Đang Tải Dữ Liệu....
Chủ nhật, ngày 26 tháng 1 năm 2025
Vietnamese English

Logistics trong lĩnh vực thực phẩm đông lạnh: Thực trạng và giải pháp

27/09/2017 18:29
(Phân tích)
1. Đặc điểm ngành hàng thực phẩm: 

Ngành công nghiệp chế biến thực phẩm tại Việt Nam hiện có quy mô khoảng 4 tỉ USD, trong đó ngành chế biến thịt và thủy sản chiếm khoảng 45,1% toàn thị trường, tương đương 1,8 tỉ USD. Còn theo khảo sát của Euromonitor dự báo giai đoạn 2016-2021, ngành thịt chế biến sẽ tăng trưởng với tốc độ bình quân 2,2% về sản lượng và 1,9% về doanh số.  Trong những năm tới, cùng với quá trình đô thị hoá, thu nhập của dân cư tăng, ý thức về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm tốt hơn nên xu hướng mua hàng tại các loại hình siêu thị, cửa hàng chuyên doanh tăng cao, với tốc độ dự kiến trên 150%/năm. Tiếp đến là các loại hình truyền thống như cửa hàng của các hợp tác xã, các hộ kinh doanh độc lập tăng khoảng trên 30%/năm nhưng vẫn là loại hình kinh doanh chiếm trên 80% doanh thu nhóm hàng thực phẩm. Phải khẳng định rằng chính xu hướng tiêu dùng tại các siêu thị và cửa hàng tự chọn đã tạo nên sự sôi động và mức tăng trưởng nhanh chóng của thị trường thực phẩm chế biến, thực phẩm đông lạnh Việt Nam hiện nay.
Là quốc gia có thế mạnh về nông nghiệp, một trong những mặt hàng xuất nhập khẩu chủ lực của Việt Nam là hàng nông sản, thủy sản, hải sản. Đây là những mặt hàng đặc thù, thường được bảo quản và vận chuyển đông lạnh. 
Người tiêu dùng thường được khuyến cáo khi mua sản phẩm đông lạnh phải quan quan sát trạng thái sản phẩm, sản phẩm đông lạnh đã xuất hiện đá cục hoặc lẫn các tinh thể băng thì không nên chọn mua. Nên kiểm tra thời hạn và nhiệt độ bảo quản, bởi thông thường thịt đông lạnh có thể bảo quản được 3 tháng ở nhiệt độ âm 18 độ C, nhưng mùi vị và hương vị vẫn từ từ biến chất, các chất béo cũng bị ôxy hóa dần dần, các vi ta min cũng bị phân giải.
Hạn sử dụng trên bao bì 3 tháng không có nghĩa là thực phẩm chắc chắn là thực phẩm được đảm bảo chất lượng trong vòng 3 tháng. Bởi vậy khi chọn mua thực phẩm đông lạnh người tiêu dùng cần xem rõ ngày sản xuất và thời gian bảo quản, nên chọn sản phẩm có ngày sản xuất gần nhất.
Thịt và thực phẩm nên giữ đông lạnh ở nhiệt độ âm 18 độ C. Tuy nhiên giữ thực phẩm ở nhiệt độ trên không có nghĩa là tiêu diệt vi khuẩn mà chỉ giảm tốc độ tăng trưởng của chúng.
Bởi vì thành phần hóa học và cấu trúc tế bào rất khác nhau giữa các loại thực phẩm, tốc độ và nhiệt độ đông lạnh của thực phẩm cũng khác nhau giữa các loại thực phẩm. Nhiệt độ mà phần lớn thực phẩm đông lạnh dao động trong khoảng âm 6 độ C đến âm 7 độ C.
Ví dụ nhiệt độ âm 18 độ C, thời gian an toàn dự trữ thịt bò dao động từ 3 đến 4 tháng, thịt heo 3-6 tháng, thịt gà 12 tháng. Khi thực phẩm chậm đông lạnh, những hạt nước đá sẽ được hình thành làm vỡ tế bào và chất sợi trong cá, thịt, rau cải và vì thế làm giảm chất lượng thực phẩm
Thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa nông thủy sản đông lạnh
Thủ tục hải quan
Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu khi kinh doanh mặt hàng nông thủy sản đông lạnh cần tiến hành khai báo hải quan theo đúng quy định của nhà nước về quản lý hải quan. Cụ thể:
– Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 22/2014/TT-BTC ngày 14/02/2014 của Bộ Tài chính.
– Quy trình thực hiện thủ tục hải quan điện tử thực hiện theo quy định tại Quyết định số 988/QĐ-TCHQ ngày 28 tháng 03 năm 2014 về việc Ban hành quy trình thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại.
Thủ tục kiểm dịch hàng hóa
Ngoài thủ tục hải quan, hàng hóa nông thủy hải sản đông lạnh cần phải tiến hành kiểm dịch hàng hóa theo quy định của nhà nước. Danh mục hàng hóa thủy hải sản thuộc diện phải kiểm dịch được quy định tại Thông tư số 32/2012/TT-BNNPTNT.
 
2. Các yêu cầu về logistics cho ngành hàng thực phẩm đông lạnh:
Một thách thức lớn đặt ra cho các nhà sản xuất thực phẩm đông lạnh và thực phẩm chế biến sẵn trong nước là làm thế nào để phân phối hàng hóa một cách hiệu quả nhất và đảm bảo chất lượng tốt nhất của hàng hóa đến tận tay người tiêu dùng. Đó là một yếu tố quan trọng làm nên sự thành công của thương hiệu thực phẩm đông lạnh nội địa. Điều đó phụ thuộc rất nhiều vào logistics cho ngành này.
2.1. Gom hàng:
Để tối ưu hóa toàn bộ chuỗi cung ứng và cắt giảm chi phí, giải pháp Gom hàng chính là vị cứu tinh lớn trong ngành thực phẩm đông lạnh nói riêng và ngành bán lẻ nói chung. Sau đây là một số lưu ý khi củng cố một chiến lược gom hàng đối với thực phẩm đông lạnh. 
Tận dụng lợi ích từ lượng hàng tồn. Tiêu chí JIT đòi hỏi hàng tồn kho phải được kiểm soát chặt chẽ tại mỗi bước trong quy trình. Tuy nhiên, các công ty thực phẩm đông lạnh thường bỏ lỡ cơ hội tận dụng mức tồn kho này. Họ có xu hướng trải rộng hàng tồn kho ra khắp các nhà bán lẻ có vị trí gần nhau. Đây là một chiến thuật vận chuyển phù hợp với hàng hóa “rất dễ” hư hỏng, song, ngành hàng thực phẩm ít dễ hỏng hơn lại không nhận được nhiều lợi ích từ chiến lược này. Thay vào đó, dữ trự lượng hàng tồn tại một kho hàng có vị trí trung tâm giữa các nhà bán lẻ sẽ tiết kiệm chi phí hơn cả nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng sản phẩm.
Giải pháp gom hàng trong ngành thực phẩm đông lạnh có khả năng thành công hơn nếu hàng hóa đạt khối lượng lớn. Tuy vậy, với yêu cầu giao hàng mỗi tuần với một lượng hàng không đáng kể từ nhà bán lẻ, khiến giải pháp gom hàng càng khó thực hiện. Chẳng hạn, lượng hàng chỉ chiếm 60% của thùng chứa xe tải cho mỗi lần giao hàng sẽ khiến doanh nghiệp tốn nhiều chi phí.
Do đó, thay vì vận chuyển theo phương thức LTL (Less than truck load) cho từng nhà bán lẻ, chúng ta sẽ gom tất cả sản phẩm từ đơn hàng lẻ và vận chuyển theo theo hình thứ FTL (Full truck load) đến kho hàng trung gian (có thể hợp tác cùng một bên thứ 3) có vị trí trung tâm giữa các nhà bán lẻ khác, từ đó, tách rời các đơn hàng lẻ và giao cho từng khách hàng.
2.2. Lưu kho:
Đối với ngành hàng thực phẩm đông lạnh, hệ thống kho lạnh là hết sức quan trọng, góp phần phần điều tiết thị trường, đảm bảo chất lượng hàng hoá. Hienj nay các DN kinh doanh kho lạnh ở Việt Nam đang chia làm hai, một là DN kho lạnh bảo quản, hai là DN kho lạnh kinh doanh. DN kinh doanh kho lạnh bảo quản là các kho lạnh của chính các DN chế biến, xuất khẩu và hệ thống kho lạnh này được dùng để lưu kho sản phẩm của DN. Gần đây các DN chế biến, xuất khẩu mới nhận thấy tầm quan trọng của kho lạnh bảo quản nên đã có những động thái xây dựng, mở rộng, nâng cấp thêm các kho lạnh này. Còn các DN chuyên kinh doanh kho lạnh là những DN chuyên dùng để cho thuê kho, với đội ngũ chuyên nghiệp và được đầu tư xây dựng hệ thống với công nghệ và kĩ thuật cao.
Tuy nhiên do chưa có quy hoạch tổng thể hệ thống DN kinh doanh kho lạnh nên hiện đang xảy ra tình trạng nơi thừa nơi thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu dự trữ nguyên liệu cho sản xuất xuất khẩu và dự trữ sản phẩm phục vụ cho phân phối tiêu dùng. 
Hầu hết các công ty hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy sản đều có mục đích xây kho để trước hết là lưu hàng của mình, khi nào thừa diện tích mới nhận hàng của các DN khác.
Nắm bắt được thực tế trên, vài năm trở lại đây, các DN logistic đã tăng cường đầu tư kho lạnh cho thuê. Trong đó, sự tham gia của DN nước ngoài đang rất sôi động. Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Nguyễn Tương, Phó Tổng thư ký Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho biết, đầu tư và kinh doanh kho lạnh, một loại dịch vụ hậu cần cho xuất nhập khẩu, nằm trong chuỗi logistics, đang được nhiều DN quan tâm vì mức độ cần thiết ngày càng tăng. Hiện các kho lạnh đang mọc lên ồ ạt cũng tạo nhiều thuận lợi cho các DN chế biến và xuất khẩu thuỷ sản cũng như các DN dùng kho lạnh khác.

3. Giải pháp:
Để khắc phục điều này, Việt Nam cần có một chiến lược đầu tư dài hạn vào ngành công nghệ kho lạnh thủy sản. Trước hết là đầu tư về vị trí, ưu tiên những địa điểm thuận lợi tại các cảng đang xây dựng để thiết lập các kho lạnh của Việt Nam. Bởi hiện giá thuê đất tại các cảng hiện khá cao trong hoàn cảnh các DN thủy sản thường gặp rủi ro trong kinh doanh do thời tiết và dịch bệnh. Bên cạnh đó các DN nên xác định, phát triển ngành kho lạnh là điều cần thiết để xây dựng hậu cần cho chiến lược xuất khẩu trong thời gian tới. Uy tín, chất lượng sản phẩm phụ thuộc rất nhiều vào hệ thống kho lạnh, nơi kiểm định, bảo quản sản phẩm trước khi cho xuống tàu.
Các nhà cung ứng cần hợp tác để đảm bảo chất lượng, đóng vai trò là một mắt xích quan trọng để xây dựng thị trường cung ứng kho lạnh tại Việt Nam trở nên vững mạnh và phát triển. Và những doanh nghiệp nào có chiến lược kinh doanh dài hạn, đầu tư bài bản sẽ có nhiều tiềm năng chiếm lĩnh thị trường và dẫn đầu ngành cung ứng kho lạnh tại Việt Nam.

VITIC tổng hợp và phân tích
Bản quyền thuộc về Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Điện thoại: (024) 37150530 | Fax: (024) 37150489
Giấy phép số 104/GP-TTĐT ngày 07/05/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Số người trực tuyến: 29
Số người truy cập: 6.399.458
Chung nhan Tin Nhiem Mang