Đang Tải Dữ Liệu....
Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024
Vietnamese English

Báo cáo: Hoạt động vận chuyển hàng hóa giữa Việt Nam và các nước láng giềng

23/11/2017 14:46
 
(Phân tích)
I. Tình hình giao thương giữa Việt Nam và các nước láng giềng
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, với tốc độ tăng thương mại song phương bình quân đạt 12,3%/năm trong giai đoạn 1996-2006 và 8,1%/năm giai đoạn 2007-2016, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – ASEAN tăng gấp 7 lần sau 20 năm trở thành viên của khối này. Năm 2016, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và ASEAN đạt 41,49 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 11,8% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.​ ​​ Thương mại Việt Nam - ASEAN năm 2016 chủ yếu sang 6 thị trường chiếm 96,4% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường ASEAN.
Đối với các thị trường mà Việt Nam đang cần đẩy mạnh thu hút nguồn hàng vận chuyển qua Việt Nam như Thái Lan, Lào, Campuchia, tình hình cụ thể như sau:
+ Thái Lan: Thái Lan là thị trường xuất nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN, thương mại song phương năm 2016 tăng 19 lần so với năm 1996 thời điểm Việt Nam gia nhập ASEAN. Cụ thể, trong năm 2016 thương mại hai chiều Việt Nam - Thái Lan đạt 12,54 tỷ USD, chiếm 30,2% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam và ASEAN. Trong đó, xuất khẩu đạt 3,69 tỷ USD, tăng 15,9% so với năm 2015 và tăng hơn 31 lần so với năm 1996; nhập khẩu năm 2016 đạt 8,85 tỷ USD, tăng 6,9% so với năm 2015, và tăng 16,7 lần so với năm 1996. Thái Lan cũng là thị trường có thăng dư thương mại lớn nhất với Việt Nam trong khối ASEAN, tới 5,16 tỷ USD, gấp 1,4 lần kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này. 9 tháng đầu năm 2017 xuất khẩu sang Thái Lan đạt
+ Campuchia và Philippines, Lào và Myanmar là các thị trường đem lại thặng dư thương mại cho Việt Nam.
9 tháng đầu năm 2017 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam qua các cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam – Lào đạt 70,4 triệu USD, tăng 66,3% so với cùng kỳ năm 2016, kim ngạch nhập khẩu từ Lào đạt 459,9 triệu USD, tăng 256,7% so với cùng kỳ năm 2016. Các mặt hàng xuất khẩu gồm: Đồ nhựa, sản phẩm nhựa; cà phê; cao su; chè; dây điện và dây cáp điện; dệt may; gỗ và sản phẩm từ gỗ; giầy dép; hải sản; máy tính và điện tử; rau hoa quả; gốm sứ và thủ công mỹ nghệ; túi xách va li ô dù; gạo. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam – Campuchia đạt 263,8 triệu USD, tăng 45% so với cùng kỳ năm 2016, nhập khẩu từ Campuchia đạt kim ngạch 463,8 triệu USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2016.
+ Các khu vực Đông Bắc Campuchia, Đông Bắc Thái Lan, Nam Lào và Myanmar cần nhiều các sản phẩm dầu khí, sắt thép, vật liệu xây dựng, máy móc thiết bị, phân bón. Đồng thời, các khu vực trên cần xuất khẩu các sản phẩm nông - lâm - thổ sản, vật liệu, khai khoáng, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, điện tử, xuất qua khu vực miền Trung Việt Nam nếu chúng ta có thủ tục thông thoáng, chi phí thấp hơn đi qua khu vực cảng của Thái Lan. Các doanh nghiệp Hàn Quốc và Nhật Bản tăng cường liên kết phát triển công nghiệp ở khu vực này như tạo cơ hội giao thương, vận chuyển hàng hóa giữa các nước. Ví dụ: Denso sản xuất linh kiện ô tô, Minebea sản xuất động cơ, Nikon sản xuất Camera, Toyota Boshoku sản xuất vỏ ô tô, Tokai Kogyo (thiết bị nhựa), mỏ vàng Se pôn (cách Lao Bảo chỉ 80km).
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, 9 tháng đầu năm 2017, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới đất liền ước đạt kim ngạch 3 tỷ USD, tăng 89,8% so với cùng kỳ năm 2016. Các mặt hàng xuất khẩu gồm: Gạo, cao su, hạt điều, rau hoa quả, hải sản, gốm sứ và thủ công mỹ nghệ, cà phê, giầy dép, chè, đồ nhựa, sản phẩm nhựa, máy tính và điện tử, dệt may, dây điện và dây cáp điện, túi xách va li ô dù, gỗ, sản phẩm gỗ.
9 tháng đầu năm 2017, Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc qua biên giới đất liền đạt kim ngạch 939,4 triệu USD, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm 2016. Trong quý III/2017, nhập khẩu đạt kim ngạch 356,1 triệu USD, tăng 12,5% so với quý II/2017 và tăng 45,2% so với cùng kỳ năm 2016. Các mặt hàng nhập khẩu gồm: Nguyên phụ liệu dệt may, sắt thép, linh kiện phụ tùng ô tô, máy xây dựng, giấy và nguyên liệu giấy, hóa chất, rau hoa quả, phân bón, chất dẻo và sản phẩm chất dẻo, tân dược, gỗ và sản phẩm từ gỗ, thức ăn chăn nuôi, nhựa đường, xăng dầu, máy móc phụ tùng.


II. Thành tựu và thuận lợi:
Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi cho việc thu hút nguồn hàng từ các nước qua Việt Nam đi các nước khác và ngược lại. 
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, ngoài lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu như đã nêu trên thì lượng hàng hóa quá cảnh  qua Việt Nam ngày càng tăng, đạt khoảng 300 tỷ USD/năm. Số lượng hàng quá cảnh tăng lên thúc đẩy các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quá cảnh tăng về số lượng. Các tuyến đường vận chuyển hàng hóa quá cảnh tăng lên xuất phát từ nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quá cảnh cũng như những tiềm năng từ việc thu hút nguồn hàng từ các nước qua Việt Nam. Nhờ các hiệp định vận tải đường bộ, các phương tiện vận tải nội địa qua các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính không phải sang tải, vận chuyển thuận lợi hơn. Theo thống kê mỗi năm có khoảng một triệu lượt phương tiện vận tải xuất nhập cảnh qua Việt Nam, trong đó có gần 500 nghìn lượt xuất cảnh và khoảng 500 nghìn lượt nhập cảnh (bao gồm cả xe vận chuyển hành khách).  
Về đường biển, Việt Nam có đường bờ biển dài trên 3000km. 40% lưu lượng vận chuyển hàng hóa từ Ấn Độ Dương qua Thái Bình Dương buộc phải đi qua bờ biển của Việt Nam rồi mới tới Trung Quốc, Nhật và Mỹ. Đặc biệt, sau khi dự án kênh đào Kra (Thái Lan) được hoàn thành, hàng hóa sẽ đi thẳng qua kênh đào này vào vịnh Thái Lan rồi tới vùng biển Việt Nam chứ không vòng qua Bangkok hay Singapore (trừ những luồng hàng buộc phải qua đó).
Hệ thống cảng biển của Việt Nam hiện tại không chỉ là nơi hàng hóa Việt Nam xuất đi mà còn là đầu ra thế giới cho hàng hóa của vùng Nam Trung Quốc, Tây Nam Trung Quốc (từ Vân Nam trở xuống phía Nam), Lào, và một phần Thái Lan, Campuchia. Như vậy, nếu tổ chức tốt, Việt Nam có thể trở thành hải cảng cho hàng hóa của cả một lục địa.
Nhờ vị trí địa lý thuận lợi, Việt Nam là điểm chuyển tải cho hàng hóa nhập khẩu từ các nước châu Á qua cảng Cát Lái và hàng hóa xuất khẩu đi Mỹ và EU qua khu vực cảng Cái Mép – Thị Vải. Việc vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu và hàng quá cảnh, chuyển tải được thực hiện bằng đường bộ là chủ yếu và đường sông bằng xà lan. Hàng hóa của vùng đông bắc Thái Lan, Lào, Campuchia và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) xuất khẩu sang những nước khác có thể phải quá cảnh và tạm thời lưu kho trên lãnh thổ VN, Thái Lan, Myanmar và tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Một số tàu cỡ nhỏ và cỡ trung chỉ có thể dừng chân ở những cảng VN để chất, dỡ hàng của VN và của những nước láng giềng; mua thêm thực phẩm tươi, cho thủy thủ đoàn nghỉ ngơi, bảo quản định kỳ hay sửa chữa bất thường. 
Về đường hàng không, nhờ ở vị trí trung tâm nên theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), trong giai đoạn 2013 - 2017, Việt Nam xếp thứ 7 trong số những thị trường phát triển nhanh nhất thế giới với tốc độ tăng vận chuyển hàng hóa quốc tế đạt 6,6%. Tuy nhiên vận chuyển nội địa vẫn chiếm ưu thế. Năm 2016, trong 1,4 triệu tấn tổng hàng hóa vận chuyển bằng máy bay thì hàng hóa vận chuyển trong nước chiếm gần 1 triệu tấn.
Về đường bộ, hoạt động vận chuyển hàng hóa qua biên giới bằng đường bộ giữa Việt Nam với các nước láng giềng bao gồm vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu và hàng hóa quá cảnh/chuyển tải. Các cặp cửa khẩu quốc tế cho phép hoạt động vận chuyển hàng hóa qua biên giới hiện nay giữa Việt Nam với Trung Quốc là 7, với Lào là 8 và với Campuchia là 10. Trong đó các cặp cửa khẩu hoạt động chính giữa Việt Nam và Trung Quốc là Móng Cái – Đông Hưng, Hữu Nghị – Hữu Nghị Quan và Lào Cai – Hà Khẩu; giữa Việt Nam và Lào là Lao Bảo – Den Sa Vẳn, Cầu Treo – Nậm Phao; giữa Việt Nam và Campuchia là Mộc Bài – Bà Vẹt, Tịnh Biên – Phnom Den và Xa Mát – Trapeing Phlong.
Theo Thông tư 16/2017/TT-BGTVT hướng dẫn tuyến đường vận chuyển quá cảnh hàng hóa qua lãnh thổ Việt Nam, tuyến đường vận chuyển quá cảnh hàng hóa qua lãnh thổ Việt Nam bao gồm các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy kết nối tới các cửa khẩu quốc tế của Việt Nam.
Theo đó, các tuyến đường bộ gồm: 
 
1 Quốc lộ 1, 1B, 1C, 1D, 1K
2 Quốc lộ 2, 2A, 2B, 2C
3 Quốc lộ 3, 3B, 3C
4 Quốc lộ 4A, 4B, 4C, 4D, 4E, 4G, 4H
5 Quốc lộ 5
6 Quốc lộ 6, 6B
7 Quốc lộ 7, 7B
8 Quốc lộ 8, 8B, 8C
9 Quốc lộ 9, 9B, 9D
10 Quốc lộ 10
11 Quốc lộ 12, 12A, 12B, 12C
12 Quốc lộ 13
13 Quốc lộ 14, 14B, 14C, 14D, 14E, 14G
14 Quốc lộ 15, 15A, 15B, 15C, 15D
15 Quốc lộ 16
16 Quốc lộ 17
17 Quốc lộ 18, 18B, 18C
18 Quốc lộ 19, 19B, 19C
19 Quốc lộ 20
20 Quốc lộ 21, 21B
21 Quốc lộ 22, 22A, 22B
22 Quốc lộ 23
23 Quốc lộ 24, 24B, 24C
24 Quốc lộ 25
25 Quốc lộ 26, 26B
26 Quốc lộ 27, 27B, 27C
27 Quốc lộ 28, 28B
28 Quốc lộ 29
29 Quốc lộ 30
30 Quốc lộ 31
31 Quốc lộ 32, 32B, 32C
32 Quốc lộ 34
33 Quốc lộ 35
34 Quốc lộ 37, 37B
35 Quốc lộ 38, 38B
36 Quốc lộ 39A, 39B
37 Quốc lộ 40, 40B
38 Quốc lộ 43
39 Quốc lộ 45
40 Quốc lộ 46, 46B
41 Quốc lộ 47
42 Quốc lộ 48, 48B, 48C, 48E
43 Quốc lộ 49, 49B, 49C
44 Quốc lộ 50
45 Quốc lộ 51
46 Quốc lộ 52
47 Quốc lộ 53
48 Quốc lộ 54
49 Quốc lộ 55, 55B
50 Quốc lộ 56
51 Quốc lộ 57
52 Quốc lộ 60
53 Quốc lộ 61, 61B, 61C
54 Quốc lộ 62
55 Quốc lộ 63
56 Quốc lộ 70, 70B
57 Quốc lộ 71
 
58 Quốc lộ 80
59 Quốc lộ 91, 91B, 91C
60 Quốc lộ 100
61 Quốc lộ 217
62 Quốc lộ 279
63 Quốc lộ N1, N2
64 Quốc lộ Nam Sông Hậu
65 Quốc lộ Quản Lộ - Phụng Hiệp
66 Đường Hồ Chí Minh
 
 
Về đường sắt, đường sắt Việt Nam nối liền với đường sắt Trung Quốc qua hai hướng với khu vực Vân Nam (Trung Quốc) qua tỉnh Lào Cai và với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) qua tỉnh Lạng Sơn. Đường sắt Việt Nam còn có tiềm năng nối liền mạng lưới đường sắt Campuchia, Thái Lan và Malaysia để đến Singapore và tuyến đường sắt của Lào khi được phát triển. Do đó, tiềm năng thu hút nguồn hàng từ các nước trong khu vực đến Việt Nam và qua các nước khác thông qua vận tải đường sắt là rất lớn. 
Các tuyến quá cảnh đường sắt cho phép quá cảnh cho phép theo Thông tư 16/2017/TT-BGTVT gồm: 
STT Tuyến đường
1 Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh (Bắc - Nam)
2 Hà Nội - Lào Cai
3 Hà Nội - Hải Phòng
4 Hà Nội - Quán Triều (Thái Nguyên)
5 Hà Nội - Đồng Đăng (Lạng Sơn)
6 Yên Viên - Hạ Long - Cái Lân

II. Hạn chế, khó khăn: 
Đến nay, theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đang đứng thứ 64/160 nước về mức độ phát triển logistics và đứng thứ 4 trong ASEAN sau Singapore, Malaysia, Thái Lan. Doanh nghiệp logistics Việt Nam hầu hết chỉ làm dịch vụ các chuỗi cung ứng nhỏ trong lãnh thổ Việt Nam với một số phân khúc như: Dịch vụ giao nhận, cho thuê kho bãi, làm thủ tục hải quan, gom hàng lẻ và thị phần tại các cảng... Các công ty cung cấp dịch vụ logistics hoạt động trong vận chuyển hàng hóa qua biên giới nổi bật là Công ty CP Đầu tư Bắc Kỳ – Hà Nội, Công ty Dịch vụ giao nhận vận tải quốc tế (Intertrans) – Hà Nội, Công ty Asiatrans Việt Nam – Đà Nẵng, Công ty T&M Forwarding, Công ty INTERLOGS, Công ty TNHH KART Việt Nam. Trong khi đó, các hoạt động lớn hơn, mang tính liên vận quốc tế đều do các công ty, tập đoàn đa quốc gia nắm giữ. 
 Các doanh nghiệp Việt Nam chiếm hơn 80% tổng số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics tại Việt Nam, song hầu hết chỉ làm dịch vụ các chuỗi cung ứng nhỏ trong lãnh thổ Việt Nam với một số phân khúc như: Dịch vụ giao nhận, cho thuê kho bãi, làm thủ tục hải quan, gom hàng lẻ và thị phần tại các cảng (cụm từ sau hới khó hiểu, nên tìm cách diễn đạt khác)... Ngược lại, các công ty logistics nước ngoài lại đang chiếm giữ tới 80% thị phần, trong khi họ chỉ có khoảng 25 doanh nghiệp hoạt động, hơn 1.200 doanh nghiệp logistics nội địa của Việt Nam còn lại nắm giữ 20% thị phần còn lại. Tuy nhiên, nếu tính những phần dịch vụ mà thực hiện trên đất nước Việt Nam như: khai thác cảng, vận tải nội địa, kho bãi,...thì hiện nay chúng ta đang chiếm doanh thu lớn. Còn về vận tải biển quốc tế, vận tải hàng không quốc tế và các dịch vụ bên ngoài Việt Nam đang hạn chế do thiếu hệ thống chung trên toàn thế giới. 
Hàng hóa cho vận chuyển từ các nước qua Việt Nam để đi các nước khác và ngược lại chưa tương xứng với khả năng thương mại và khả năng vận tải của Việt Nam, nhất là việc thiếu cân đối hàng hóa lượt về Việt Nam. Sự hạn chế về số lượng hàng hoá do thương mại khu vực hành lang kinh tế Đông-Tây chưa phát triển, nhất là việc mất cân đối về hàng hoá hai chiều, dẫn đến việc chưa tận dụng được phương tiện vận tải, qua đó làm gia tăng giá thành vận tải.
Hiện nay dù đã ký các hiệp định chung  với các nước về vận chuyển hàng hóa và quá cảnh nhưng nhiều quy định của các nước không thống nhất, gây khó khăn cho hoạt động liên vận như: Vấn đề xe tay lái nghịch, bảo hiểm trách nhiệm xe cơ giới...
Ngoài ra, thủ tục thông quan hàng hóa và phương tiện tại các cặp cửa khẩu còn chưa thông thoáng, đồng bộ, gây tốn kém thời gian và chi phí. Cụ thể như sau:
+ Thời gian làm việc và sự phối hợp thời gian làm việc giữa hai bên cần được cải tiến; cần giảm thời gian kiểm tra liên ngành qua việc hợp tác tốt giữa các cơ quan liên quan. Nhiều thủ tục nói chung còn tiến hành thủ công.
+ Các nước thành viên GMS và ASEAN đã ký Hiệp định về vận chuyển hàng hóa đường bộ (CBT) nhưng việc triển khai thực hiện không đầy đủ, gây khó khăn trong việc tiến hành CBT.
 + Chi phí ngoài ở Việt Nam hiện còn cao so với các nước khác nên giá thành vận chuyển cao, làm mất khả năng cạnh tranh của Việt Nam.
Công tác thống kê và thông tin về hàng hóa, phương tiện quá cảnh chưa  đầy đủ, chỉ mới dừng ở giá trị hàng hóa cho nên hạn chế việc đặt kế hoạch vận chuyển và chào giá vận chuyển, giá dịch vụ logistics.

VITIC tổng hợp và phân tích 
Bản quyền thuộc về Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Điện thoại: (024) 37150530 | Fax: (024) 37150489
Giấy phép số 104/GP-TTĐT ngày 07/05/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Số người trực tuyến: 16
Số người truy cập: 6.226.040
Chung nhan Tin Nhiem Mang