Đang Tải Dữ Liệu....
Thứ bảy, ngày 21 tháng 9 năm 2024
Vietnamese English

Các doanh nghiệp nên cân nhắc các chiến lược tăng cường khả năng phục hồi và chi phí dọc theo chuỗi cung ứng

12/09/2024 10:22

Trong nửa đầu năm 2024, tỷ lệ sử dụng công suất toàn cầu cao hơn 2% so với năm trước mặc dù nguồn cung tàu container tăng đáng kể 10,4%.

Các cảng container đã thể hiện sự tăng trưởng bền bỉ trong năm 2024, với 10 cảng hàng đầu thế giới báo cáo mức tăng sản lượng hàng hóa qua cảng trung bình là 7,4%.

Tuy nhiên, những thách thức vẫn tiếp diễn khi tình trạng tắc nghẽn cảng, đình công, và việc các tàu phải chuyển hướng vận tải dọc theo tuyến đường Mũi Hảo vọng (Cape of Good Hope) khiến việc mở rộng công suất bị hạn chế trong khi chi phí và thời gian tăng lên.

Về mặt nhu cầu, trong khi châu Âu chứng kiến ​​sự trở lại của mức lạm phát cơ bản trước COVID-19, thì Hoa Kỳ lại có mức giảm chậm hơn. Dữ liệu Chi tiêu của người tiêu dùng Hoa Kỳ không phục hồi như kỳ vọng, cho thấy nhập khẩu vào thị trường này tăng chủ yếu do nhu cầu  bổ sung hàng tồn kho đề phòng thuế quan tăng nhiều hơn là nhờ sự gia tăng trong sức mua và nhu cầu tiêu dùng. 

Thách thức đối với chuỗi cung ứng toàn cầu do xung đột địa chính trị và biến đổi khí hậu cực đoan đang ngày càng "nghiêm trọng". 

Bảy tháng sau khi tình hình ở Biển Đỏ diễn ra, tác động đến vận tải biển và chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục gia tăng. Với việc các tàu chuyển hướng quanh Mũi Hảo Vọng, chúng ta đang chứng kiến ​​sự gia tăng đáng kể về thời gian vận chuyển và chi phí hoạt động. Những gián đoạn này đã dẫn đến việc tái cấu hình dịch vụ và thay đổi khối lượng, gây căng thẳng cho cơ sở hạ tầng và dẫn đến tình trạng tắc nghẽn, chậm trễ và thiếu hụt năng lực và thiết bị tại cảng. Bất chấp những thách thức này, nhu cầu vận chuyển container vẫn rất mạnh mẽ.

Trước khi các cuộc tấn công của Houthi ở Biển Đỏ bắt đầu vào cuối năm 2023, 12% thương mại toàn cầu đi qua Kênh đào Suez. Các số liệu gần đây cho thấy số lượng tàu đi qua kênh đào đã giảm mạnh 66% kể từ khi các hãng vận tải bắt đầu chuyển hướng tàu của họ quanh Châu Phi.

Mốc thời gian để giảm bớt những gián đoạn này và trở lại "bình thường" vẫn chưa chắc chắn. Cuộc khủng hoảng này nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết đối với các doanh nghiệp trong việc tăng cường khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng và đối với các hãng vận tải trong việc đánh giá lại các chiến lược giảm thiểu rủi ro của họ.

Xung đột thương mại, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, chính sách bảo hộ, xu hướng dịch chuyển về các thị trường gần và đối tác thân thiện khiến các chính sách thương mại trở nên khó dự báo, sự phân mảnh thương mại tiếp tục có nguy cơ làm gián đoạn thêm các chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp sản xuất-xuất khẩu có thể phải điều chỉnh danh mục thị trường mục tiêu của mình. Tuy nhiên, việc điều chỉnh sẽ không thành công nếu không đi kèm với các phương án logistics hiệu quả, khả thi, nhất là ở tiêu chí chi phí và thời gian.

Trong khi đó biến đổi khí hậu cực đoan đang khiến các cơn bão xuất hiện với tần suất và cường độ kỷ lục và ảnh hưởng đến các tuyến đường vận chuyển xuyên Thái Bình Dương. Cơn bão Yagi vừa tàn phá nghiêm trọng Philippines, đảo Hải Nam Trung Quốc và các tỉnh phía Bắc của Việt Nam, thì ở bên kia bán cầu, Hoa Kỳ cũng đang phải đối mặt với cơn bão lớn. 

Hình thành trên vùng biển ngoài khơi Vịnh Mexico ngày 9/9/2024, bão Francine đã mạnh lên cấp 2 trước khi đổ bộ vào bang Louisiana, miền Nam nước Mỹ chiều ngày 11/9. Hiện cơn bão này đã gia tăng sức mạnh và trở thành bão cấp 1 khi tiến gần tới bang Louisiana. Lũ lụt do bão Francine đã khiến các trường học ở Matamoros thuộc bang Tamaulipas, phía Bắc Mexico phải đóng cửa. Để đề phòng ảnh hưởng của bão Francine, các công ty năng lượng ở Vịnh Mexico đã tạm dừng hoạt động và sơ tán nhân công nhân khỏi 30 giàn khoan.

Dự báo, sau khi tấn công bờ biển bang Louisiana, bão Francine sẽ mạnh dần lên với sức gió lên tới 175 km/h, sóng biển dâng cao tới 3m vào chiều 13/9/2024 theo giờ địa phương.

Giới chức bang Louisiana cũng đang huy động trực thăng, thuyền và vật tư để chuẩn bị cho việc sơ tán cư dân và cứu hộ, cứu nạn.

Trung tâm Bão quốc gia Hoa Kỳ cảnh báo nếu bão dâng vào lúc thủy triều lên, mức ngập lụt cao nhất ở một số khu vực phía Nam Louisiana, bao gồm Vịnh Vermilion, có thể lên tới 1,5 - 3m. Dọc theo các bãi biển của Hồ Pontchartrain và Maurepas - nơi mực nước có thể dâng tới 1,8m, khả năng sẽ xảy ra lũ lụt.

Mặc dù các công cụ dự báo thời tiết ngày càng tăng khả năng dự báo, nhưng sức chống chịu của hoạt động sản xuất, lưu thông tại nhiều khu vực của châu Á và Việt Nam vẫn chưa thể thích ứng với những biến động này.

Trong bối cảnh cần thích ứng nhanh chóng với những biến động khó lường, các doanh nghiệp nên cân nhắc các chiến lược để tăng cường khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng và giảm chi phí dọc theo chuỗi cung ứng trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt: 

  • Đa dạng hóa chuỗi cung ứng: Chiến lược tìm kiếm và đa dạng nguồn nguyên liệu từ nhiều nhà cung cấp trên khắp các khu vực khác nhau để giảm thiểu tác động của sự gián đoạn cục bộ.
  • Xây dựng quan hệ đối tác vững chắc: Hợp tác với các đối tác chuỗi cung ứng đáng tin cậy để lập kế hoạch các phương thức vận chuyển và tuyến đường vận chuyển thay thế, giảm thiểu khả năng gián đoạn và giảm chi phí khi kí kết các hợp đồng quy mô lớn hơn hoặc với các đối tác lâu dài. 
  • Đầu tư vào cơ sử dữ liệu và công cụ phân tích: Tận dụng công nghệ để dự đoán và ứng phó tốt hơn với các thách thức của chuỗi cung ứng.
  • Giảm chi phí dọc theo chuỗi cung ứng với các chiến lược mới. 

Top 10 chiến lược giảm chi phí trong quản trị chuỗi cung ứng trong bối cảnh mới

Chuỗi cung ứng toàn cầu đang trở nên dễ bị tổn thương hơn trước những yếu tố bất lợi, từ khâu sản xuất đến phân phối, lưu thông. Chuỗi cung ứng toàn cầu, khu vực, quốc gia hay ở cấp địa phương đều chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu và chiến tranh, xung đột. Do đó, khả năng thích ứng và phục hồi của chuỗi cung ứng cần dựa trên sự an toàn về mặt tài chính của các chủ thể tham gia chuỗi.

Trong bối cảnh kinh tế-chính trị thế giới biến động phức tạp với nhiều ẩn số chưa rõ xu hướng, các doanh nghiệp cần tìm cách cắt giảm chi phí trong dọc theo chuỗi cung ứng để tồn tại và cải thiện năng lực cạnh tranh của mình.

ĐỂ XEM CHI TIẾT, VUI LÒNG TẢI BÁO CÁO (Thị trường logistics và quản lý chuỗi cung ứng Việt Nam và thế giới tháng 8 và 8 tháng năm 2024: diễn biến và dự báo)

 

Bản quyền thuộc về Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Điện thoại: (024) 37150530 | Fax: (024) 37150489
Giấy phép số 104/GP-TTĐT ngày 07/05/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Số người trực tuyến: 7
Số người truy cập: 5.370.842
Chung nhan Tin Nhiem Mang