Khuyến cáo doanh nghiệp xuất khẩu tuân thủ các quy định về chứng nhận Halal
Phân tích chi tiết về kinh tế, thương mại, tài chính tiền tệ thế giới, trong nước, các ngành hàng xuất, nhập khẩu chính, vui lòng tham khảo TẠI ĐÂY
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------
Cục Xuất nhập khẩu đề nghị các doanh nghiệp hội viên xuất khẩu thực phẩm sang thị trường Ả rập Xê út cần theo dõi, nắm bắt thông tin và tuân thủ các quy định về chứng nhận Halal.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) vừa đưa ra khuyến cáo đối với các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Ả rập Xê út.
Cơ quan này nhận được thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Ả rập Xê út, thông báo tin nội bộ từ Tổng Cục quản lý Dược phẩm và thực phẩm Ả rập Xê út (SFDA) gửi lãnh đạo Liên đoàn các phòng Thương mại, Phòng Thương mại Riyadh, Jeddah, Dammam về việc một số sản phẩm thực phẩm xuất khẩu sang Ả rập Xê út có giấy chứng nhận Halal (tiêu chuẩn có thể sử dụng cho người theo đạo Hồi) nhưng cơ quan cấp những giấy chứng nhận này không nằm trong danh sách được SFDA chấp thuận hoặc uỷ quyền.
Điều này sẽ dẫn đến việc đình chỉ thông quan hoặc phải trả hàng về cảng xuất khẩu do quy định của SFDA theo Nghị định (M/1) của Hoàng gia ngày 30/10/2014 và Luật quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm số 3-16-1439 ngày 27/12/2017 do SFDA ban hành.
Cục Xuất nhập khẩu đề nghị các doanh nghiệp hội viên xuất khẩu thực phẩm sang thị trường Ả rập Xê út cần theo dõi, nắm bắt thông tin và tuân thủ các quy định về chứng nhận Halal.
Trường hợp doanh nghiệp đang xuất hàng, hàng đã hoặc đang trên đường đến các cảng Riyadh, Jeddah, Dammam đề nghị tiếp cận chứng chỉ Halal của đơn vị được SFDA uỷ quyền để tránh bị lưu công hoặc trả hàng về.
Tham tán thương mại Việt Nam tại Ả rập Xê út thông tin, nước này có nhu cầu lớn đối với các loại nông sản, thực phẩm, thực phẩm Halal, organic, rau quả tươi. Nhập khẩu từ Việt Nam đạt 200 triệu USD/năm, trong đó hàng nông, thủy sản đạt trên 80 triệu USD.
Nước này cũng có quy định chặt chẽ khi hàng hóa phải đăng ký với Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Ả rập Xê út và phải được cơ quan này chấp nhận.
Bên cạnh đó, cơ quan này còn thực thi thanh tra, kiểm tra rất nghiêm ngặt, họ có quyền kiểm tra chính thức các quy trình hoạt động của cơ quan có thẩm quyền ở nước xuất khẩu để xác minh rằng, các quy định pháp luật và hệ thống quản lý ở quốc gia đó tuân thủ luật thực phẩm của Ả rập Xê út ….
Tuy nhiên, để đảm bảo giao thương thành công, doanh nghiệp Việt Nam nên thông qua các đơn vị uy tín để xác minh đối tác, hiểu hơn về văn hóa doanh nghiệp, cũng như các nội dung trong hợp đồng thương mại.
Xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Ả rập Xê út 10 tháng 2023 đạt 938 triệu USD, tăng 61,03% so với cùng kỳ năm ngoái.
5 nhóm hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Ả rập Xê út trong 10 tháng năm 20203 gồm: Điện thoại các loại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; thủy sản; hạt điều; hàng dệt may.
Hiện, nhiều quốc gia là các thị trường tiêu dùng Hồi giáo hoặc xuất khẩu sản phẩm Halal lớn trên thế giới như Indonesia, Malaysia, Ả rập Xê út đang có nhu cầu lớn về sản phẩm Halal.
Quy mô nền kinh tế Halal toàn cầu là 7.000 tỷ USD, dự kiến đạt 10.000 tỷ USD trước 2028. Theo Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), người Hồi giáo đã chi 2.000 tỷ USD cho thực phẩm, quần áo, du lịch, dược phẩm và phong cách sống năm ngoái.
Việt Nam có tiềm năng tiếp cận thị trường Halal bởi thế mạnh nông, thủy sản lớn, gần những nơi tiêu dùng Halal. Tuy nhiên, cả nước chỉ có khoảng 20 mặt hàng xuất khẩu sang thị trường Halal. 40% địa phương chưa có sản phẩm xuất khẩu chứng nhận Halal.
Nguồn: Báo Đầu tư (Link gốc)
(3) Báo cáo nghiên cứu thị trường Chuỗi cung ứng lạnh (tập trung vào kho lạnh, vận tải lạnh) của Việt Nam và thế giới, vui lòng tham khảo TẠI ĐÂY
(4) Phân tích chi tiết về kinh tế, thương mại, tài chính tiền tệ thế giới, trong nước, các ngành hàng xuất, nhập khẩu chính, vui lòng tham khảo TẠI ĐÂY