Thị trường logistics Campuchia (phần 1)
04/01/2018 16:02
Nhiều cơ hội từ sức đẩy của thương mại và hợp tác nội khối
Trong những năm gần đây, Campuchia đã tận dụng được nhiều cơ hội từ việc chi phí sản xuất ở Trung Quốc tăng mạnh dẫn đến những thay đổi trong chuỗi cung ứng khu vực, để nổi lên như một cơ sở sản xuất mới trong khu vực Đông Nam Á. Ngành hàng may mặc và giày dép của Campuchia, chiếm hơn 70% lượng hàng xuất khẩu của cả nước, là những khách hàng lớn nhất của ngành logistics nước này và có ảnh hưởng đáng kể đến khối lượng hàng hóa luân chuyển của Campuchia. Trong năm năm qua, tăng trưởng thương mại của Campuchia rất ấn tượng, với xuất khẩu tăng bình quân 16% và nhập khẩu tăng 11% mỗi năm.
Quy mô thương mại của Campuchia dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, một phần nhờ sự điều chỉnh liên tục của các chuỗi cung ứng trong khu vực. Thêm vào đó, khu vực ASEAN ngày càng trở nên năng động khi thúc đẩy hội nhập khu vực. Sau khi thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015, nhiều nước ASEAN đã tích cực hưởng ứng AEC Blueprint 2025 với tầm nhìn chiến lược và những lợi ích đặc biệt cho các nước kém phát triển hơn như Campuchia.
Do đó, dự đoán thương mại xuyên biên giới, bao gồm các hoạt động thương mại nội khối, sẽ tiếp tục phát triển. Ví dụ, Campuchia và Thái Lan đã cam kết đẩy mạnh thương mại song phương từ 5,6 tỷ USD trong năm 2016 lên 15 tỷ USD vào năm 2020. Hai nước đã đồng ý tăng hạn ngạch xe buýt và xe tải qua biên giới Campuchia - Thái Lan từ mức 40 phương tiện mỗi ngày đến 500 mỗi ngày vào năm 2018.
Nhưng hạn chế về cơ sở hạ tầng logistics
Tuy nhiên, hiện tại, các cơ sở và dịch vụ logistics tại Campuchia hỗ trợ tăng trưởng thương mại nhanh lại đang thiếu hụt. Cơ sở hạ tầng giao thông hiện tại của Campuchia cần phải được cải thiện cũng như cần xây dựng một mạng lưới logistics toàn diện để đáp ứng lượng hàng hóa ngày càng tăng. Campuchia cũng cónhu cầu đặc biệt về thu hút các chuyên gia logistics và lao động có trình độ cho lĩnh vực này, những người có thể cung cấp dịch vụ logistics hiện đại và có giá trị gia tăng cao. Về mặt này, các công ty logistics Hồng Kông, với nhiều năm kinh nghiệm trong việc cải cách thị trường logistics tại Trung Quốc, sẽ có nhiều lợi thế và được kỳ vọng sẽ hỗ trợ tích cực cho sự phát triển thương mại của Campuchia.
Ở cấp quốc gia, Campuchia cũng thiếu một chiến lược về phát triển logistics. Điều này cũng giải thích tại sao Campuchia đi sau một số nước láng giềng về cơ sở hạ tầng và năng lực logistics. Năm 2016, Campuchia đứng thứ 73 trong số 160 nền kinh tế về Chỉ số năng lực Logistics (LPI) do Ngân hàng Thế giới công bố, tụt hậu so với Thái Lan (45), Indonesia (63). Đặc biệt về chất lượng cơ sở hạ tầng, Campuchia chỉ đứng vị trí thứ 99 so với Thái Lan (46), Việt Nam (70) và Indonesia (73).
Đòi hỏi những giải pháp đột phá:
Thành lập Hội đồng logistics Quốc gia (NLC) vào năm 2018
Để giải quyết vấn đề trên, Chính phủ Campuchia cam kết thành lập Hội đồng logistics Quốc gia (NLC) vào năm 2018. NLC sẽ chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch logistics quốc gia đầu tiên của nước này, cũng như các bộ, cơ quan, thể chế và các tác nhân khác trong ngành.
Điều này cũng đồng nghĩa với nhu cầu về một khoản đầu tư đáng kể để nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông của Campuchia. Báo cáo của Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) ước tính nhu cầu vốn đầu tư lên đến 16 tỷ đô la Mỹ trong khu vực cơ sở hạ tầng của Campuchia từ năm 2013 đến năm 2022. Theo dự báo của ERIA phần lớn phù hợp với xu hướng được nêu ra bởi Hội đồng phát triển của Campuchia, với tổng vốn đầu tư cơ sở hạ tầng đã cam kết lên đến khoảng 7 tỷ đô la Mỹ trong khoảng từ năm 2012 đến năm 2016, tương đương khoảng 40% tổng số vốn đầu tư được công bố. Đáng chú ý, cam kết đầu tư về cơ sở hạ tầng đạt mức cao nhất trong 5 năm với 3,1 tỷ đô la Mỹ vào năm 2015, chiếm 67% lượng đầu tư được công bố của Campuchia trong năm đó.
Ngoài ra, Campuchia đã nhận được một lượng lớn viện trợ nước ngoài để phát triển cơ sở hạ tầng và số tiền viện trợ có thể không được phản ánh trong số liệu thống kê đầu tư nói trên. Ví dụ, Trung Quốc là nhà tài trợ chính cho Campuchia, đã giải ngân khoản viện trợ trị giá hơn 4 tỷ đô la dưới hình thức viện trợ không hoàn lại và cho vay ưu đãi trong giai đoạn 1992- 2016. Các đại biểu Campuchia khi tham dự Hội nghị Cấp cao “Vành đai, con đường” được tổ chức tại Bắc Kinh vào tháng 5 năm 2017, đã được thông báo rằng Trung Quốc sẽ cung cấp cho Campuchia một gói viện trợ mới trị giá gần 240 triệu đô la, dành cho xây dựng cơ sở hạ tầng và một số hạng mục khác. Với nhiều dự án dự kiến sẽ được triển khai trong những năm tới, sẽ có nhiều cơ hội kinh doanh cho các công ty Hồng Kông tham gia xây dựng và cải tạo lại các tuyến đường bộ, đường sắt và cảng của Campuchia.
VITIC tổng hợp/ Theo Hong Kong Trade Development Council
(còn tiếp)