Đang Tải Dữ Liệu....
Chủ nhật, ngày 26 tháng 1 năm 2025
Vietnamese English

Báo cáo: Phát triển hạ tầng Đông Nam Bộ- Điều kiện cho sự phát triển logistics của khu vực

22/09/2017 20:54
(Phân tích)
 
1. Các lợi thế tự nhiên và kinh tế xã hội của Đông Nam Bộ
Vùng Đông Nam Bộ có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, nhờ hội tụ đầy đủ các điều kiện và lợi thế nổi trội để phát triển công nghiệp, dịch vụ, đặc biệt là phát triển công nghiệp công nghệ cao, điện tử - tin học, dầu khí, dịch vụ, tài chính, ngân hàng, nghiên cứu ứng dụng và triển khai khoa học - công nghệ, đi đầu trong công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Bên cạnh đó, Đông Nam Bộ còn có lợi thế về nguồn lao động dồi dào, có trình độ chuyên môn cao hơn so với các vùng khác, có khả năng nắm bắt và vận dụng những  tiến  bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, được  đào tạo và nâng cao tay nghề trong quá trình phát triển các khu công nghiệp.
Nhằm phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong Vùng, nhất là lợi thế về sản xuất công nghiệp và dịch vụ. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Vùng Đông Nam bộ đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định số 943/QĐ-TTg ngày 20/7/2012), theo đó một số mục tiêu đến năm 2020 của Vùng đã đề ra là: Tổng sản phẩm trong Vùng ít nhất tăng gấp 2,2 lần so với năm 2010; khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chiếm khoảng  96-97% tổng GDP; Tăng trưởng kinh tế theo GDP của thời kỳ 2016-2020 tăng bình quân khoảng 8,4%; GDP bình quân đầu người đến năm 2020 khoảng 175 triệu đồng, tương đương 6.200 USD; mức đóng góp cho ngân sách của cả nước luôn giữ từ 50-55% trong cả thời kỳ 2011-2020; tốc độ đổi mới công nghệ đạt bình quân 20 - 25%/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đến năm 2020 đạt trên 75%. 
Vùng kinh tế Đông Nam Bộ có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Đây là vùng duy nhất hiện nay hội tụ đầy đủ các điều kiện và lợi thế để phát triển công nghiệp, dịch vụ, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đặc biệt phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện tử, tin học, công nghiệp dầu khí và sản phẩm hóa dầu; phát triển dịch vụ cao cấp, dịch vụ du lịch, dịch vụ viễn thông, tài chính, ngân hàng; nghiên cứu, ứng dụng và triển khai khoa học và công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao.

2. Hạ tầng và môi trường đầu tư
Vùng kinh tế Đông Nam Bộ có hệ thống kết cấu hạ tầng khá đồng bộ, tập trung các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học, trung tâm y tế; nguồn nhân lực dồi dào và có kỹ năng khá nhất, do đó là địa bàn có môi trường đầu tư hấp dẫn nổi trội. Đây là trung tâm đầu mối dịch vụ và thương mại tầm cỡ khu vực và quốc tế, đặc biệt là dịch vụ du lịch, dịch vụ tài chính, ngân hàng, viễn thông, dịch vụ cảng….Vùng kinh tế Đông Nam Bộ đã hình thành mạng lưới đô thị vệ tinh phát triển xung quanh thành phố Hồ Chí Minh, liên kết bởi các tuyến trục và vành đai thông thoáng. Đông Nam Bộ là một vùng công nghiệp trọng yếu lớn nhất của cả nước, đã hình thành và liên kết mạng lưới các KCN tập trung và phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn và cơ bản như: khai thác và chế biến dầu khí, luyện cán thép, năng lượng điện, công nghệ tin học, hóa chất cơ bản, phân bón và vật liệu… làm nền tảng công nghiệp hóa của vùng và của cả nước. Đông Nam Bộ là vùng kinh tế năng động nhất cả nước trong việc thu hút đầu tư nước ngoài (ĐTNN). Ngay từ những năm đầu tiên của công cuộc đổi mới, ĐTNN đã nhanh chóng tập trung vào TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ, góp phần vào sự phát triển bứt phá của cả vùng. Cho đến nay, kim ngạch xuất khẩu của vùng chiếm gần 60% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Tính theo độ mở cửa kinh tế, đo bằng tỷ trọng xuất khẩu trên GDP, vùng có chỉ số mở cửa đạt gần 110% trong khi chỉ số cả nước chỉ khoảng 70%. Tỷ lệ đầu tư trên GDP chiếm 50%, cao gấp 1,5 lần so với cả nước; có nhịp độ tăng trưởng kinh tế cao hơn khoảng 1,4 - 1,6 lần so với nhịp độ tăng trưởng bình quân chung cả nước.Các dự án ĐTNN đã đi tiên phong trong hầu hết các ngành, lĩnh vực ưu thế của vùng. Tính đến tháng 8/2016, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư 11.537 dự án với tổng vốn 140,2 tỷ USD; điều đặc biệt là số lượng dự án và vốn đầu tư này chiếm 57,4% và 48,4% FDI của cả nước; các dự án FDI của vùng tập trung 55,8% số dự án và 58,0% vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp và chế tạo.Với vai trò là khu vực năng động, dẫn đầu cả nước về thu hút ĐTNN, dự kiến trong giai đoạn 2016 - 2020, tổng vốn đầu tư FDI vào toàn vùng đạt khoảng gần 60 tỷ USD vốn đăng ký, chiếm khoảng từ 45-55% ĐTNN của cả nước. Đồng thời, Đông Nam Bộ cần giữ vai tiên phong trong việc chuyển hướng chiến lược trong việc thu hút ĐTNN – tập trung vào việc thu hút các dự án có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường.

Tuy nhiên, Đông Nam Bộ vẫn chưa đáp ứng được các điều kiện về cơ sở hạ tầng cho việc hình thành các trung tâm logistics lớn. Cảng cạn quy mô lớn có vai trò trung chuyển hàng hóa đa phương thức của vùng, đặc biệt là cho các trung tâm sản xuất, tiêu thụ, tiếp nhận hàng hóa lớn như TPHCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, cùng các cảng biển Vũng Tàu, TPHCM. Nhưng các cảng cạn, trung tâm logistics đang hoạt động trong vùng hầu hết có quy mô nhỏ, năng lực hạn chế, kết nối chủ yếu với vận tải đường bộ, chưa thực sự đóng vai trò là các trung tâm trung chuyển hàng hóa. Ngay cả các tuyến đường liên vùng, vành đai, các tuyến nối cảng biển, cảng hàng không và các cửa khẩu quốc tế vẫn chưa hoàn chỉnh.

Thiếu thốn nguồn lực, tắc nghẽn cơ sở hạ tầng, và chưa có một thể chế phù hợp cho hợp tác và liên kết vùng là 3 nút thắt đối với tăng trưởng của vùng Đông Nam bộ.
3. Tiềm năng logistics và giải pháp phát huy
Xuất khẩu của Đông Nam Bộ hiện chiếm 60% tổng sản lượng xuất khẩu cả nước; Sản lượng luân chuyển container riêng vùng này đạt 7 triệu teu trong tổng số hơn 10 triệu teu của cả nước; Hàng không chiếm khoảng hơn 700.000 tấn trên tổng số hơn 1 triệu tấn vận chuyển hàng không quốc tế và nội địa của cả nước. Qua đó, thấy được tiềm năng logistics của khu vực này là rất lớn. Tuy nhiên, để tiềm năng thành hiện thực, cần sớm xây dựng thành công các trung tâm logistics hiện đại ở Đông Nam Bộ, với sự kết nối đồng bộ về cơ sở hạ tầng. 
Cảng Cái Mép - Thị Vải là cảng cửa ngõ của vùng ĐNB nhưng hạ tầng kết nối với cụm cảng Cái Mép - Thị Vải hiện nay chưa phát triển mà chủ yếu bằng đường sông. Trung bình mỗi năm có khoảng 1 triệu teu kết nối giữa TP HCM và vùng ĐNB đi qua cảng Cái Mép để xuất khẩu đi châu Âu, châu Mỹ. Cụm Cái Mép có 6 cảng nhưng bất cập ở chỗ, sản lượng hàng hóa phân bố qua cảng không đều: có cảng thừa năng lực, có cảng thiếu năng lực dẫn tới chi phí logistics vẫn quá cao. Trong thời gian tới, cần cải thiện chất lượng quy hoạch, phân bố nguồn lực cấp vùng (định hướng phân công ngành tổng quát để bảo đảm liên kết, phối hợp phát triển ngành và đô thị); phát triển giao thông kết nối vùng; phát triển nguồn nhân lực; phối hợp giải quyết vấn đề môi trường; phân bổ nguồn lực cho sự phát triển của logistics nói riêng và kinh tế khu vực nói chung. 


VITIC tổng hợp và phân tích

 


Bản quyền thuộc về Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Điện thoại: (024) 37150530 | Fax: (024) 37150489
Giấy phép số 104/GP-TTĐT ngày 07/05/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Số người trực tuyến: 11
Số người truy cập: 6.399.638
Chung nhan Tin Nhiem Mang