Tp. Hồ Chí Minh sẽ quản lý chặt vận tải thủy nội địa, ven biển
Ông Ngô Quang Hưng, PGĐ Cảng vụ Hàng hải (CVHH) TP. Hồ Chí Minh cho biết, thời gian vừa qua, tình hình vận tải thủy nội địa, ven biển phát triển rất nhanh, đặc biệt là sự gia tăng ồ ạt của phương tiện thủy nội địa mang cấp VR-SB (tàu SB) do có nhiều lợi thế so với tàu biển.
Theo số liệu của Cục Ðường thủy nội địa VN, nếu tháng 7/2014 (thời điểm tàu SB mới được cấp phép), số lượng tàu SB chỉ khoảng vài chục chiếc, đến cuối tháng 5/2019, con số này đã tăng lên gần 1.800 tàu.
“Việc gia tăng của đội tàu nội địa đã tạo đà cho vận tải thủy phát triển mạnh mẽ, giảm áp lực cho vận tải bằng đường bộ. Tuy nhiên, việc phát triển quá nhanh của loại tàu SB cũng nảy sinh không ít bất cập”, ông Hưng nói.
Cụ thể, ông Hưng cho biết, theo cấp kỹ thuật, tàu SB đạt tiêu chuẩn kỹ thuật cao hơn tàu sông cấp S1 nhưng thấp hơn nhiều so với tàu biển loại thấp nhất (hạn chế III), có chiều cao mạn khô nhỏ, mớn nông nên được quy định chạy cách bờ không quá 12 hải lý. Tuy vậy, theo ghi nhận, hầu hết tàu SB chở hàng ven biển hiện nay đều chạy xa hơn phạm vi giới hạn không khác gì tàu biển, bất chấp các nguy cơ bất lợi về thời tiết nhằm tiết kiệm nhiên liệu, rút ngắn quãng đường, thời gian hành trình.
Cũng theo ông Hưng, việc tuân thủ các quy định về bố trí định biên, trực ca và các yêu cầu về an toàn hàng hải (ATHH), phòng cháy chữa cháy và phòng ngừa ô nhiễm môi trường trên tàu SB hiện cũng chưa được chủ tàu, thuyền trưởng và thuyền viên coi trọng dẫn tới nhiều vụ tai nạn, sự cố trên biển gần đây liên quan tới các tàu biển mang cấp hạn chế và tàu SB gây tổn thất lớn về người và tài sản.
Một số vụ việc điển hình có thể kể đến như: vụ việc tàu Phương Nam 88 (hạn chế III) đâm va với tàu SB số hiệu NĐ-1905 ngày 16/2/2019, làm tàu SB bị chìm cùng 910 tấn đất phụ gia xi măng. Vụ tàu SB Hà Phương 189 bị chìm cùng 1.900 tấn xi măng tại khu vực Vịnh Bắc bộ ngày 24/4/2019. Sau đó không lâu, ngày 9/5, tàu SB Phương Nam 09 trong quá trình hoạt động đã bị chìm cùng 1.400 tấn clinker tại vùng biển Thái Bình.
“Các vụ tai nạn của tàu SB chủ yếu xuất phát từ tình trạng kỹ thuật của tàu biển cấp hạn chế, tàu SB chưa thỏa mãn yêu cầu, tình trạng cảnh giới và điều động tránh va của thuyền viên không phù hợp, chưa thành thạo trong việc thực hiện các nhiệm vụ trong tình huống khẩn cấp”, ông Hưng nói.
Kiên quyết từ chối giấy phép rời cảng với tàu có “khiếm khuyết”
Ông Nguyễn Hải Nam, Giám đốc CVHH TP. Hồ Chí Minh cho biết, trước nhiều bất cập còn tồn tại đối với loại hình VR-SB, thực hiện chỉ đạo của Cục Hàng hải VN, CVHH TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp với Chi cục Đăng kiểm số 6 triển khai công tác kiểm tra việc tuân thủ các quy định pháp luật về ATHH đối với tàu thuyền hoạt động tuyến nội địa.
“Cụ thể, cảng vụ đã kiểm tra 22 tàu biển hoạt động tuyến nội địa, phát hiện tổng số 94 khiếm khuyết và kiểm tra 17 tàu SB, phát hiện tổng số 61 khiếm khuyết. Trong đó, một số khiếm khuyết tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trên biển cao như: thiếu thiết bị thông tin liên lạc MF/HF, không liên lạc được với đài bờ và với các tàu khác; Không có hải đồ hoặc có hải đồ nhưng không được cập nhật tu chỉnh; Trang thiết bị cứu sinh, cứu hỏa không bố trí đầy đủ.
Đặc biệt, trong quá trình kiểm tra, cảng vụ đã phát hiện 34 trường hợp tàu biển mang cấp hạn chế và tàu SB hành trình ngoài vùng hoạt động được phép, 2 trường hợp phương tiện bố trí thiếu định biên. Các trường hợp vi phạm đều đã được lập biên bản vi phạm hành chính và chuyển hồ sơ cho UBND TP. Hồ Chí Minh để ra quyết định xử phạt theo quy định với tổng số tiền xử phạt hơn 1 tỷ đồng.
Cảng vụ sẽ kiên quyết không cho tàu rời cảng khi phát hiện tàu bố trí thiếu định biên, giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền viên không phù hợp, tàu chở hàng quá tải, hoặc có khiếm khuyết nghiêm trọng khác ảnh hưởng đến ATHH và môi trường.
VITIC tổng hợp