Bình Dương kỳ vọng lấy lại đà tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa
Phân tích chi tiết về kinh tế, thương mại, tài chính tiền tệ thế giới, trong nước, các ngành hàng xuất, nhập khẩu chính, vui lòng tham khảo TẠI ĐÂY
--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Với những tín hiệu tích cực từ sự hồi phục đơn hàng xuất khẩu, Bình Dương kỳ vọng sẽ lấy lại đà tăng trưởng trong năm 2024.
Nỗ lực giữ vững thị trường
Trong bức tranh kinh tế của tỉnh Bình Dương nhiều năm qua, xuất khẩu luôn là điểm sáng. Minh chứng về điều này, năm 2023, trong tình hình còn khó khăn chung, Bình Dương xuất siêu đạt gần 9 tỷ USD, đứng thứ 3 cả nước. Bước sang năm 2024, Bình Dương đặt ra mục tiêu kim ngạch xuất khẩu tăng 9,5% so cùng kỳ.
Báo cáo của Cục Thống kê Bình Dương cho thấy, trong tháng 1/2024, xuất siêu tiếp tục được duy trì với 0,9 tỷ USD. Cụ thể, tổng kim ngạch XNK đạt 4,5 tỷ USD, trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 2,7 tỷ USD, tăng 44% so với cùng kỳ năm trước. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu có sự tăng trưởng cao gồm: gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng 205,3%; sắt thép và sản phẩm từ sắt thép tăng 162,3%; túi xách, ví da, ba lô, mũ, ô (dù) tăng 161,2%; giày dép các loại tăng 127,9%; hàng dệt may tăng 126,4% so với cùng kỳ năm trước. |
Vừa hoàn tất thủ tục xuất khẩu cho đơn hàng trong ngày đầu năm mới tại Chi cục Hải quan Thủ Dầu Một, ông Bùi Thanh Phong, phụ trách bộ phận XNK, Công ty CP Đầu tư Tín An hào hứng cho biết, trung bình mỗi tháng doanh nghiệp làm thủ tục hải quan cho khoảng 180 tờ khai XNK với 300 container hàng hóa. Hiện doanh nghiệp đã có nhiều đơn hàng dài hạn trong năm 2024. Thời gian tới, doanh nghiệp sẽ nhập khẩu thêm các máy móc thiết bị, nguyên liệu phục vụ sản xuất cho những đơn hàng này. Doanh nghiệp mong muốn tiếp tục nhận được sự hướng dẫn, hỗ trợ từ Cục Hải quan Bình Dương và Chi cục Hải quan Thủ Dầu Một trong các hoạt động kinh doanh.
Gỗ và sản phẩm từ gỗ là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Bình Dương hiện đang ghi nhận sự hồi phục mạnh mẽ trong lượng đơn hàng. Chia sẻ niềm vui trong năm mới, bà Dương Thị Tú Trinh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Đức Thiện cho biết, công ty đã bắt nhịp lại hoạt động sản xuất và tăng tuyển lao động trong những tháng cuối năm. Hiện doanh nghiệp đã có đủ đơn hàng cho đến hết quý 1/2024, đảm bảo việc làm cho nhân công và xuất khẩu khoảng 100 container hàng/tháng.
Ông Huỳnh Quang Thanh, Tổng giám đốc Công ty Hiệp Long cho biết, tín hiệu tích cực với xuất khẩu gỗ năm 2023 là quý 4/2023 đã tăng nhiều hơn. Do đó, trong năm 2024, xuất khẩu gỗ của Việt Nam sẽ phục hồi cùng với đà phục hồi của kinh tế thế giới và có thể đạt được tăng trưởng khá hơn năm 2023. Tuy vậy, quá trình xuất khẩu của doanh nghiệp hiện còn nhiều khó khăn. Thị trường xuất khẩu đang chững lại và có nhiều dấu hiệu bất ổn do ảnh hưởng từ nền kinh tế thế giới chưa phục hồi hoàn toàn. Thêm vào đó, việc xuất khẩu ngày càng khó hơn do quy chuẩn sản xuất hàng hóa của các nước ngày càng khắt khe, đòi hỏi doanh nghiệp phải thích ứng.
Đa dạng hóa phương thức XNK
Theo Cục Hải quan Bình Dương, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 3.483 doanh nghiệp có hoạt động XNK thường xuyên, đứng thứ 4 cả nước. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là gỗ và các sản phẩm từ gỗ, dệt may, máy móc, thiết bị phụ tùng…
Để hỗ trợ doanh nghiệp, lấy lại đà phục hồi và tăng trưởng cho hoạt động xuất khẩu, hiện các ngành chức năng tỉnh Bình Dương đã tập trung hỗ trợ XNK, hỗ trợ các hiệp hội, doanh nghiệp khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Từ đó, mở rộng, đa dạng hóa thị trường, mở rộng chuỗi cung ứng và mặt hàng xuất khẩu.
Đặc biệt, hạ tầng giao thông phục vụ hoạt động XNK của tỉnh được đầu tư tương tối đồng bộ, hiện đại, kết nối với các cảng biển lớn thông qua hệ thống giao thông đường bộ và cảng sông quốc tế (Cảng tổng hợp Bình Dương). Trong đó, nhằm thúc đẩy hàng hóa XNK vận chuyển bằng đường sắt, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã phối hợp với tỉnh Bình Dương đưa ga Sóng Thần trở thành ga liên vận quốc tế. Sau hơn 3 tháng hoạt động, phương thức xuất khẩu, nhập khẩu mới này đã mang lại hiệu quả, an toàn hơn, tiết kiệm chi phí, có thể dễ dàng tiếp cận các trung tâm công nghiệp, sản xuất hàng hóa, nguyên liệu phụ trợ… của Trung Quốc và các nước thứ ba.
Phó Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương Nguyễn Thanh Bình cho biết, với các lợi thế vận chuyển nhanh chóng, giá thành rẻ, dễ dàng kết nối, ga liên vận quốc tế Sóng Thần đang nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp. Việc xúc tiến XNK hàng hóa qua ga liên vận quốc tế Sóng Thần giúp doanh nghiệp thêm một phương thức vận chuyển, giảm chi phí, rút ngắn thời gian giao nhận hàng hóa và bảo đảm an toàn. Bên cạnh đó, vận chuyển thẳng qua biên giới, không bị ách tắc tại cửa khẩu như khi vận chuyển bằng đường bộ trong thời gian qua, đặc biệt đối với hàng hóa là nông sản, có thời gian bảo quản ngắn, cần vận chuyển nhanh.
Bên cạnh đó, trong năm 2024, Cục Hải quan Bình Dương sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, rõ ràng, minh bạch, công khai, thuận tiện và thống nhất, tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động XNK gắn với tăng cường kỷ luật kỷ cương trong thực thi công vụ. Đơn vị cũng sẽ chú trọng, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp có số thu chủ lực làm thủ tục ổn định tại các chi cục; tạo thuận lợi cho các đại lý, dịch vụ làm thủ tục hải quan...
Nguồn: Tạp chí Hải quan (xem Link gốc)
(3) Báo cáo nghiên cứu thị trường Chuỗi cung ứng lạnh (tập trung vào kho lạnh, vận tải lạnh) của Việt Nam và thế giới, vui lòng tham khảo TẠI ĐÂY
(4) Phân tích chi tiết về kinh tế, thương mại, tài chính tiền tệ thế giới, trong nước, các ngành hàng xuất, nhập khẩu chính, vui lòng tham khảo TẠI ĐÂY