Đang Tải Dữ Liệu....
Thứ ba, ngày 7 tháng 5 năm 2024
Vietnamese English

“Đánh thức” năng lực xuất nhập khẩu hàng hóa bằng đường sắt

08/10/2023 15:03
Trong bối cảnh khó khăn chung, việc hướng doanh nghiệp mở rộng phương thức vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường sắt sẽ giúp tiết giảm chi phí vận chuyển, rút ngắn thời gian giao nhận hàng hóa cũng như hàng hóa vận chuyển bảo đảm an toàn, đúng lịch trình.

Mở rộng phương thức vận chuyển

 

Cuối tháng 9 vừa qua, Đoàn tàu liên vận quốc tế vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp từ Ga Sóng Thần (tỉnh Bình Dương) đưa lô hàng đầu tiên của doanh nghiệp gồm tinh bột sắn (loại dùng làm thực phẩm) gần 500 tấn xuất khẩu trực tiếp sang Trung Quốc chính thức được khởi hành. Lô hàng đã được Cục Hải quan Bình Dương giải quyết thủ tục Hải quan xuất khẩu; tờ khai được Hệ thống xử lý dữ liệu tự động (VNACCS/VCIS) phân luồng Xanh (miễn kiểm tra chi tiết hồ sơ, miễn kiểm tra thực tế hàng hóa và được thông quan tự động).

Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương Nguyễn Trần Hiệu cho rằng, sự kiện mở ra một phương thức vận chuyển hàng hóa mới góp phần giảm áp lực lên giao thông đường bộ, giảm chi phí vận chuyển, giúp doanh nghiệp vừa nâng cao năng lực xuất, nhập khẩu, thúc đẩy hoạt động gia công sản xuất hàng hóa của các doanh nghiệp tỉnh Bình Dương nói riêng và khu vực phía Nam nói chung. Đồng thời mở ra cơ hội giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận đến các trung tâm công nghiệp, sản xuất hàng hóa, nguyên liệu phụ trợ của Trung Quốc như Quảng Châu, Côn Minh...

Đối với hàng hóa nhập khẩu, dự kiến tháng 10/2023, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ có lô hàng thử nghiệm, 1-2 container của nhiều chủ hàng khác nhau nhập khẩu từ Trung Quốc vào kho CFS-TBS Tân Vạn (thuộc sự quản lý của Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng tổng hợp Bình Dương). Sau đó, tùy theo tình hình, mục đích sử dụng nguyên liệu nhập khẩu, doanh nghiệp (chủ hàng) thực hiện đăng ký tờ khai hải quan theo các loại hình tương ứng (kinh doanh, gia công, sản xuất xuất khẩu…) để phục vụ sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng.

Ông Nguyễn Hoàng Thanh, Phó Tổng giám đốc Công ty CP vận tải và thương mại đường sắt (Ratraco) - thành viên của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nhấn mạnh, Bình Dương là tỉnh có tốc độ phát triển công nghiệp rất mạnh, có nhiều KCX-KCN, doanh nghiệp thường xuyên có hoạt động xuất nhập khẩu với thị trường Trung Quốc. Khi mở ra được dịch vụ vận chuyển hàng hóa liên vận quốc tế bằng đường sắt sẽ giúp doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương thêm sự lựa chọn đối với một phương thức vận tải mới. Đồng thời giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí logistics. Trước đây, doanh nghiệp của Bình Dương xuất nhập khẩu hàng hóa chủ yếu qua cảng Cát Lái và Cái Mép. Với phương thức vận tải đường sắt doanh nghiệp có thể tiếp cận làm thủ tục trực tiếp tại Bình Dương, sau đó ngành đường sắt sẽ mang hàng từ Bình Dương sang Trung Quốc. Có thể quá cảnh từ Trung Quốc đi sang các nước thứ ba như Nga, châu Âu và rất nhiều nước khác…

Rào cản cần gỡ bỏ

Chia sẻ về phương thức vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt, ông Lê Mạnh Hà, Giám đốc Điều hành Công ty TBS Logistics bày tỏ vui mừng cho rằng, việc vận hành đoàn tàu liên vận quốc tế vận chuyển hàng hóa xuất khẩu từ ga Sóng Thần đi Trung Quốc là tin vui cho doanh nghiệp xuất khẩu nói chung và doanh nghiệp làm dịch vụ xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc nói riêng. Bởi trước đây muốn đưa hàng sang Trung Quốc, doanh nghiệp phải vận chuyển bằng đường bộ ra ga Yên Viên (Hà Nội) hoặc ga Đồng Đăng (Lạng Sơn), sau đó mới làm thủ tục mở tờ khai để xuất khẩu hàng hóa. Nay doanh nghiệp có thể mở tờ khai trực tiếp tại Cục Hải quan Bình Dương và ga Sóng Thần đưa thẳng hàng hóa sang nước bạn. Điều này rút ngắn được thời gian, chi phí cho doanh nghiệp rất nhiều.

Trước đó vào tháng 2/2023, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cũng đã khai trương hoạt động liên vận quốc tế tại ga Kép (Bắc Giang). Giai đoạn 1 (2023 - 2024), VNR tổ chức lập tàu liên vận quốc tế tuyến Kép - Đồng Đăng (Lạng Sơn, Việt Nam) - Bằng Tường (Trung Quốc) với tần suất bình quân 1,5 - 2 đôi tàu/ngày. Đây được xem là bước quan trọng trong chiến lược phát triển, nâng cao năng lực vận tải liên vận quốc tế của đường sắt Việt Nam, giảm tải cho 2 ga liên vận quốc tế Yên Viên (Hà Nội) và Đồng Đăng, giảm thời gian thông quan hàng hóa. Các lô hàng, đặc biệt là nông sản, trái cây được vận chuyển xuất khẩu sang Trung Quốc nhanh chóng, tránh việc phải nằm chờ làm thủ tục xuất nhập khẩu tại biên giới làm ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa.

Có thể thấy, khi đã mở được những cửa khẩu ngay tại khu hậu cần logistics hoặc ngay trong khu công nghiệp, doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa có thể làm thủ tục hải quan ngay trong nội địa, thay vì phải ra tới biên giới rồi xếp hàng chờ đợi như trước đây. Điều đó giúp giảm thiểu rất nhiều thời gian, thủ tục cho doanh nghiệp, góp phần giảm chi phí logistics, hạ giá thành sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng. Đồng thời, giúp địa phương có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội vùng miền, trong khi đường sắt cũng có điều kiện để tăng doanh thu vận tải hàng hóa.

Tuy nhiên, theo đại diện Công ty TNHH MTV XNK Tiến Khanh, dù xuất nhập khẩu hàng hóa bằng đường sắt có lợi thế như quá trình vận chuyển thông suốt, cước phí vận chuyển thấp hơn so với các loại hình vận chuyển khác… song điều kiện, cơ sở hạ tầng, bến bãi, dịch vụ logistic tại đây xuống cấp, chưa đầy đủ, nên doanh nghiệp vẫn phải ưu tiên vận chuyển bằng đường bộ.

Mặt khác, theo lo ngại của một số doanh nghiệp, khi khối lượng hàng hóa tăng đường sắt cũng gặp rất nhiều vấn đề bởi vì hiện nay hệ thống cơ sở hạ tầng đường sắt Việt Nam đang rất lạc hậu và xuống cấp nghiêm trọng. Năng lực vận tải thông qua thấp do các hạn chế nhà ga, bãi hàng, tải trọng cầu đường; không kết nối được với các loại hình phương tiện vận tải khác, đặc biệt là kết nối với các cảng biển. Tình trạng thiếu phương tiện vận tải (đầu máy, toa xe hàng) cũng là khó khăn lớn khi khối lượng vận chuyển hàng hóa tăng đột biến.
 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Dành:

Bình Dương xác định đưa ngành dịch vụ logistics trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đến năm 2025. Do đó, việc mở rộng phát triển phương thức vận chuyển bằng đường sắt, đặc biệt là đường sắt liên vận quốc tế đi Trung Quốc sẽ giúp cho doanh nghiệp logistics tiếp cận dễ dàng hơn đối với các trung tâm sản xuất hàng hóa, nguyên liệu phục vụ quá trình phát triển, đồng thời tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp dịch vụ logistics phát triển.

Đến nay tỉnh Bình Dương đứng thứ tư về xuất khẩu cũng như nhập khẩu của cả nước. Việc vận chuyển hàng hóa XNK bằng đường sắt qua ga Sóng Thần góp phần giải quyết tình trạng quá tải của vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ, đồng thời đẩy nhanh tốc độ lưu thông hàng hóa, từ đó thúc đẩy sản xuất hàng hóa của các doanh nghiệp trong tỉnh, nâng cao kim ngạch XNK hàng hóa.

Với vị trí địa lý thuận lợi, ga Sóng Thần hoàn toàn có thể đóng vai trò là nơi tập kết và phân phối hàng hóa XNK đi các cửa khẩu biên giới phía Bắc và phía Nam vừa cho các doanh nghiệp tỉnh Bình Dương, vừa cho các doanh nghiệp cả vùng Đông Nam bộ, Tây Nam bộ. Điều này tạo điều kiện hình thành trung tâm logistics của tỉnh và cả vùng Nam bộ, giúp gia tăng cung ứng các dịch vụ kèm theo, tạo việc làm cho người lao động, tăng thu ngân sách và tăng trưởng kinh tế cho các địa phương.

Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương Nguyễn Trần Hiệu:

Tỉnh Bình Dương thời gian qua đón rất nhiều doanh nghiệp tới đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh hướng tới xuất khẩu qua các thị trường châu Mỹ, châu Âu và châu Á. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương hiện đã vươn lên đứng vị trí thứ 3 trên cả nước. Trong đó, kim ngạch XNK từ riêng thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 40%, chủ yếu đi bằng đường biển và một phần nhỏ đi bằng đường bộ.

Để phục vụ cho hoạt động XNK, cơ sở hạ tầng giao thông tỉnh Bình Dương đã được đầu tư phát triển tương đối đồng bộ, hiện đại, kết nối các phương thức giữa đường biển, đường bộ, hàng không và đường sắt. Trên địa bàn tỉnh Bình Dương có ga liên vận quốc tế Sóng Thần (thuộc địa bàn thành phố Dĩ An) là ga hàng hóa lớn nhất phía Nam. Đây là một lợi thế giao thông lớn của tỉnh. Tuy nhiên, ga Sóng Thần hiện mới phục vụ vận chuyển hàng hóa nội địa, chưa tham gia vào hoạt động liên vận quốc tế nên chưa phát huy được tiềm năng vận chuyển hàng hóa XNK.

Xuất phát từ yêu cầu cấp thiết trên, Cục Hải quan Bình Dương đã tham mưu UBND tỉnh Bình Dương nâng cấp và áp dụng vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt. Trong tương lai, trong quy hoạch của Bình Dương ga liên vận quốc tế Sóng Thần sẽ trở thành trung tâm logistics quy mô lớn của khu vực phía Nam, mở ra phương thức vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mới hiệu quả hơn, an toàn hơn, tiết kiệm chi phí, có thể dễ dàng tiếp cận đến các trung tâm công nghiệp, sản xuất hàng hóa, nguyên liệu phụ trợ,... của Trung Quốc.



Link gốc

THÔNG TIN THAM KHẢO LĨNH VỰC LOGITICS VÀ KINH TẾ, THƯƠNG MẠI:


(1) Phân tích và dự báo về thị trường logistics, chuỗi cung ứng quốc tế và trong nước, độ tin cậy của lịch trình, tình hình hoạt động tại các ga, cảng, thị trường giao nhận, bất động sản logistics mới nhất, VUI LÒNG XEM TẠI ĐÂY

(2) Phân tích chi tiết về kinh tế, thương mại, tài chính tiền tệ thế giới, trong nước, các ngành hàng xuất, nhập khẩu chính, vui lòng tham khảo TẠI ĐÂY

Bản quyền thuộc về Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Điện thoại: (024) 37150530 | Fax: (024) 37150489
Giấy phép số 104/GP-TTĐT ngày 07/05/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Số người trực tuyến: 7
Số người truy cập: 4.393.225
Chung nhan Tin Nhiem Mang