Đang Tải Dữ Liệu....
Thứ năm, ngày 23 tháng 1 năm 2025
Vietnamese English

Giải pháp giảm chi phí logistics liên quan đến thủ tục hải quan

17/04/2018 09:21

Để góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ Logistics Việt Nam nói chung; hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp vận tải nói riêng, trong thời gian vừa qua, Bộ Tài chính đã tích cực triển khai thực hiện nhiều giải pháp về thủ tục hải quan và thuế nhằm tạo thuận lợi thương mại, nâng cao sự cạnh tranh quốc gia trong quá trình hội nhập nói chung, thúc đẩy, nâng cao hiệu quả và giảm chi phí trong hoạt động logistics và doanh nghiệp vận tải nói riêng

Trong thời gian vừa qua, đặc biệt là từ năm 2014 đến nay, ngành Hải quan đã và đang không ngừng nỗ lực triển khai thực hiện cải cách, hiện đại hóa và đơn giản hóa về thủ tục hải quan. Bên cạnh việc tập trung hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về hải quan và hệ thống văn bản về chính sách thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu thì cơ quan hải quan cũng chú trọng đến việc thí điểm, áp dụng và đưa các ứng dụng công nghệ thông tin, trang thiết bị hiện đại, quản lý rủi ro vào quá trình thực hiện thủ tục hải quan nhằm giảm thời gian thông quan hàng hóa đảm bảo tính khách quan, tăng độ chính xác và giảm nhân lực cũng như chi phí phát sinh cho cả cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân…đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics. Đến nay, việc triển khai thực hiện các giải pháp trên như sau:

1. Hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật về hải quan:

Trên cơ sở Luật Hải quan năm 2014, trong thời gian qua, Chính phủ và Bộ Tài chính đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật với các hướng dẫn cụ thể, chi tiết, minh bạch nhằm đưa luật vào cuộc sống hiệu quả hơn. Trong quá trình triển khai thực hiện, đối với các nội dung vướng mắc, Bộ Tài chính đã kịp thời hướng dẫn và trình cấp có thẩm quyền hướng dẫn xử lý; đối với những vướng mắc về quy định pháp luật, Bộ Tài chính cũng kịp thời báo cáo Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung nhằm triển khai các quy định một cách hiệu nhất.

Theo đó, hiện Bộ Tài chính cũng đang chủ trì trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 08/2015/NĐ-CP và xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 38/2015/TT-BTC. Tại Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ và Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 31/3/2015 của Bộ Tài chính cũng như các dự thảo văn bản đang trình Chính phủ xem xét ban hành và xây dựng tại Bộ Tài chính, các văn bản đều được xây dựng theo tinh thần tạo thuận lợi tối đa cho cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, trong đó có doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics như: giảm chứng từ trong bộ hồ sơ hải quan (giảm 05 loại chứng từ đối với hàng xuất khẩu; giảm 04 loại chứng từ đối với hàng nhập khẩu), giảm thời gian thực hiện đối với từng khâu trong quá trình triển khai thực hiện thủ tục hải quan (thời gian kiểm tra hồ sơ tối đa là 02h; thời gian kiểm tra thực tế hàng hóa là 08h), đơn giản hóa quy trình triển khai thực hiện đối với từng loại hình thủ tục hải quan (bãi bỏ một số quy định như: thay tờ khai hải quan; thủ tục thông báo hợp đồng/phụ lục hợp đồng gia công, thủ tục thông báo, điều chỉnh định mức gia công, SXXK, …; thay đổi cơ bản một số thủ tục như: thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại; thủ tục hải quan hàng hóa quá cảnh,…); đơn giản hóa hình thức, cách thức thực hiện thủ tục hải quan (thủ tục hải quan được thực hiện theo phương thức điện tử qua hệ thống VNACCS; doanh nghiệp được lựa chọn nộp chứng từ hồ sơ hải quan bằng bản giấy hoặc gửi qua Hệ thống; Không phải nộp tờ khai hải quan khi làm các thủ tục về thuế, trừ trường hợp khai tờ khai giấy; trường hợp đăng ký kiểm tra chuyên ngành qua Một cửa quốc gia thì không phải nộp trực tiếp kết quả kiểm tra chuyên ngành mà cơ quan hải quan sẽ khai thác theo kết quả cơ quan chuyên ngành trả về trên hệ thống Một cửa quốc gia...); áp dụng hệ thống thông quan tự động VNACCS, áp dụng công nghệ mới trong quản lý rủi ro, kiểm tra - soi chiếu hàng hóa, giám sát hàng hóa (qua hệ thống camera giám sát, seal định vị)… tăng độ chính xác, khách quan đồng thời giúp cộng đồng giảm chi phí không nhỏ trong quá trình chuẩn bị hồ sơ hải quan, nhân lực thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; đặc biệt giảm sự tiếp xúc trực tiếp giữa doanh nghiệp và cán bộ công chức hải quan. 

* Tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 08/2015/NĐ-CP, Bộ Tài chính đã đề nghị quy định liên quan đến hoạt động trung chuyển theo hướng sau: - Quy định về thủ tục hải quan đối với việc chia tách, lưu kho, thay đổi phương thức, phương tiện vận tải hàng quá cảnh, việc đóng chung hàng hóa quá cảnh với hàng xuất khẩu. - Hàng hóa trung chuyển được vận chuyển bằng đường biển từ nước ngoài vào khu vực trung chuyển tại cảng biển, sau đó được đưa ra nước ngoàitừ chính khu vực trung chuyển tại cảng biển này hoặc đến khu vực trung chuyển tại cảng biển khác để đưa ra nước ngoài; Đối với hàng hóa vận chuyển từ nước ngoài qua lãnh thổ Việt Nam để đến nước khác không thuộc trường hợp trung chuyển thì thực hiện thủ tục theo quy định đối với hàng quá cảnh. - Bổ sung quy định chỉ cho phép hàng hóa đưa từ nước ngoài vào Việt Nam vào các khu vực trung chuyển tại các cảng biển loại IA và cảng TP Hồ Chí Minh (cảng biển loại I).

Các quy định trên nhằm đảm bảo tương thích với quy định tại Điều 241 Luật Thương mại và thực tế phát sinh trong hoạt động vận tải quốc tế, phát huy lợi thế của Việt Nam trong hoạt động vận tải quốc tế, nâng cao năng lực cảng biển Việt Nam. Hơn nữa, dự thảo quy định cụ thể, phân biệt rõ hàng hóa quá cảnh, hàng hóa trung chuyển để đảm bảo đúng bản chất của hàng quá cảnh, trung chuyển cũng như đảm bảo công tác quản lý đối với các loại hàng hóa này và thuận lợi trong quá trình thực hiện, cũng như phát huy lợi thế cảng biển nước sâu của Việt Nam, tạo thuận lợi cho giao thương hàng hóa cũng như hoạt động logistics. Những nỗ lực cải cách, đơn giản hóa về thủ tục hải quan trong thời gian vừa qua được Chính phủ, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá cao đã góp phần không nhỏ trong việc tạo thuận lợi thương mại, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nói chung, giảm chi phí, thúc đẩy hoạt động logistics phát triển hơn nữa. Bên cạnh công tác hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật về hải quan, trong thời gian vừa qua, Bộ Tài chính cũng là đơn vị đầu mối của Chính phủ trong việc rà soát, phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng, hoàn thiện cơ sở pháp lý thực hiện KTCN. Theo đó, tính đến 30/3/2018, số lượng văn bản được sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu tại Quyết định 2026/QĐ-TTg đạt 91% (79/87 văn bản), 9% (8/87 văn bản) còn lại đang được các Bộ thực hiện sửa đổi, bổ sung. Các văn bản sửa đổi đều được xây dựng theo hướng minh bạch, cụ thể; các danh mục hàng hóa đều có mã số HS kèm theo.

Bên cạnh đó, hiện Bộ Tài chính cũng đang được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng dự thảo Nghị định quy định về thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành. Theo đó, nội dung về kiểm tra chuyên ngành được dự kiến xây dựng theo hướng quy định trách nhiệm của các Bộ, ngành trong việc ban hành Danh mục hàng hóa thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành trước thông quan phải đảm bảo các thông tin như: hàng hóa đưa vào danh  mục là hàng hóa có độ rủi ro cao gây nguy hại cho sức khỏe, tính mạng con người, gây ô nhiễm môi trường, nguy hại cho kinh tế, cho an ninh quốc gia; có tiêu chuẩn kỹ thuật, chỉ tiêu, phương thức kiểm tra, quy trình, thủ tục, cơ quan kiểm tra; kèm mã số HS... và có quy định nguyên tắc áp dụng quản lý rủi ro trong kiểm tra, các trường hợp được miễn kiểm tra, phương thức lấy mẫu hàng hóa, trách nhiệm trao đổi thông tin giữa các cơ quan liên quan.

2. Áp dụng và đưa các ứng dụng công nghệ thông tin, trang thiết bị hiện đại vào quá trình thực hiện thủ tục hải quan:

Việc đưa vào sử dụng hệ thống xử lý dữ liệu hải quan điện tử (Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS) đã tạo thuận lợi lớn trong quá trình làm thủ tục hải quan cho cả cơ quan hải quan và cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp logistics với kết quả phân luồng kiểm tra hàng hóa được phản hồi nhanh, các khâu trong thủ tục được thực hiện qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến giúp cộng đồng doanh nghiệp giảm chi phí không nhỏ trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan. Trong thời gian vừa qua, để phát huy hơn nữa những ưu điểm, lợi ích có được từ hệ thống xử lý dữ liệu hải quan điện tử hải quan, Bộ Tài chính được Chính phủ quan tâm, tin tưởng giao đầu mối xây dựng, vận hành nhiều ứng dụng công nghệ thông tin khác liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, ví dụ như: Cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN; Cổng thông tin thương mại điện tử … với kết quả như sau:

2.1. Cải cách, hiện đại hóa công tác giám sát của cơ quan hải quan tại các cảng biển nhằm tạo thuận lợi thương mại, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vận tải:

a) Để cụ thể hóa nội dung Nghị quyết số 19/2017/NQ-CP của Chính phủ, ngành Hải quan đã xây dựng, thực hiện Đề án “Kiểm tra, giám sát hàng hóa tại khu vực cảng biển, cảng hàng không”. Đến nay, Đề án đã được triển khai thí điểm từ ngày 15/8/2017 tại khu vực cảng biển thuộc địa bàn quản lý của Cục Hải quan thành phố Hải Phòng và từ ngày 16/10/2017 tại khu vực cảng hàng không thuộc địa bàn của Cục Hải quan thành phố Hà Nội quản lý. Theo đánh giá, đây là Đề án có vai trò quan trọng, nhiệm vụ cấp bách cần phải thực hiện làm cơ sở hoàn thiện các quy định pháp lý, nâng cấp toàn diện hệ thống công nghệ thông tin theo hướng tích hợp, thông minh để tập trung áp dụng quản lý rui ro để đáp ứng được yêu cầu quản lý hải quan tự động trên Hệ thống, tạo thành chu trình quản lý hải quan xuyên suốt, thống nhất, hiện đại, góp phần tạo thuận lợi thương mại, tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại.

(i) Đối với người khải hải quan: - Giảm thủ tục: Người khai hải quan khi thực hiện thủ tục lấy hàng qua KVGS hải quan không phải xuất trình chứng từ (mẫu 29/30 ban hành kèm Phụ lục V Thông tư 38) để cơ quan hải quan kiểm tra, xác nhận hàng đủ điều kiện qua KVGS theo phương thức thủ công; - Giảm thời gian: Thủ tục với cơ quan hải quan và doanh nghiệp cảng được thực hiện một cửa sẽ giúp giảm thời gian, chi phí đi lại giữa 2 bên; theo đó, tại khu vực đã triển khai cho thấy, thời gian giảm ít nhất từ 1/3 đến 1/2 so với thời gian trước khi triển khai Đề án.

- Giảm chi phí: Không phải xuất trình chứng từ giấy tại hải quan giám sát giúp giảm chi phí in ấn, văn phòng phẩm, ví dụ: tại Hải phòng nơi triển khai Đề án, với bình quân 1 ngày có 7.592 tờ khai hải quan không phải in chứng từ đủ điều kiện qua KVGS (mẫu 29/30) sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được 759.200 đ/01 ngày.

(ii) Đối với DNKD cảng, kho, bãi: - Đảm bảo các điều kiện thực hiện yêu cầu quản lý theo Luật Hải quan năm 2014 như: được cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin về tình trạng cấp phép thông quan (từ cơ quan hải quan) đối với từng lô hàng, từng container để cho phép hàng ra, vào KVGS theo đúng quy định; giảm thiểu rủi ro trong việc thực hiện bằng chứng từ giấy (tránh việc làm giả chứng từ); - Nâng cao uy tín, hiệu quả hoạt động kinh doanh, năng lực cạnh tranh của DNKD cảng do việc giảm khổi lượng nhân công, giảm chi phí do giảm thiểu hồ sơ giấy trao đổi giữa các bên và giảm thời gian lưu giữ hàng hóa trong cảng, kho, bãi.

(iii) Đối với cơ quan hải quan: 

- Kịp thời nắm bắt thời gian, số lượng, ví trí đối với lô hàng đưa vào, lưu giữ, đưa ra cảng, kho, bãi và thông tin lô hàng quá hạn làm thủ tục hải quan thông qua Hệ thống để đưa ra các quyết định xử lý phù hợp;

- Giảm thời gian giải quyết thủ tục của cơ quan hải quan do giảm bớt thủ tục giấy tờ, giảm thao tác, áp lực cho công chức hải quan, cụ thể như việc không phải kiểm tra, xác nhận chứng từ giấy tại văn phòng hải quan giám sát giúp giảm khoảng 2 phút/1 tờ khai; bình quân 1 ngày có 7.592 tờ khai hải quan qua cảng Hải phòng, tổng thời gian giải quyết đưa hàng hóa qua KVGS sẽ giảm/01 ngày là: 7.592 x 2 phút = 15.184 phút = 253 giờ công và 31,6 công chức giám sát có thể cắt giảm để phân công, bố trí thực hiện nhiệm vụ tại các vị trí công tác cần bổ sung nhân sự; - Công tác quản lý rủi ro, chống buôn lậu, giám sát hải quan được tăng cường và được thực hiện hiệu quả hơn do có đầy đủ thông tin về lô hàng. 

b) Áp dụng seal định vị: Việc ứng dụng công nghệ seal định vị GPS trong hoạt động quản lý, giám sát hải quan đối với hàng hóa vận chuyển bằng container đem lại hiệu quả cao trong công tác quản lý, phù hợp với tiến trình hiện đại hóa Hải quan với phương thức quản lý, giám sát hải quan hiện đại, giúp cơ quan hải quan nắm bắt kịp thời, đầy đủ tình trạng của phương tiện vận chuyển hàng hóa tại mọi thời điểm từ khi gắn seal giám sát tại nơi đi đến khi hải quan nơi đến xác nhận hàng đã đến đích, như cảnh báo thời gian dừng đỗ, đi lệch tuyến đường, mở container trái phép, vị trí và tốc độ hiện tại. Giúp doanh nghiệp xuất nhập khẩu quản lý được hàng hóa vận chuyển trong container được đảm bảo an toàn trong khi vận chuyển giữa các cửa khẩu. Bên cạnh đó, trường hợp có vấn đề phát sinh thì cơ quan chức năng cũng như doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp xuất nhập khẩu sẽ nhanh chóng có cơ sở thông tin để xác định trách nhiệm.

2.2. Áp dụng Cơ chế Một cửa Quốc gia cho các thủ tục liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh, người và phương tiện vận tải xuất nhập cảnh, quá cảnh:

Với vai trò là cơ quan thường trực, năm 2017 Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với các Bộ, Ngành tích cực triển khai Kế hoạch tổng thể triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN giai đoạn 2016-2020, cụ thể: 

- Về triển khai Cơ chế một cửa quốc gia: + Phối hợp, đôn đốc các Bộ, Ngành, căn cứ kế hoạch cắt giảm, đơn giản thủ tục hành chính, rà soát danh mục TTHC đã đăng ký triển khai theo Quyết định 2185/QĐ-TTg ngày 14/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh cho phù hợp với thực tế);

+ Triển khai cơ chế một cửa quốc gia đường không đối với tàu bay nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh từ 01/5/2017;

+ Triển khai mở rộng Cơ chế một cửa quốc gia tại cảng biển: Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng thống nhất và ký Kế hoạch triển khai mở rộng Cơ chế một cửa quốc gia cho tàu biển xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh cho các cảng biển trên toàn quốc...

Tính đến Quý I năm 2018, đã có 11 Bộ, Ngành tham gia kết nối; có 47 TTHC với tổng số hồ sơ hành chính đã được xử lý gần 1,1 triệu bộ hồ sơ và hơn 20 nghìn doanh nghiệp tham gia. (Từ 01/01-31/3/2018, số hồ sơ đạt trên 198 nghìn bộ, trên 2,1 nghìn doanh nghiệp tham gia).

- Về triển khai Cơ chế một cửa ASEAN: Hiện nay, Nghị định thư khung pháp lý thực hiện Cơ chế một cửa ASEAN đã có hiệu lực thực hiện (10/10 nước thành viên ASEAN đã phê chuẩn). Theo đó, Tổng cục Hải quan đã phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật thông tin phục vụ triển khai chính thức Cơ chế một cửa ASEAN về e-C/O form D vào từ 01/01/2018 và có kết nối với 04 nước Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan, cụ thể:

+ Về trao đổi e-C/O form D: Phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông trao đổi chính thức thông tin e-C/O form D với các nước Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan từ tháng 01/2018. (Từ 01/01 đến 15/3/2018, tổng số C/O form D do Việt Nam gửi đi là 8.641. Tổng số C/O form D Việt Nam nhận được từ các nước ASEAN là 18.052);

+ Về trao đổi thí điểm tờ khai Hải quan ASEAN: Hiện đang thực hiện công tác chuẩn bị để triển khai; - Trao đổi thông tin với Liên minh kinh tế Á- Âu (EAEU): Hiện đang đàm phán để hoàn thiện các Nghị định thư về trao đổi thông tin; thống nhất về kỹ thuật và chuẩn bị xây dựng hệ thống để trao đổi thông tin tờ khai hải quan, chứng nhận xuất xứ theo hiệp định ký giữa hai bên. Việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, chuyển từ quản lý thủ công sang điện tử đã mang lại hiệu quả trong công tác cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời là một minh chứng về tính cam kết của Chính phủ trong tạo thuận lợi thương mại và hỗ trợ doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp, việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia có ý nghĩa rất quan trọng đối với cộng đồng doanh nghiệp, tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục hải quan. Lợi ích và hiệu quả rõ nét mang lại đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu và người làm thủ tục hải quan là giảm rất nhiều thời gian làm thủ tục hải quan. Việc cắt giảm thời gian được thực hiện ở tất cả những khâu cơ bản trong quá trình làm thủ tục hải quan; tiết kiệm chi phí và sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả; tăng cường tính minh bạch trong quá trình làm thủ tục hành chính; giảm sự tiếp xúc giữa người dân và doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý của doanh nghiệp. Tuy nhiên, tiến độ triển khai Cơ chế một cửa quốc gia chưa đáp ứng yêu cầu đề ra tại Quyết định 2185/2016/QĐ-TTg. Đến hết năm 2017, các Bộ, Ngành mới triển khai thêm 18 thủ tục hành chính. Trong Quý I/2018, chưa triển khai thêm TTHC; Kinh phí năm 2018 đã được bố trí một phần, song các Bộ, Ngành chưa chủ động đầu tư xây dựng và triển khai hệ thống kịp thời; việc ứng dụng công nghệ thông tin và tiếp cận thủ tục hành chính qua Cơ chế một cửa quốc gia của doanh nghiệp nhỏ và vừa còn yếu... Do vậy, nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới vẫn còn nhiều, cụ thể: + Đẩy nhanh tiến độ triển khai Cơ chế một cửa quốc gia đối với tất cả các thủ tục hành chính; + Kết nối với các nước ASEAN khác để trao đổi C/O và chuẩn bị chứng nhận kiểm dịch điện tử; Triển khai thí điểm trao đổi tờ khai hải quan ASEAN; + Hoàn thành việc đàm phán để hoàn thiện các Nghị định thư về trao đổi thông tin; thống nhất về kỹ thuật và chuẩn bị xây dựng hệ thống để trao đổi thông tin tờ khai hải quan, chứng nhận xuất xứ theo hiệp định ký giữa hai bên với Liên minh kinh tế Á Âu.

2.3. Xây dựng và vận hành Cổng Thông tin thương mại:

Việc xây dựng Cổng Thông tin thương mại quốc gia với sự hỗ trợ của Ngân hàng thế giới đã được hoàn thành và chuyển giao cho Bộ Tài chính chủ trì vận hành từ ngày 12/7/2017. Để đảm bảo việc vận hành cổng thông tin thương mại được thuận lợi đồng thời đảm bảo chất lượng yêu cầu, hiện Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đang chủ trì xây dựng quy chế phối hợp giữa các Bộ, ngành để trình Ủy ban Một cửa quốc gia, Một cửa ASEAN, kiểm tra chuyên ngành và tạo thuận lợi thương mại xem xét ban hành. Cổng thông tin đã đáp ứng được cam kết về minh bạch hoá các thông tin pháp luật liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ phối hợp chặt chẽ với VCCI để tuyên truyền sâu rộng cho khu vực tư nhân về những lợi ích của Cổng thông tin này.

3. Đẩy mạnh cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu:

Trong năm 2017và Quý I năm 2018, Bộ Tài chính cũng tích cực đôn đốc, phối hợp với các Bộ, ngành triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và Quyết định số 2026/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Đến nay, việc triển khai thực hiện đã đạt được một số kết quả như sau:

- Xây dựng, hoàn thiện cơ sở pháp lý thực hiện KTCN: Các Bộ quản lý chuyên ngành (QLCN) đã phối hợp với Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) thực hiện việc rà soát, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý và KTCN. Tính đến 30/3/2018, số lượng văn bản được sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu tại Quyết định 2026/QĐ-TTg đạt 91% (79/87 văn bản), 9% (8/87 văn bản) còn lại đang được các Bộ thực hiện sửa đổi, bổ sung. Bên cạnh đó, hiện Bộ Tài chính cũng đang được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng dự thảo Nghị định quy định về thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành như đã báo cáo ở trên. - Đổi mới phương pháp KTCN theo hướng tạo thuận lợi cho hoạt động XNK, giảm chi phí, rút ngắn thời gian thông quan + Các Bộ QLCN đã phối hợp với Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) xây dựng và ban hành Danh mục hàng hóa thuộc đối tượng KTCN kèm mã số HS.

Trong năm 2017, Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp với một số Bộ, ngành tổ chức nhiều đợt làm việc tập trung để áp mã số HS đối với các Danh mục hàng hóa chuyên ngành theo Thông tư 65/TT-BTC. Tại các đợt làm việc đã rà soát và áp mã số HS đối với các danh mục hàng hóa thuộc trách nhiệm quản lý của các Bộ, ngành: NNPTNT, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Y tế, Công Thương, Ban cơ yếu Chính phủ. Hiện nay, Bộ Tài chính đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị thuộc các Bộ QLCN rà soát, áp mã số HS cho các danh mục hàng hóa.
+ Các Bộ QLCN đã chủ động và tích cực tham gia cơ chế một cửa quốc gia. Đến nay đã có 11 Bộ, ngành (kể cả Bộ Tài chính) kết nối Cơ chế một cửa quốc gia với 47 thủ tục hành chính được triển khai. Đến tháng 3/2018, Cơ chế một cửa quốc gia đã xử lý hơn một triệu hồ sơ của khoảng 20.000 doanh nghiệp

-Đầu tư cơ sở vật chất, nguồn lực, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động KTCN: Bộ Tài chính đã chủ trì phối hợp với 10 Bộ QLCN thành lập và đưa vào hoạt động 10 địa điểm KTCN tập trung tại 08 địa bàn hải quan: Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Hà Nội, Đà Nẵng, Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Quảng Ngãi. Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ nâng cấp Trung tâm phân tích phân loại hàng hóa XNK (thuộc Tổng cục Hải quan) thành Cục Kiểm định hải quan với 06 Chi cục Kiểm định, 04 trạm kiểm định di động và các phòng thí nghiệm để hỗ trợ thực hiện hoạt động KTCN đối với hàng hóa XNK.

- Tăng cường công tác truyền thông, đào tạo và nâng cao năng lực hoạt động KTCN cho các doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa và các đơn vị, tổ chức có liên quan: Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp với một số đơn vị chức năng chuyên môn thuộc các Bộ quản lý chuyên ngành tổ chức Họp báo chuyên đề, giải đáp vướng mắc, trao đổi những vấn đề cụ thể để giải đáp, xử lý những khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp trong hoạt động KTCN. Từ năm 2016 đến nay, Bộ Tài chính đã tổ chức 10 Hội nghị tuyên truyền, 03 đợt khảo sát thực tế tại một số doanh nghiệp XNK, một số đơn vị KTCN, Chi cục Hải quan

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan để đôn đốc, triển khai thực hiện các nhiệm vụ mà Nghị quyết số 19- 2017/NQ-CP, Nghị quyết 35/NQ-CP và Quyết định số 2026/QĐ-TTg đã giao nhằm đảm bảo công tác cải cách hiện đại hóa, đơn giản thủ tục hành chính, giảm thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, tạo thuận lợi thương mại, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, trong đó, tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau :

+ Thực hiện các giải pháp cải cách toàn diện hoạt động kiểm tra chuyên ngành, cụ thể: Thu hẹp danh mục, số lượng mặt hàng phải kiểm tra tại khâu thông quan theo chỉ đạo của Chính phủ là cắt giảm 50% các mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành; Chỉ kiểm tra chuyên ngành trước thông quan đối với những mặt hàng có nguy cơ cao về an toàn thực phẩm, dịch bệnh, an ninh quốc gia; Áp dụng thông lệ quốc tế, chuyển mạnh sang hậu kiểm, hướng tới kiểm tra tại nguồn, công nhận lẫn nhau trong kiểm tra chuyên ngành; Áp dụng phương pháp quản lý rủi ro trong KTCN trên cơ sở phân tích thông tin, đánh giá mức độ rủi ro của hàng hóa và mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp;

+ Rà soát loại bỏ những quy định chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành; Thống nhất một đơn vị kiểm tra chuyên ngành đối với một mặt hàng, chấm dứt tình trạng một mặt hàng phải qua kiểm tra chuyên ngành của nhiều cơ quan khi thông quan.

+ Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông với các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa để nắm vững các quy định pháp luật, tuân thủ và chấp hành các quy định pháp luật nói chung và pháp luật về kiểm tra chuyên ngành; tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành.

+ Tham mưu trình Chính phủ sớm ban hành Nghị định quy định về thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tổ chức thực hiện có hiệu quả khi Nghị định được ban hành.

+ Thực hiện điện tử hoá thủ tục (nộp hồ sơ, trả kết quả...) kiểm tra chuyên ngành; Kết nối chia sẻ, trao đổi thông tin giữa các cơ quan, tổ chức quản lý, kiểm tra chuyên ngành thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia. + Nghiên cứu, rà soát, đổi mới các quy định về thủ tục hải quan cho phù hợp với những quy định mới về quản lý và KTCN, về bảo lãnh thông quan.

VITIC tổng hợp/ Theo Bộ Tài chính, thông tin tại Hội nghị toàn quốc về logistics, tháng 4/2018





 
Bản quyền thuộc về Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Điện thoại: (024) 37150530 | Fax: (024) 37150489
Giấy phép số 104/GP-TTĐT ngày 07/05/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Số người trực tuyến: 3
Số người truy cập: 6.382.486
Chung nhan Tin Nhiem Mang