẩu, bà Nguyễn Mai Linh- trưởng phòng Thuận lợi hóa thương mại, bà Đặng Hồng Nhung- chuyên viên cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, Bà Đinh Thị Bảo Linh- Phó giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (VITIC), Bộ Công Thương, ông Phạm Hoài Chung, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, Bộ Giao thông vận tải, Ông Đào Trọng Khoa- Phó chủ tịch Liên đoàn Giao nhận và Vận tại ASEAN, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, Bà Cao Cẩm Linh, Trưởng Ban Nghiên cứu Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam, Bà Nguyễn Thị Vân Hà, Phó trưởng khoa, Khoa Đào tạo quốc tế, Trường đại học Giao thông vận tải, Bà Đinh Lê Hải Hà, Phó Viện trưởng Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường đại học Kinh tế quốc dân, Bà Trần Thị Thu Hương, Trưởng Bộ môn Logistics và Chuỗi cung ứng, Khao Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, Trường đại học Thương mại, Ông Nguyễn Hoài Chung, Chuyên gia logistics, Ban Nghiên cứu Đào tạo, Hiệp hội Logistics thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc Điều hành Sàn giao dịch Phaata.


THÔNG TIN THAM KHẢO:

(1) Phân tích và dự báo về thị trường logistics, chuỗi cung ứng quốc tế và trong nước, độ tin cậy của lịch trình, tình hình hoạt động tại các ga, cảng..., VUI LÒNG XEM TẠI ĐÂY

(2) THÔNG TIN VỀ BIẾN ĐỘNG CÁC CHỈ TIÊU LOGISTICS CỦA VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2015-2023, SO SÁNH VỚI KẾ HOẠCH, MỤC TIÊU, DỰ BÁO TRIỂN VỌNG, XEM TẠI ĐÂY
 
(3) 
THAM KHẢO THÔNG TIN THỊ TRƯỜNG LOGISTICS CHUỖI LẠNH VIỆT NAM VÀ THẾ GIỚI, MỚI NHẤT TẠI ĐÂY



 

 
Bản quyền thuộc về Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Điện thoại: (024) 37150530 | Fax: (024) 37150489
Giấy phép số 104/GP-TTĐT ngày 07/05/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Số người trực tuyến: 19
Số người truy cập: 6.017.682
Chung nhan Tin Nhiem Mang