Đang Tải Dữ Liệu....
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
Vietnamese English

Việt Nam và Úc hợp tác phát triển logistics xanh cho chuỗi cung ứng bền vững nông sản và dược phẩm

17/11/2023 13:55
Phân tích và dự báo về thị trường logistics, chuỗi cung ứng quốc tế và trong nước, độ tin cậy của lịch trình, tình hình hoạt động tại các ga, cảng, thị trường giao nhận, bất động sản logistics mới nhất, VUI LÒNG XEM TẠI ĐÂY

Phát triển Logistics xanh hướng tới chuỗi cung ứng bền vững cho sản phẩm nông sản dược phẩm xuất nhập khẩu - Kết nối hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm giữa Úc và Việt Nam

Tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc năm 2021 (COP26), gần 150 quốc gia đã cam kết (bao gồm cả Việt Nam và Úc) sẽ không còn phát thải khí nhà kính vào năm 2050. Để thực hiện được các cam kết, tuyên bố trong hội nghị, hoạt động logistics xanh được coi là một trong các xu hướng và nhu cầu tất yếu.

Trong giai đoạn Covid-19, Chính phủ Australia đã thực hiện viện trợ cho Việt Nam hơn 14 triệu liều vaccine. Đặc biệt, chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Australia Anthony Albanese (3 - 4/6/2023) đã tiếp tục góp phần củng cố tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác nhiều mặt, tạo nhiều dấu ấn và là tiềm năng thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam - Australia lên tầm cao mới nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Australia (1973 - 2023).

Bên cạnh đó, dược phẩm và nông sản là các mặt hàng có kim ngạch lớn trong xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Úc. Hệ thống logistics được phát triển không chỉ để đảm bảo sự an toàn và hiệu quả trong vận chuyển mà còn thúc đẩy tăng trưởng của nông sản và dược phẩm trên thị trường của cả hai quốc gia.

Trong bối cảnh quan hệ hợp tác đối ngoại và thương mại giữa Việt Nam và Úc đang phát triển mạnh mẽ và đồng thời để kỷ niệm 30 năm thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA). Vào lúc 8h15 – 11h30 ngày 17 tháng 11 năm 2023 - Diễn đàn với tên gọi: “Phát triển Logistics xanh hướng tới chuỗi cung ứng bền vững cho sản phẩm nông sản và dược phẩm xuất nhập khẩu - Kết nối hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm giữa Úc và Việt Nam”. Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam và Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam là đơn vị đồng tổ chức diễn đàn với sự tài trợ từ Đại sứ quán Úc thông qua chương trình Úc cùng Việt Nam phát triển nguồn nhân lực (Aus4Skills).
 
Sự thành công của diễn đàn đã cho thấy sự chung tay từ: cơ quan nhà nước – nhà trường/viện – doanh nghiệp – các tổ chức quốc tế trong công cuộc vì một mục tiêu chung là phát triển logistics xanh hướng tới chuỗi cung ứng bền vững tại Việt Nam.
 
Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA)-đại diện đơn vị tổ chức diễn đàn, Bà Cherie Anne Russell, Tham tán, Đại sứ quán Úc tại Việt Nam – đại diện đơn vị tài trợ; Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập Khẩu, Bộ Công Thương đã phát biểu khai mạc Diễn đàn.
 
Trong bài phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Lê Duy Hiệp đặc biệt nhấn mạnh năm 2023 là một năm quan trọng đánh dấu bước ngoặt của Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), kỷ niệm 30 năm thành lập từ ngày 18/11/1993 đến 18/11/2023. Trải qua 3 thập kỷ, VLA đã không ngừng khẳng định vai trò quan trọng của mình trong sự phát triển của ngành logistics Việt Nam, góp phần lớn cho nền kinh tế quốc gia.

Ông Hiệp cũng nhấn mạnh vai trò tiên phong của Australia trong việc đầu tư vào Việt Nam từ những năm 80, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư và tài trợ giáo dục nhằm thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực Việt Nam. Lĩnh vực Logistics đặc biệt được hưởng lợi từ mối quan hệ đối tác giữa Việt Nam và Australia thông qua Chương trình Aus4Skills, một dự án được Chính phủ Australia tài trợ thông qua Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc.

Ông cũng chia sẻ về cam kết chiến lược của VLA trong việc thúc đẩy các hoạt động thiết thực của Dự án phát triển ngành dịch vụ Logistics Việt Nam thông qua hợp tác với Aus4Skills, bắt đầu từ năm 2017.
 
Bà Cherie Anne Russell, Tham tán, Đại sứ quán Úc tại Việt Nam đã có những chia sẻ thể hiện tinh thần đoàn kết và hữu nghị giữa hai quốc gia. Bà nhấn mạnh năm 2023 đánh dấu kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Australia và Việt Nam. Giáo dục là nền tảng cho mối quan hệ song phương và sự hợp tác của Úc trong lĩnh vực giáo dục rất mạnh mẽ với hơn 80.000 cựu sinh viên Việt Nam theo học tại Australia kể từ năm 1974. Australia đã đóng góp tích cực vào nguồn nhân lực của Việt Nam thông qua hợp tác nghiên cứu, chương trình học bổng Australia Awards, và VET (Vocational Education and Training) – Giáo dục và đào tạo nghề ngắn hạn. Quan hệ đối tác giữa Australia và Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam (VLA) cùng Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI) đã phát triển mạnh mẽ, đặc biệt trong việc củng cố hệ thống giáo dục và đào tạo nghề của Việt Nam.


Bà Cherie Anne Russell nhấn mạnh nông nghiệp và công nghiệp dược phẩm của Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ.

Australia đã thành công với dự án giáo dục và đào tạo nghề ngắn hạn (VET) trong lĩnh vực logistics, mở rộng quan hệ với doanh nghiệp logistics và các đối tác VET. Cả hai quốc gia đều hướng đến thúc đẩy thương mại và đầu tư, với thương mại hai chiều đạt mức tăng trưởng kỷ lục. Logistics xanh được coi là xu hướng tương lai, phản ánh trách nhiệm tích cực của doanh nghiệp và nâng cao độ cạnh tranh. Nông nghiệp và công nghiệp dược phẩm của Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ do tăng thu nhập bình quân và sự phát triển kinh tế.

Trong phần phát biểu chào mừng, Ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh việc tổ chức Diễn đàn lần này sẽ giúp thúc đẩy mối quan hệ hợp tác và hữu nghị giữa Việt Nam và Úc bằng cách tạo cơ hội cho việc trao đổi kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi từ những thành công trong lĩnh vực logistics. Diễn đàn này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động logistics và tối ưu hóa chuỗi giá trị hàng hóa trong lĩnh vực xuất nhập khẩu giữa hai quốc gia, đồng thời tăng cường tính kết nối giữa các cơ sở giáo dục và doanh nghiệp của Việt Nam và Úc. Ngoài ra Ông Hải cũng cho rằng dược phẩm và nông sản là các mặt hàng có tầm quan trọng cao trong xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Úc. Hệ thống logistics cần được phát triển không chỉ để đảm bảo sự an toàn và hiệu quả trong vận chuyển các loại sản phẩm này mà chúng ta cần hướng tới logistics xanh và bền vững.
 
 
Diễn đàn có sự tham gia của các chuyên gia trong nước và các doanh nghiệp logistics tiêu biểu như:
Ths. Phan Huy Đức, Phó Hiệu Trưởng Trường Cao Đẳng Giao Thông Vận Tải Tp.HCM
Bà Phùng Thị Lan Phương - Nguyên Trưởng phòng FTA, Trung tâm WTO và Hội nhập, VCCI
Ông Vũ Ninh – Chủ Tịch LIRC (Hội đồng Tư vấn kỹ năng nghề - ngành Logistics)
Bà Bùi Thị Ninh - Trưởng Phòng - VP Giới Sử Dụng Lao Động - VCCI HCM
Ông Trương Công Nghiêm, Chủ tịch, Hội Người khuyết tật TP Đà Nẵng
Bà Đặng Hương Giang, Phó chủ tịch, Hội Người khuyết tật TP Đà Nẵng
Ông Nguyễn Thành Công, Phó trưởng phòng, Bộ Lao động thương binh và XH (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp)
Ông Nguyễn Duy Minh, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA)
Ông Vũ Chí Trung, Phó Trưởng Phòng, Sở Công Thương Hải Phòng
Bà Võ Thị Phương Lan, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám Đốc Công Ty Cổ Phần Giao Nhận Vận Tải Mỹ Á
DS Lê Ngọc Danh, Trưởng phòng Phòng Nghiệp Vụ Dược, Sở Y tế Tp. Hồ Chí Minh 
Tham gia diễn đàn còn có các đại diện, chuyên gia từ nước ngoài cụ thể:
Tiến sĩ Danura Miriyagalla - Giám đốc khu vực châu Á của Tetra Tech (Future Economies)
Tiến sĩ Kaye Eldridge, Giám đốc Chương trình Aus4Skills
Ông Craig Luxton, Giám đốc – Tư vấn chính – Công ty Luxton & Co
Ông Filip Jankovic, Giám đốc quốc gia, Công Ty LinFox 

Về phía ban tổ chức có các đại diện sau:
Ông Lê Duy Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiêp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA)
PGS.TS Hồ Thị Thu Hòa, Viện Trưởng - Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI) 

Ngoài ra, diễn đàn còn có sự tham dự của các đại diện từ các cơ quan quản lý nhà nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã Hội, Tổng cục Giáo Dục Nghề Nghiệp, Cục phát triển Doanh nghiệp-Bộ Kế hoạch đầu  tư; Sở Công Thương, sở  Giao thông vận tải, sở Khoa học công nghệ, Sở Lao động -Thương binh và Xã Hội của các tỉnh thành:  Tp.HCM, Bình Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bình Định, Đồng Nai, An Giang, Long An, ..), Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO), Ban chấp hành Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Năng lực Người khuyết tật, Trung tâm y tế huyện Nhà Bè, các Hiệp hội bạn: Hiệp hội rau quả Việt Nam, hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam VALOMA, Hiệp hội logistics Hải Phòng, Hiệp Hội logistics Hà Nội, trên 40 Doanh nghiệp, hơn 50 cơ sở đào tạo từ các trường Đại học-Cao đẳng-Viện-Trung tâm, đặc biệt các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia dự án Aus4skills và đông đảo phóng viên đến từ các cơ quan truyền thông đến đưa tin về sự kiện.
 
Trong hơn 4 tiếng làm việc hiệu quả, diễn đàn đã lắng nghe bốn tham luận quan trọng về các  chủ đề sau:
- Thực trạng và giải pháp phát triển logistics xanh hướng tới chuỗi cung ứng bền vững cho nông sản Việt Nam xuất khẩu đi thị trường Úc
- Chia sẻ kinh nghiệm thiết kế và vận hành Logistics xanh trong xuất khẩu dược phẩm Úc tới Việt Nam.
- Kinh nghiệm đào tạo kỹ năng số và việc làm xanh cho nguồn nhân lực ngành Logistics
- Vai trò của hiệp định thương mại tự do và chuyển đổi xanh trong việc thúc đẩy tăng trưởng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Úc
 
Ở chủ đề: Thực trạng và giải pháp phát triển logistics xanh hướng tới chuỗi cung ứng bền vững cho nông sản Việt Nam xuất khẩu đi thị trường Úc do PGS.TS. Hồ Thị Thu Hòa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát Triển Logistics Việt Nam (VLI) trình bày. Bà đã nhấn mạnh một số thông tin quan trọng về thực trạng phát triển logistics tại Việt Nam, cụ thể chỉ số hiệu quả logistics của Việt Nam đứng ở vị trí 43 trên thế giới và là quốc gia thứ 5 trong nhóm ASEAN, tương đương với Philippines. Dịch vụ logistics đóng góp 5%-6% vào GDP, có tốc độ tăng trưởng khoảng 15%-20%, và tỷ lệ thuê ngoài đạt 50%-60%. Chi phí logistics giảm khoảng 16%-20% so với GDP.

PGS TS Hồ Thu Hoà, cho biết kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường Úc đạt mức tăng trưởng trung bình trên 10%/năm.

Ngoài ra bà cũng cho biết thêm một số thông tin quan trọng về tình hình các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu đi Úc, Việt Nam xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp sang Australia với mức tăng trưởng trung bình 11%/năm từ 2018-2022. Một số loại trái cây như xoài, thanh long và nhãn đã chiếm lĩnh thị trường Australia. Năm 2022, lượng lớn sản phẩm nông nghiệp bao gồm gạo, tiêu, cà phê và hạt điều đã được xuất khẩu sang Úc. Tỉ lệ tăng trưởng trung bình của giá trị xuất khẩu đạt 6,8%.

Trong phần tham luận của mình, bà Hòa cũng đã tổng kết các kết quả quan trọng từ Nghiên cứu khảo sát từ Chủ sở hữu hàng hóa (CO) và Nhà cung cấp dịch vụ logistics (LSP) do Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI) thực hiện từ tháng 8 đến tháng 10 năm 2023 như sau: trong lĩnh vực Logistics xanh cho sản phẩm nông nghiệp, doanh nghiệp cam kết mạnh mẽ và 44.23% đánh giá rất tốt, 25% đánh giá tốt. Doanh nghiệp nông nghiệp và nhà cung cấp dịch vụ logistics đều chủ động thực hiện chính sách và quy trình xanh, tuy nhiên, đối mặt với nhiều khó khăn khi xuất khẩu sang Australia, như chi phí cao và chính sách nhận hàng.

Cuối cùng, bà đã có những đề xuất và giải pháp phát triển logistics xanh hướng tới chuỗi cung ứng bền vững cho sản phẩm nông sản Việt Nam xuất khẩu như sau: Để cải thiện hiệu suất xuất khẩu, doanh nghiệp cần tăng cường kiểm soát chất lượng, đào tạo nhân viên, đảm bảo chất lượng sản phẩm, và thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp. Các xu hướng công nghệ thông tin được đề xuất bao gồm Logistics thông minh (75%), Theo dõi & Truy vết (50%), và Logistics xanh (50%). Trong cơ sở hạ tầng logistics, cần cải thiện cơ sở hạ tầng, tăng cường vận chuyển thân thiện với môi trường, và kết nối giữa các tổ chức để thúc đẩy phát triển Logistics xanh cho sản phẩm nông nghiệp tại Việt Nam.
 
 
Trong phần trình bày về Chủ đề “Chia sẻ kinh nghiệm thiết kế và vận hành Logistics xanh trong xuất khẩu dược phẩm Úc tới Việt Nam” ông Craig Luxton, Giám đốc – Tư vấn chính – Công ty Luxton & Co đã cung cấp những con số ấn tượng về xuất khẩu dược phẩm từ Úc sang Việt Nam như sau: xuất khẩu dược phẩm từ Úc sang Việt Nam đạt 90,53 triệu USD vào năm 2022, đây là sự tăng đáng kể so với năm trước. Sự gia tăng này được ghi nhận là do chi tiêu chăm sóc sức khỏe gia tăng đột ngột trong nước Việt Nam, được hỗ trợ bởi các sáng kiến như CPTPP. Thị trường dược phẩm của Úc, với quy mô hàng tỷ đô la, thể hiện sự tăng trưởng ổn định và khả năng phục hồi trước những thách thức toàn cầu. Trong năm 2019, giá trị xuất khẩu dược phẩm của Úc đã đạt 3,85 tỷ USD, đóng góp một phần quan trọng cho nền kinh tế. Hơn 85% sản phẩm y tế của Úc được nhập khẩu, đưa nước này trở thành thị trường xuất khẩu quan trọng cho các nhà sản xuất y tế quốc tế. Trong khi đó, ngành dược phẩm của Việt Nam đang mở rộng nhanh chóng do chi tiêu chăm sóc sức khỏe của tầng lớp trung lưu ngày càng tăng. Chiến lược quốc gia của Việt Nam đặt mục tiêu phát triển ngành dược phẩm đến năm 2045, sử dụng các hiệp định thương mại như EVFTA để loại bỏ rào cản và khuyến khích đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, trong năm 2022 giá trị xuất khẩu dược phẩm từ Úc sang Việt Nam cho một số sản phẩm nổi bật như: Thuốc bán lẻ đạt 52,80 triệu đô, Máu và vaccine đạt 36,82 triệu đô, và dược phẩm đạt 342,25 nghìn đô.

Ông Craig Luxton cho rằng việc nhận thức về yêu cầu đặc biệt của sản phẩm dược khiến cho việc thiết kế chuỗi cung ứng xanh trở nên phức tạp nhưng quan trọng. Điều này bao gồm hiểu rõ về nhu cầu lưu trữ đặc biệt của dược phẩm, như kiểm soát nhiệt độ để bảo quản hiệu suất và giảm lãng phí do thời hạn sử dụng ngắn. Nguyên tắc chuỗi cung ứng xanh bao gồm giảm lãng phí thông qua tối ưu hóa bao bì, vận chuyển năng lượng hiệu quả, và triển khai chương trình tái chế.
Ông Craig Luxton cũng chia sẽ một số kinh nghiệm trong việc thiết kế và vận hành Logistics xanh trong xuất khẩu dược phẩm Úc như:
- Hợp tác chặt chẽ với các bên liên quan bao gồm việc làm việc với nhà cung cấp để có nguồn nguyên liệu bền vững, tối ưu hóa tuyến đường vận chuyển với đối tác logistics, và hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ y tế để hiểu rõ nhu cầu và giảm tồn kho thừa. Công nghệ và đổi mới bao gồm sử dụng phân tích dữ liệu để dự báo tốt hơn, đầu tư vào công nghệ chuỗi lạnh tiết kiệm năng lượng, và khám phá blockchain để theo dõi và tăng tính minh bạch trong chuỗi cung ứng.

- Bảo đảm tuân thủ các quy định là quan trọng, từ việc tuân thủ quy định quốc gia và quốc tế về dược phẩm và tiêu chuẩn môi trường đến việc tìm kiếm chứng nhận cho hoạt động chuỗi cung ứng xanh như ISO 14001. Đào tạo nhân viên về tầm quan trọng của bền vững trong chuỗi cung ứng và khuyến khích văn hóa liên tục cải tiến và thực hành bền vững là chìa khóa. Giám sát và báo cáo định kỳ về ảnh hưởng môi trường của hoạt động chuỗi cung ứng, cùng việc báo cáo các chỉ số bền vững cho các bên liên quan, đều là bước quan trọng để thúc đẩy cải tiến.

- Đặt ra mục tiêu rõ ràng, bắt đầu với việc tối ưu hóa hiệu suất và sản xuất, xem xét các phương tiện sử dụng năng lượng xanh, và xây dựng lộ trình cho một tương lai xanh hơn.

Cuối cùng, ông nhấn mạnh Việt Nam có thể áp dụng các thực hành tương tự, tuy nhiên nên được điều chỉnh sao cho phù hợp với điều kiện và pháp lý địa phương, cũng như gợi ý các lĩnh vực tiềm năng để hợp tác giữa Úc và Việt Nam nhằm thúc đẩy logistics xanh trong xuất khẩu dược phẩm.
 
Trong phần trình bày về chủ đề: Kinh nghiệm đào tạo kỹ năng số và việc làm xanh cho nguồn nhân lực ngành Logistics, Ths. Phan Huy Đức, Phó Hiệu trưởng Trường Cao Đẳng Giao Thông Vận Tải Tp.HCM đã nhấn mạnh Việt Nam, một trong 6 nước chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, đang thực hiện chiến lược phát triển bền vững và cam kết tại COP26. Áp lực xanh hóa chuỗi cung ứng, đặc biệt là với nền kinh tế xuất khẩu, cùng với nhận thức về tác động ô nhiễm lớn từ hoạt động logistics, đã thúc đẩy nhu cầu phát triển nhanh và bền vững. Quan điểm phát triển của Việt Nam tập trung vào sự kết hợp giữa khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, trong đó chuyển đổi số được xem là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển bền vững. Để hỗ trợ doanh nghiệp logistics xanh, nguồn nhân lực cần được đào tạo kỹ năng số và xanh.

Ông Đức cũng chỉ ra các phương pháp đào tạo phát triển kỹ năng số cho sinh viên, cụ thể là hướng dẫn phương pháp học tập trong môi trường số, và xây dựng kho học liệu số. Sự kết hợp giữa giảng dạy trực tiếp và trực tuyến, đánh giá thường xuyên và định kỳ trực tuyến, cũng như ứng dụng phần mềm logistics AFRClocam, giúp tạo ra môi trường học tập đáp ứng nhu cầu thực tế.

Ngoài ra, ông Đức cũng trình bày về kết quả của khảo sát hoạt động phát triển kỹ năng số và kỹ năng xanh cho sinh viên ngành logistics tại trường Cao Đẳng Giao Thông Vận Tải Tp.HCM. Kết quả từ khảo sát cho thấy mức độ chuyển đổi số trong đào tạo logistics được đánh giá cao, và các kỹ năng được đào tạo đáp ứng tốt nhu cầu thực tế của công việc. Cụ thể, Khi đánh giá về mức độ chuyển đổi số trong đào tạo ngành logistics thì có 65,6% trả lời là tốt và 7,8% cho là rất tốt và 26,6% đánh giá là ổn. Khi đánh giá về các kỹ năng số và xanh được đào tạo tại trường đáp ứng thực tế công việc thì 50% câu trả lời là đáp ứng thực tế công việc và 17,2% thành thạo trong công việc thực tế. Doanh nghiệp tuyển dụng cũng đánh giá cao hoạt động phát triển kỹ năng số và kỹ năng làm việc xanh, minh chứng là có tới 91,3% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng hoạt động phát triển kỹ năng số và kỹ năng làm việc xanh cho sinh viên là hữu ích và rất hữu ích, ngoài ra 78,2% doanh nghiệp đánh giá hoạt động phát triển kỹ năng số và kỹ năng làm việc xanh cho người học là đáp ứng và đáp ứng tốt công việc thực tế. Đồng thời ông Đức đề xuất tiếp tục chuyển đổi số trong quản lý và đào tạo, hoàn thiện khung năng lực số, và xanh hóa từng bước chương trình đào tạo để xây dựng cơ sở giáo nghề nghiệp dục xanh.
 
Trong tham luận “Vai trò của Hiệp định Thương mại Tự do và Chuyển đổi Xanh trong thúc đẩy tăng trưởng Xuất – Nhập khẩu giữa Việt Nam – Australia”. Bà Phùng Thị Lan Phương – Chuyên gia Thương mại quốc tế, Nguyên Trưởng phòng FTA, Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã trình bày nhiều thông tin quan trọng về ý thức và hành vi của người tiêu dùng, cũng như các chính sách và cam kết của Việt Nam trong việc thúc đẩy phát triển bền vững và chuyển đổi xanh. Cụ thể 90% người tiêu dùng Việt Nam ủng  hộ các doanh nghiệp đạo đức và có trách nhiệm xã hội, đồng thời 43% họ đánh giá cao nhãn hàng và doanh nghiệp thân thiện với môi trường.

Bà Phương cho biết nhờ thực hiện những thay đổi chính sách quan trọng Việt Nam nằm trong top 3 nước đang phát triển (sau Ấn Độ và Philippines) có xếp hạng Chỉ số sẵn sàng cho công nghệ tiên phong (công nghệ XANH) cao hơn nhiều nhất so với kỳ vọng tính theo GDP bình quân đầu người (cao hơn 44 bậc so với kỳ vọng).

Hơn nữa, Bà Phương đã chia sẽ những thông tin hữu ích về các hiệp định thương mại tự do giữa Úc và Việt Nam như sau:
- Hiệp định Thương mại Tự do Châu Á - Úc - New Zealand (AANZFTA) mang đến cơ hội lớn cho Việt Nam và Australia với việc loại bỏ thuế quan lên đến 92% đối với hàng hóa từ Việt Nam và 100% đối với hàng hóa từ Australia. Hiệp định này cũng đi kèm với một số cam kết về phát triển bền vững, thể hiện sự chú trọng đến các quy định xã hội và môi trường.

- Công ước Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến triển Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tiếp tục mở ra cơ hội mở cửa thị trường với việc loại bỏ thuế quan lên đến 98% đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam và 100% đối với hàng hóa từ Australia. Ngoài ra, CPTPP còn chứa đựng nhiều cam kết về phát triển bền vững, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao và công nghệ xanh.

- Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) là một cơ hội quan trọng khác, khi Việt Nam và Australia đều có lợi với việc giảm thuế quan lên đến 89,6% và 98,3% tương ứng. RCEP cũng đưa ra cam kết về phát triển bền vững, nhấn mạnh đến cơ hội tăng cường thương mại, thu hút đầu tư, và chuyển giao công nghệ xanh.

Tất cả ba hiệp định này không chỉ tạo ra cơ hội lớn trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, mà còn đánh dấu một bước quan trọng trong việc thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư vào công nghệ cao và công nghệ xanh. Cơ hội chuyển giao và nâng cao công nghệ xanh trong ngữ cảnh của các FTA này có thể đóng góp đáng kể vào sự phát triển bền vững và thúc đẩy sự hợp tác hiệu quả giữa Việt Nam và Australia.
 
Ở phần hỏi đáp (Q&A) những câu hỏi quan trọng đã được đặt ra và trao đổi xoay quanh các vấn đề như logistics xanh, chuỗi cung ứng bền vững, các hiệp định thương mại tự do, đào tạo kỹ năng số và xanh cho nguồn nhân lực ngành logistics. Cụ thể:

Chia sẻ kinh nghiệm tìm kiếm đối tác, liên kết với doanh nghiệp hoặc tổ chức nghề nghiệp để hỗ trợ đào tạo kỹ năng số cho sinh viên. Theo Ths Phan Huy Đức: Trường Cao đẳng GTVT Tp. HCM đã triển khai một chiến lược tích cực để tìm kiếm và xây dựng đối tác, liên kết với doanh nghiệp và tổ chức nghề nghiệp nhằm hỗ trợ sinh viên trong quá trình đào tạo kỹ năng số. Đầu tiên, trường đã tự chủ tìm kiếm và tiếp cận các doanh nghiệp cũng như tổ chức nghề nghiệp phù hợp với bản chất và mục tiêu của trường. Thứ hai, trường cũng đã xây dựng quy tắc hợp tác dựa trên nguyên tắc win-win, tạo điều kiện cho cả hai bên hưởng lợi từ mối quan hệ hợp tác này. Ngoài ra, để nâng cao chất lượng đào tạo, trường còn thực hiện các biện pháp như mời chuyên gia từ doanh nghiệp tham gia giảng dạy, đồng thời khuyến khích họ tham gia vào các dự án nghiên cứu tại trường. Điều này giúp sinh viên tiếp xúc trực tiếp với những người có kinh nghiệm thực tế và áp dụng kiến thức vào các dự án thực tế. Cuối cùng, trường còn tổ chức việc cử giảng viên đi thực tế tại doanh nghiệp, giúp họ cập nhật thông tin mới nhất và điều chỉnh chương trình đào tạo để đảm bảo rằng nó phản ánh đúng nhu cầu và tiêu chuẩn của ngành.

Úc đã áp dụng công nghệ mới và hiện đại nào trong việc thiết kế và vận hành dịch vụ logistics xanh phục vụ xuất khẩu dược phẩm? Theo Ông Craig Luxton - Giám đốc – Tư vấn chính – Công ty Luxton & Co, Úc đã áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến trong hệ thống logistics xanh cho việc xuất khẩu dược phẩm. Đầu tiên là Công nghệ Chuỗi Lạnh, với đầu tư vào hệ thống theo dõi nhiệt độ và giải pháp làm lạnh, đặc biệt quan trọng trong vận chuyển và lưu trữ vắc xin COVID ở nhiệt độ từ -60°C đến -90°C. Công nghệ Đóng Gói Bền Vững cũng được áp dụng, với sử dụng vật liệu và phương pháp đóng gói thân thiện với môi trường để giảm tác động môi trường, bao gồm vật liệu tái chế và phân hủy sinh học. Thử nghiệm sử dụng Xe Điện/Hybrid, công nghệ phân tích dữ liệu và IoT được áp dụng để tối ưu hóa hoạt động logistics, giúp giảm tiêu thụ năng lượng và lượng khí thải thông qua giám sát thời gian thực và tối ưu hóa tuyến đường. Tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, thủy triều, vv.

Những thách thức chung gặp phải trong việc thực hiện logistics xanh là gì? Theo ông Craig, logistics xanh đối mặt với nhiều thách thức trong việc giảm thiểu tác động môi trường. Đầu tiên, có sự phụ thuộc nặng nề vào nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là trong lĩnh vực vận chuyển và đóng gói. Việc giao hàng chặng cuối, mặc dù quan trọng, lại góp phần vào ô nhiễm và tắc nghẽn đô thị. Thêm vào đó, sự thiếu hụt cơ sở hạ tầng hiện tại là một rào cản, khi sự hiện diện của các trạm sạc ô tô điện hoặc bơm hydro không đủ để hỗ trợ mạng lưới giao hàng không phát thải rộng rãi. Chi phí đầu tư ban đầu cao vào các công nghệ mới cũng là một rào cản đáng kể, do cạnh tranh giảm và các nền tảng ít trưởng thành để mở rộng quy mô. Việc theo dõi lượng khí thải carbon từ các nguồn gián tiếp rất khó khăn. Phân cấp và phụ thuộc lẫn nhau – Chuỗi cung ứng toàn cầu hiện đại phần lớn được phân cấp, điều này khiến việc xanh hóa chuỗi cung ứng trở nên khó khăn hơn do chính sách khác nhau giữa các quốc gia và khu vực pháp lý.
 
Điểm đặc biệt của diễn đàn lần này là phần chia nhóm thảo luận, các khách mời được chia thành các nhóm nhỏ và thảo luận về 3 chủ đề sau:
Chủ đề 1: Phát triển logistics xanh hướng tới chuỗi cung ứng bền vững cho hàng nông sản xuất khẩu Việt Nam – Úc.
Chủ đề 2: Tăng cường hoạt động xuất nhập khẩu Việt Nam – Úc: chú trọng ngành hàng dược phẩm.
Chủ đề 3: Đào tạo và huấn luyện nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành Logistics hướng tới logistics xanh và chuỗi cung ứng bền vững.
Ngay sau phần thảo luận nhóm là phần chia sẽ kết quả thảo luận với sự tham gia của:
Bà Bùi Vân Kiều  - Giám đốc - Công Ty TNHH Addicon Logistics Management
Ông Nguyễn Tuấn Nam - Giám đốc nghiệp vụ - Công ty FM Logistic.
Ông Phạm Duy Đông - Phó Hiệu trưởng - Trường Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi
PGS.TS. Hồ Thị Thu Hòa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát Triển Logistics Việt Nam (VLI)

Trong phần tổng kết phiên thảo luận, PGS.TS Hồ Thị Thu Hòa, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI), đã chia sẻ những kết luận quan trọng và nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc phát triển Logistics Xanh và chuỗi cung ứng bền vững. Bà cho biết rằng, ngành logistics đang trở thành một nhân tố quyết định trong việc định hình sự phát triển bền vững, đặc biệt là đối với ngành nông sản và dược phẩm. Úc và Việt Nam, với những đặc thù riêng biệt, đều đối mặt với thách thức và cơ hội trong việc phát triển chuỗi cung ứng xanh, bền vững.

Ở Úc, đã chứng kiến sự thành công của việc áp dụng nguyên tắc Logistics Xanh vào quản lý chuỗi cung ứng, từ việc giảm lượng chất thải đến việc tối ưu hóa các phương tiện vận chuyển với mục tiêu giảm khí nhà kính. Các sáng kiến như này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn giúp bảo vệ môi trường và tạo ra giá trị bền vững cho cả xã hội.

Tại Việt Nam, chúng ta đang chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể trong xuất khẩu nông sản, và đồng thời, nhu cầu về chuỗi cung ứng bền vững cũng ngày càng cao. Việc học hỏi và kết nối kinh nghiệm với Úc, một quốc gia có lĩnh vực logistics phát triển, là một bước quan trọng để chúng ta có thể xây dựng những chuỗi cung ứng hiệu quả và bền vững tại Việt Nam.

Cuối cùng, PGS.TS Hồ Thị Thu Hòa kêu gọi mọi người hãy cùng nhau xây dựng chuỗi cung ứng xanh, bền vững, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho cả hai quốc gia và đồng thời, góp phần tích cực vào sự phát triển toàn cầu. Bà hy vọng rằng, thông qua sự hợp tác chặt chẽ và chia sẻ kinh nghiệm, Việt Nam - Úc sẽ đạt được những bước tiến to lớn trong việc phát triển Logistics Xanh và chuỗi cung ứng bền vững.
           
Để biết thêm thông tin, xin vui lòng liên hệ:
Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI)
E: Vliconference@Vli.edu.vn
P: 077.358.8752

 
THÔNG TIN THAM KHẢO LĨNH VỰC LOGITICS VÀ KINH TẾ, THƯƠNG MẠI:

(1) Phân tích và dự báo về thị trường logistics, chuỗi cung ứng quốc tế và trong nước, độ tin cậy của lịch trình, tình hình hoạt động tại các ga, cảng, thị trường giao nhận, bất động sản logistics mới nhất, VUI LÒNG XEM TẠI ĐÂY

ĐẶC BIỆT: Giảm 40% so với giá bán lẻ cho Gói thông tin thị trường logistics (3 tháng, 6 tháng, 12 tháng)​, giảm 10% cho đơn hàng mua lẻ, áp dụng trong tháng 11/2023. 
 
(2) Công nghệ mới trong logistics và quản trị chuỗi cung ứng, vui lòng xem TẠI ĐÂY

(3) Báo cáo nghiên cứu thị trường Chuỗi cung ứng lạnh (tập trung vào kho lạnh, vận tải lạnh) của Việt Nam và thế giới, vui lòng tham khảo TẠI ĐÂY

(4) Phân tích chi tiết về kinh tế, thương mại, tài chính tiền tệ thế giới, trong nước, các ngành hàng xuất, nhập khẩu chính, vui lòng tham khảo TẠI ĐÂY
 

 
Bản quyền thuộc về Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Điện thoại: (024) 37150530 | Fax: (024) 37150489
Giấy phép số 104/GP-TTĐT ngày 07/05/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Số người trực tuyến: 4
Số người truy cập: 6.007.677
Chung nhan Tin Nhiem Mang