Đang Tải Dữ Liệu....
Thứ hai, ngày 29 tháng 4 năm 2024
Vietnamese English

Doanh nghiệp chế biến, chế tạo: Nhận diện thách thức, chủ động nối lại chuỗi cung ứng

22/07/2023 10:22
Tại thời điểm này, các doanh nghiệp (DN) công nghiệp chế biến, chế tạo đang dần thích ứng, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, chủ động nối lại chuỗi cung ứng trong bối cảnh mới.Sức hút công nghiệp chế biến, chế tạo

Nửa đầu năm nay, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là thỏi nam châm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với gần 8,5 tỷ USD, chiếm gần 63% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Đến cuối tháng 5/2023, Apple mở cửa hàng trực tuyến bán cho khách hàng Việt Nam, Boeing khẳng định sẽ đầu tư chuỗi cung ứng phụ tùng, hợp tác trong một số lĩnh vực đặc thù như máy bay trực thăng, vận tải…

T.S Lê Hồng Hiệp, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) ở Singapore nhìn nhận, các công ty quốc tế và thậm chí cả các công ty Trung Quốc, bắt đầu tìm cách chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam - quốc gia tham gia hơn 10 FTAs, đặc biệt là các FTAs thế hệ mới như EVFTA, CPTPP, UKVFTA, RCEP…Đây là cơ hội để các doanh nghiệp nội địa tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn công nghiệp toàn cầu.

Mặc dù, Việt Nam có lợi thế thu hút nhà đầu tư nước ngoài với 15 Hiệp định FTAs. Tuy nhiên, 60% số doanh nghiệp FDI rất khó tận dụng được cơ hội này do năng lực của doanh nghiệp trong nước chưa theo kịp hoặc số này rất ít.

Đánh giá của các nhà đầu tư EU cho thấy, trong cơ cấu giá trị gia tăng trong các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, giá trị gia tăng từ nước ngoài vẫn chiếm tỷ lệ lớn, đặc biệt là từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Trong khi tỷ lệ hàm lượng giá trị gia tăng nội địa vẫn còn thấp và chưa có nhiều chuyển dịch đáng kể (2 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là hàng dệt may và hàng điện tử có tỷ lệ giá trị gia tăng trong nước chỉ lần lượt là hơn 50% và hơn 37%).

Theo Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, bản thân doanh nghiệp nội địa khó đáp ứng công nghệ, giá cả do chi phí sản xuất cao và vốn cho chuyển đổi.

Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng

Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho hay, trong bối cảnh Chính phủ cùng với cộng đồng doanh nghiệp đang nỗ lực thúc đẩy phục hồi kinh tế thì các ngành công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo đóng vai trò rất quan trọng.

Cụ thể, nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo duy trì được tăng trưởng ổn định, các ngành công nghiệp chủ lực như: Điện tử, dệt may, da giày, đồ gỗ... tăng trưởng ở mức cao, là yếu tố chính đóng góp vào phát triển của ngành công nghiệp; tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội, nâng thứ hạng về năng lực cạnh tranh của công nghiệp Việt Nam.

Theo mục tiêu năm 2023, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP tiếp tục đà tăng và đạt mức cao nhất từ trước đến nay (26,4 - 26,5%). “Nhịp độ” tăng lên của tỷ trọng trong GDP cũng cao hơn các thời kỳ trước. Điều đó thể hiện quyết tâm thực hiện mục tiêu đến năm 2025, có công nghiệp theo hướng hiện đại, tránh bị lỡ hẹn như năm 2020.

Đi vào giải pháp cụ thể hơn, Bộ Công Thương sẽ thường xuyên làm việc với các chuyên gia nước ngoài để giúp các doanh nghiệp Việt cải tiến quản lí, giảm tồn kho, giảm chi phí để tăng năng lực cạnh tranh, trực tiếp cung cấp cho các đơn vị phân phối sản phẩm công nghiệp lớn toàn cầu.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Quang Tiến, Giám đốc kinh doanh Công ty AIE cho biết, công ty cung cấp các giải pháp tích hợp công nghệ, công nghệ 3D trong quản lý sản xuất, nguồn nhân lực và quản trị doanh nghiệp... "Việc nâng cao công nghệ và tích hợp công nghệ, quản trị trong doanh nghiệp là rất quan trọng, bởi đây là nhân tố quyết định năng lực, tính chuyên nghiệp doanh nghiệp Việt khi muốn tiếp cận các đối tác nước ngoài. Hiện nay, doanh nghiệp đang làm việc với nhiều đối tác quốc tế từ Singapore, Anh, Australia, Mỹ... trong việc xây dựng các tiêu chuẩn, tích hợp công nghệ cho doanh nghiệp” - ông Tiến nói.

Theo nghiên cứu của Bộ Công Thương, trong quá trình phát triển, Nhật Bản, Hàn Quốc… luôn có những doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn dẫn dắt sự phát triển của các doanh nghiệp khác. Ở nước ta, trong dự thảo Luật Công nghiệp trọng điểm, Bộ Công Thương đã đề xuất những chính sách hỗ trợ hình thành các tập đoàn lớn sản xuất lớn tại Việt Nam, song không dàn trải và chỉ tập trung vào những ngành và lĩnh vực công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên. Đây có lẽ là một trong những chuyển biến quan trọng trong xây dựng chính sách xây dựng một nền công nghiệp tự chủ.

Lãnh đạo Cục Công nghiệp nêu thêm giải pháp, thời gian tới với mô hình hợp tác giữa Trung ương, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp đầu tàu về phát triển công nghiệp là một trong những chương trình hợp tác điển hình mà Bộ Công Thương đã triển khai để các địa phương có thể tham khảo, thực hiện đổi mới một cách hiệu quả. Từ đó nâng cao năng lực của các doanh nghiệp trên địa bàn, giúp các doanh nghiệp, đạc biệt là các doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đến năm 2025, Việt Nam sẽ vượt qua Philippines và Singapore vươn lên đứng thứ 3 Đông Nam Á về quy mô kinh tế với GDP hơn 571 tỷ USD. Trong vòng hai thập kỷ, Việt Nam đã thực sự lột xác thành công, trở thành công xưởng sản xuất đang lên của thế giới.




THÔNG TIN THAM KHẢO:


(1) Phân tích và dự báo về thị trường logistics, chuỗi cung ứng quốc tế và trong nước, độ tin cậy của lịch trình, tình hình hoạt động tại các ga, cảng..., VUI LÒNG XEM TẠI ĐÂY

(2) Phân tích chi tiết về kinh tế, thương mại, tài chính tiền tệ thế giới, trong nước, các ngành hàng xuất, nhập khẩu chính, vui lòng tham khảo TẠI ĐÂY
Bản quyền thuộc về Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Điện thoại: (024) 37150530 | Fax: (024) 37150489
Giấy phép số 104/GP-TTĐT ngày 07/05/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Số người trực tuyến: 7
Số người truy cập: 4.361.022
Chung nhan Tin Nhiem Mang