TP.HCM: Tổng kiểm tra kho chứa hàng trên toàn thành phố
Văn phòng UBND TP.HCM lại vừa có thông báo số 630 truyền đạt chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến về các kho chứa hàng đặc biệt hóa chất.
Chiều 24/9/2019, Văn phòng UBND TP.HCM ra thông báo truyền đạt kết luận của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến về sai phạm trong việc Công ty CP Bao bì kho bãi Bình Tây bất tuân chỉ đạo của Thành phố, cho thuê bằng…miệng kho bãi trên đất Nhà nước, sau đó doanh nghiệp khác dùng kho này chứa…hàng cấm
Sau khi nghe báo cáo các bên liên quan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM ông Trần Vĩnh Tuyến giao Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp cùng sở ngành liên quan tham mưu, đề xuất UBND TP.HCM chỉ đạo xử lý nghiêm theo quy định pháp luật về việc Công ty Công ty CP Bao bì kho bãi Bình Tây cho thuê tài sản gắn liền với đất được Nhà nước cho thuê lại hàng năm tại địa chỉ 621 Phạm Văn Chí phường 7 quận 6 TP.HCM. Việc tham mưu xử lý này phải thực hiện dứt điểm trong tháng 9/2019.
Trước đó, Ban chỉ đạo 389 TP.HCM đã có báo cáo với UBND TP.HCM và Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, sau thời gian xác minh làm rõ sai phạm quan Công ty CP Bao bì kho bãi Bình Tây kể từ khi lực lượng chức năng phát hiện hàng loạt kho ở đây chứa hàng lậu, hàng cấm (tháng 6/2019).
Theo Ban chỉ đạo 389, kho bãi này nằm trên khu đất 621 Phạm Văn Chí phường 7 quận 6 TP.HCM, có diện tích khoảng 22 ha, trước kia là trụ sở của Công ty CP Rượu Bình Tây, thuộc tài sản Nhà nước. Tuy nhiên, doanh nghiệp này đã di dời từ năm 2005 do thuộc diện gây ô nhiễm môi trường.
Vào tháng 5/2015, với quyết định số 2287 và Hợp đồng thuê đất số 10310 (của Sở Tài Nguyên và Môt trường), UBND TP.HCM đã chấp thuận cho Công ty cổ phần bao bì kho bãi Bình Tây (Công ty Bình Tây) sử dụng đất công tại địa chỉ trên làm văn phòng và nhà kho.
Sau đó, Công ty Bình Tây cho Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ kho bãi Minh Tâm (Công ty Minh Tâm) thuê lại. Công ty Minh Tâm lại cho hàng loạt cá nhân tổ chức khác thuê kho.
Đáng nói, giải trình với BCĐ 389, đại diện Công ty Minh Tâm cho hay, công ty được thuê lại kho ngay từ năm 2015. Đến ngày 14/9/2017, Công ty Bình Tây nhận được chỉ đạo của UBND TP.HCM về việc chấm dứt cho thuê mặt bằng tại địa chỉ này. Nên ngày 01/11/2017, Công ty Bình Tây và Công ty Minh Tâm đã làm biên bản thanh lý hợp đồng số 98 về thuê kho.
Nhưng biên bản chấm dứt trên chỉ là “vỏ bọc”. Theo BCĐ 389, Công ty Bình Tây vẫn tiếp tục cho Công ty Minh Tâm thuê để kinh doanh kho bãi, không có hợp đồng mà chỉ thỏa thuận bằng…miệng. Nên từ ngày 1/11/2017, Công ty Minh Tâm ngưng không ký tá hợp đồng với các bên thuê lại mà chỉ…thỏa thuận miệng!
Giải trình của bà Nguyễn Thị Minh Tâm (Giám đốc Công ty Minh Tâm) cho hay, mỗi tháng công ty nộp số tiền 670 - 680 triệu đồng tiền thuê kho cho ông Trần Văn Thí là nhân viên Công ty Bình Tây.
Biến kho trên đất Nhà nước thành nơi chứa…hàng cấm
Theo BCĐ, sau khi thuê được mặt bằng trên, Công ty Minh Tâm cho hàng chục doanh nghiệp, cá nhân khác thuê lại làm kho hàng, trong đó có chứa hàng hóa nhập lậu, hàng cấm...
Tháng 6/2019, Cục Quản lý thị trường TP.HCM đã cử lực lượng phối hợp BCĐ 389, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu – Công an TP.HCM…đã ập vào kiểm tra kho bãi này phát hiện, trong số 18 kho hàng kiểm tra thuộc 12 doanh nghiệp, hộ kinh doanh, đoàn kiểm tra xác định có hàng cấm kinh doanh là 775 sản phẩm là đồ chơi trẻ em bạo lực; hàng hóa không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc là 1.538 kg bao bì, 84.495 chiếc, bộ các loại (nhãn mác in tiếng Việt để đóng gói sản phẩm xuất xứ Trung Quốc); hàng hóa không hiệu, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam: 2.067.338 sản phẩm (đồ gia dụng, ấm, chén, bát, đĩa xuất xứ Trung Quốc); hàng không niêm yết giá theo quy định.
Hàng hóa lắp ráp, sản xuất thuộc đối tượng phải chứng nhận hợp quy mà không thực hiện chứng nhận hợp quy là 356 sản phẩm (loa, linh kiện điện tử xuất xứ Trung Quốc.
Cơ quan chức năng đã xử lý 10 tổ chức cá nhân với các vi phạm gồm: kinh doanh hàng hóa nhập lậu; kinh doanh hàng cấm; kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; hàng hóa nhập khẩu nước ngoài không có nhãn phụ tiếng Việt…. Trong phạm vi chức trách mình, cơ quan chức năng chỉ xử phạt hành chính hơn 328 triệu đồng, tịch thu hơn 30.000 sản phẩm vi phạm, tiêu hủy hơn 5.700 sản phẩm thuộc hàng cấm.
VITIC tổng hợp