Những tín hiệu mới trong thương mại container giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc
11/12/2022 13:18
Hoa Kỳ và Trung Quốc vẫn gắn bó mật thiết với nhau về mặt thương mại bất chấp căng thẳng về vấn đề Đài Loan (Trung Quốc) và Nga-Ukraine. Hơn một phần ba tổng số hàng hóa nhập khẩu bằng container của Hoa Kỳ đến từ Trung Quốc. Hơn một phần sáu giá trị xuất khẩu của Trung Quốc đến từ việc mua hàng của Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, các số liệu thị trường cho thấy thương mại hàng hóa đóng container giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang có những tín hiệu thay đổi. Trong những tháng gần đây, nhập khẩu của Hoa Kỳ từ Trung Quốc đã giảm nhanh hơn tổng nhập khẩu. Các quốc gia châu Á khác đang ngày càng chiếm thị phần trong tổng hàng hóa nhập khẩu vào Hoa Kỳ khi Trung Quốc duy trì quá lâu chính sách “Không Covid”. Thực ra xu hướng này đã bắt đầu từ trước đại dịch COVID-19 do căng thẳng thương mại giữa hai nước, nhưng đã rõ nét hơn từ đầu năm 2022, khi Trung Quốc vẫn “đóng cửa” còn phần còn lại của thế giới đã chuyển sang điều kiện “bình thường mới”.
1. Thương mại hàng hóa container Hoa Kỳ-Trung Quốc nhìn từ cách tiếp cận logistics (thống kê tải trọng hàng hóa)
Theo dữ liệu mới từ Descartes, nhập khẩu hàng hóa đóng container của Hoa Kỳ trong tháng 10/2022 hầu như không đổi (chỉ tăng 0,2%) so với tháng 9/2022. Nhưng nhập khẩu từ Trung Quốc đã giảm 5,5% so với tháng trước đó, xuống 45.071 đơn vị tương đương 20 foot. Sự suy giảm từ Trung Quốc hoàn toàn được bù đắp bởi sự gia tăng từ Thái Lan, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản và các nước khác.
Vào tháng 9/2022, dữ liệu của Descartes cho thấy tổng lượng nhập khẩu của Hoa Kỳ đã giảm 12% so với tháng 8/2022. Nhập khẩu từ Trung Quốc giảm nhanh hơn, giảm 18% hay 83.396 TEU.Khối lượng hàng hóa từ Trung Quốc chiếm 40% tổng lượng nhập khẩu của Hoa Kỳ trong tháng 8/2022 và tỷ lệ thậm chí còn cao hơn, đạt 42% trong tháng 2/2022. Tuy nhiên vào tháng 10/2022, thị phần của Trung Quốc trong tổng nhập khẩu hàng hóa vào Hoa Kỳ đã giảm xuống 35%.
Lượt đặt tàu ở Trung Quốc giảm nhanh hơn tổng lượt đặt tàu của Hoa Kỳ
Dữ liệu từ FreightWaves SONAR cho thấy rằng các lượt đặt trước cho các chuyến chở hàng từ Trung Quốc đến Hoa Kỳ đã chậm hơn so với tổng lượng đặt hàng trong nước.
Trong suốt năm 2021, chỉ số lượt đặt trước ở Trung Quốc cao hơn đáng kể so với chỉ số của tất cả các điểm xuất khẩu khác. Nhưng khoảng cách đã được thu hẹp kể từ tháng 3/2022 và hiện gần như không còn, khi chỉ số đặt chuyến trước giữa Trung Quốc-Mỹ giảm nhanh hơn so với chỉ số chung.
Xuất khẩu của Trung Quốc sang Hoa Kỳ đã giảm 14%-mức giảm mạnh hơn tổng xuất khẩu của nước này ra thế giới.
Thị phần hàng nhập khẩu vào Hoa Kỳ từ các nước châu Á khác gia tăng
Nhập khẩu của Hoa Kỳ từ Trung Quốc cao hơn nhiều so với nhập khẩu từ các quốc gia châu Á khác trong những năm sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Trong giai đoạn 2009-2018, trọng tải hàng hóa nhập khẩu trung bình từ Trung Quốc trong 9 tháng đầu các năm thường cao hơn 47% so với trọng tải nhập khẩu trung bình từ tất cả các nước châu Á khác cộng lại.
Nhưng “căng thẳng thương mại Mỹ-Trung bùng nổ” và mọi thứ dần thay đổi. Năm 2019, nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ cao hơn 12%.
Năm 2020-2021, trong bối cảnh đại dịch, nhập khẩu từ Trung Quốc gần vào Hoa Kỳ như ngang bằng với nhập khẩu từ các nước khác.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, cục diện đã thay đổi rõ nét: Trọng tải hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc thấp hơn 6% so với nhập khẩu từ các đối thủ châu Á.
Dữ liệu thị phần hàng nhập khẩu từng tháng cho thấy thực ra đã hình thành xu hướng Hoa Kỳ chuyển sang đa dạng hóa nhập khẩu ngay từ trước đại dịch COVID-19
Trong các năm 2016-2018, Trung Quốc chiếm trung bình 36% trọng tải hàng hóa nhập khẩu của Hoa Kỳ, phần còn lại của châu Á chỉ chiếm 25%. Tỷ lệ trung bình hàng tháng của Trung Quốc đã giảm xuống 31% vào năm 2019 và phần còn lại của châu Á đã tăng lên 29%. Trong năm 2020-2021, họ thậm chí còn ở mức 30% mỗi người.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, thị phần của Trung Quốc vẫn ở mức 30% và phần còn lại của châu Á đã dẫn đầu với 32%.
2. Những yếu tố định hình dòng thương mại trong tương lai
Trong năm 2020 và 2021, chế độ giám sát và kiểm soát chặt chẽ của Trung Quốc đối với việc phòng chống dịch, gồm cách ly và phong tỏa được kích hoạt với công cụ mạnh mẽ từ các công ty công nghệ Trung Quốc, qua đó đã giúp giảm tỷ lệ lây nhiễm và giữ cho nền kinh tế đi lên và đi đúng hướng.
Nhưng khả năng lây nhiễm lớn hơn của biến thể Omicron khiến các biện pháp bảo vệ bằng khẩu trang và vắc-xin không thể ngăn chặn được làn sóng dịch bệnh vào đầu năm 2022. Do đó Trung Quốc tiếp tục y áp dụng các biện pháp phong tỏa, làm gián đoạn nghiêm trọng cả nền kinh tế của chính họ và thương mại xuyên Thái Bình Dương nói chung.
Mặc dù nhà nước Trung Quốc đã điều chỉnh chiến thuật của mình trong từng trường hợp cụ thể, chẳng hạn như trong thời gian phong tỏa Thượng Hải năm 2022, thể hiện qua việc các cơ sở hạ tầng quan trọng như các bến container vẫn hoạt động trong thời gian phong tỏa, nhưng không thể phủ nhận rằng toàn bộ chuỗi cung ứng hàng hóa xuyên Thái Bình Dương vẫn bị ảnh hưởng.
Theo Paul Bingham, giám đốc tư vấn vận tải tại S&P Global, dấu hiệu điều chỉnh chuỗi cung ứng đã xuất hiện ngay trước thềm năm 2022. Những diễn mới trong năm 2022 rõ ràng đã tăng thêm tính cấp bách và cần thiết của chiến lược mới, theo đó các công ty cần đa dạng hóa chuỗi cung ứng ngay cả khi họ sẽ không chuyển hoàn toàn khỏi thị trường Trung Quốc.
Giám đốc điều hành của China Beige Book Leland Miller, tại sự kiện FreightWaves F3 tổ chức vào tháng 11/2022 cũng cho biết chuỗi cung ứng một số mặt hàng đang trở nên nhạy cảm hơn, ví dụ như sản phẩm công nghệ và dược phẩm. Đây được xác định là những lĩnh vực phải rút chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc do vấn đề an ninh quốc gia. Những thay đổi rõ ràng hơn sẽ thể hiện trong những tháng, quý và năm tới.
Tuyến đường thương mại xuyên Thái Bình Dương kết nối các quốc gia quan trọng nhất trên thế giới là một trụ cột của nền kinh tế toàn cầu. Nhưng giờ đây đang trở thành tâm điểm của chuỗi cung ứng, rủi ro tài chính và địa chính trị.
Trong thời kỳ đại dịch, giá giao ngay vận chuyển container đường biển đã tăng vọt từ khoảng 1.000 USD/TEU lên gần 20.000 USD/TEU vào mùa thu năm 2021 trước khi giảm trở lại xuống còn 2.720 USD/TEU vào cuối tháng 10/2022.
Trong khi đó, phía Hoa Kỳ quan tâm đến lĩnh vực chất bán dẫn, vốn đang chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt với Trung Quốc. Sự kết hợp các vấn đề kinh tế, chính trị và quân sự này sẽ khiến hoạt động kinh doanh xuyên Thái Bình Dương trở nên phức tạp trong nhiều năm tới.
Chính sách “Zero-COVID” của Trung Quốc và những căng thẳng gần đây về vấn đề Đài Loan (Trung Quốc) có thể dẫn đến sự chia rẽ hơn nữa về thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc và có thể sẽ tiếp tục sau các cuộc khủng hoảng hiện tại.
Trước thông điệp của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về “sự hồi sinh quốc gia” của Trung Quốc, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đồng thời có bài phát biểu tại Đại học Stanford trong một chuyến công du xoay quanh chủ đề sức mạnh quốc gia thông qua công nghệ. Ông Blinken đã đến thăm Phòng thí nghiệm Máy gia tốc Quốc gia SLAC, sau đó phát biểu tại một sự kiện của Viện Hoover với cựu Ngoại trưởng Condoleeza Rice, hiện là giám đốc Viện Hoover. Chuyến thăm của Blinken tới Stanford dường như là một phần trong nỗ lực chung của chính quyền Hoa Kỳ nhằm củng cố chính sách công nghệ và định hình ngành công nghệ thành một tài sản có thể hữu ích trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc. Blinken đã công bố việc thành lập Cục Không gian mạng và Chính sách Kỹ thuật số của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào tháng 4/2022. Vào tháng 8/2022, Tổng thống Hoa Kỳ Biden đã ký Đạo luật Khoa học và CHIPS, theo đó sẽ chi 280 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng bán dẫn của Hoa Kỳ.
Chi tiết tại "Báo cáo tình hình thị trường logistics Hoa Kỳ số tháng 11/2022"
Nguồn VITIC