Đang Tải Dữ Liệu....
Thứ sáu, ngày 10 tháng 1 năm 2025
Vietnamese English

Phân tích về hoạt động logistics trong xuất khẩu một số mặt hàng tiêu biểu của Việt Nam số tháng 7/2022 (miễn phí)

08/08/2022 09:15
Tình hình logistics trong xuất khẩu
Thị trường thế giới biến động khó lường, xung đột địa chính trị, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, giá nhiên liệu đẩy lạm phát gia tăng tại nhiều quốc gia đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa nói chung và của Việt Nam nói riêng. Hoạt động xuất khẩu và logistics phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng vẫn đạt mức tăng trưởng khả quan. 
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng 7/2022 nước ta xuất khẩu khoảng 30,32 tỷ USD hàng hóa, giảm 7,7% so với tháng trước và tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên do mức tăng trưởng tốt của các tháng trước nên tính chung 7 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 216,35 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước. Đóng góp nhiều nhất vào kim ngạch xuất khẩu là nhóm hàng công nghiệp chế biến với 88,7% tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm nay. 
Không chỉ cước phí tăng, tình trạng tắc nghẽn tại các cảng biển cũng khiến việc đưa các đơn hàng đến đúng thời điểm cho người tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu trở thành một thách thức lớn với các doanh nghiệp; đó là chưa kể đến các loại phí phát sinh như lưu kho, chờ đợi ở bến bãi…đều được đẩy vào giá bán, khiến giá đến tay người tiêu dùng tăng mạnh, làm giảm sức mua. 
Về nhóm hàng nông lâm thủy sản: Trong khi Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất với gần 8,7 tỷ USD, chiếm 26,8% tổng trị giá xuất khẩu thì hoạt động vận chuyển sang thị trường này tiếp tục gặp khó khăn do chủ yếu là xuất khẩu bằng đường biển, cước phí cao và khó tiếp cận không gian chở hàng trên tàu khi các cảng biển của Hoa Kỳ vẫn trong tình trạng tắc nghẽn. 
Về nhóm hàng công nghiệp: Dự báo tăng trưởng của xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp trong những tháng cuối năm có thể chậm lại, do thị trường có nhiều biến động bởi xung đột Nga-Ukraine kéo dài, hoạt động logistics trên toàn cầu tiếp tục kém chắc chắn, khiến xuất khẩu sang các thị trường ở cách xa về mặt địa lý càng trở nên khó khăn, tốn kém hơn. 
Tình hình tại các địa phương: 
Quảng Nam là tỉnh ở Nam Trung Bộ, có diện tích đứng thứ 6 cả nước, dân số 1,5 triệu người đứng thứ 3 vùng duyên hải Nam Trung Bộ và thứ 18 cả nước. Xét về các lợi thế cho phát triển logistics, tỉnh có cảng biển, cảng hàng không, đường biên giới và đường bờ biển dài thuận lợi cho hàng hải. Bên cạnh những thành tựu trên, theo phân tích của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, có một số điểm nghẽn cản trở đà phát triển của tỉnh và cần sớm được tháo gỡ trong thời gian tới, đặc biệt là về hạ tầng và logistics. 
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số 55/2022/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Trong Nghị quyết có một số nội dung quan trọng liên quan đến đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ và hạ tầng logistics trong 5 năm tới.
Từ đầu năm đến nay, thành tích xuất khẩu của Việt Nam có sự đóng góp quan trọng của các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài như cung cấp thông tin, kết nối giao thương, hỗ trợ tận dụng tốt các cơ hội từ các FTA mà Việt Nam là thành viên và đặc biệt là trong thời gian gần đây, các Thương vụ đã tham gia tháo gỡ những khó khăn về logistics cho các doanh nghiệp xuất khẩu, tiêu biểu như vụ việc 100 container hạt điều xuất khẩu vừa qua. 
Các định hướng, chính sách, quy định tác động đến logistics trong hoạt động xuất khẩu: 
- Trong tháng 7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 679/CĐ-TTg ngày 31/7/2022 về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá, đối với các mặt hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng dầu như dịch vụ vận tải hành khách, vận tải hàng hóa, logistics
- Trong tháng 7/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết về xây dựng 3 tuyến đường cao tốc quan trọng nhằm tăng cường kết nối vùng, góp phần thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long.
- Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký Quyết định số 858/QĐ-TTg ngày 20/7/2022 phê duyệt Chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản đến năm 2030 với mục tiêu phát triển chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả và bền vững, đáp ứng được nhu cầu, quy định của thị trường tiêu thụ; phấn đấu đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến nông sản đứng trong 10 nước hàng đầu thế giới vào năm 2030. Như vậy có thể thấy để hình thành các cụm liên kết sản xuất-chế biến-tiêu thụ nông sản được cơ giới hóa đồng bộ, rất cần đến sự nâng cấp mạng lưới logistics cho nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt ở các trung tâm sản xuất nông nghiệp quan trọng. Hệ thống đường xá, kho hàng (kho lạnh, kho lường, kho mát)…đều cần được đầu tư nâng cấp. Đây cũng là cơ hội cho phân khúc hạ tầng và dịch vụ logistics nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại trong thời gian tới. 
- Bước sang nửa cuối năm 2022, nhiều loại đầu vào cho sản xuất đã thiết lập mặt bằng giá mới, gây áp lực chi phí rất lớn cho doanh nghiệp cũng như đẩy giá bán đến tay người tiêu dùng hoặc khiến giá hàng xuất khẩu của Việt Nam có thể bị giảm sức cạnh tranh. Điều này nếu không sớm được tháo gỡ sẽ có một tỷ lệ nhất định doanh nghiệp không thể phục hồi, thậm chí rút khỏi thị trường vì doanh thu không đủ bù đắp chi phí. Trước tình hình đó, ngày 25/7/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã có Công văn số 4648/VPCP-KTTH giao Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu, đề xuất giảm các loại thuế, phí liên quan đến xăng dầu, tiêu dùng, nhất là các loại thuế làm tăng chi phí đầu vào cho sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hóa trong thời gian tới. 
Các định hướng, chính sách, quy định của quốc tế tác động đến logistics trong hoạt động xuất khẩu: Tác động và/hoặc bài học kinh nghiệm cho logistics trong hoạt động xuất khẩu của Việt Nam:
Trong tháng 7/2022, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã thông báo mới về việc triển khai kiểm tra và xét nghiệm COVID-19 trên sản phẩm thực phẩm chuỗi lạnh nhập khẩu nhằm phòng chống dịch COVID-19 một cách khoa học, chính xác và lâu bền. 
Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận Vận tải Quốc tế (FIATA) tiếp tục kêu gọi các bên liên quan trong ngành và các cơ quan quản lý thị trường tăng cường hành động để đảm bảo một hệ thống giao dịch cân bằng và công bằng trong lĩnh vực logistics toàn cầu (Chi tiết các phân tích và khuyến nghị chính sách về nội dung này được trình bày trong báo cáo chi tiết). 
Trong khi phần lớn lượng hàng hóa trong thương mại quốc tế đi qua hệ thống cảng biển toàn cầu, điều này cũng tác động không nhỏ đến thương mại quốc tế và logistics cho hàng hóa xuất nhập khẩu. Việt Nam cũng có thể tham khảo kinh nghiệm của Nam Phi trong việc xanh hóa hệ thống cảng biển-vốn được đánh giá là có vai trò mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng xuất khẩu của nước ta ra thế giới trong thời gian tới.

PHẦN I. TÌNH HÌNH LOGISTICS TRONG HOẠT ĐỘNG XUẤT KHẨU 
1 Tình hình chung:
2 Logistics trong hoạt động xuất khẩu một số mặt hàng và tại địa phương tiêu biểu:
2.1. Nhóm hàng nông thủy sản
2.2. Nhóm hàng công nghiệp
2.3. Tình hình tại một số địa phương
2.3.1. Đồng bằng Sông Hồng (ĐBSH)
2.3.2. Một số địa phương Nam Trung Bộ
PHẦN 2. CÁC ĐỊNH HƯỚNG, CHÍNH SÁCH, QUY ĐỊNH TÁC ĐỘNG ĐẾN LOGISTICS TRONG HOẠT ĐỘNG XUẤT KHẨU 
1 Quy định, chính sách của Việt Nam
1.1. Các định hướng, chính sách về logistics nói chung
1.1.1. Các nội dung liên quan đến logistics trong tháng
1.1.2. Các định hướng, chính sách về hoạt động và cơ sở hạ tầng phục vụ logistics
1.2. Các định hướng, chính sách, kế hoạch tác động đến xuất khẩu và logistics cho xuất khẩu
1.2.1. Chiến lược cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản đến năm 2030 đưa Việt Nam phấn đấu trở thành trung tâm chế biến nông sản trong 10 nước hàng đầu thế giới
1.2.2. Nghiên cứu giảm các loại thuế, phí để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau dịch bệnh, ứng phó với các thách thức mới
2 Định hướng, chính sách, quy định của nước ngoài: Tác động và/hoặc bài học kinh nghiệm cho logistics trong hoạt động xuất khẩu của Việt Nam
2.1. Thông báo mới của Trung Quốc về kiểm tra và xét nghiệm COVID-19 đối với thực phẩm chuỗi lạnh nhập khẩu
2.2. Hồng Kông (Trung Quốc) tăng cường kiểm soát dịch bệnh tại biên giới làm tăng nguy cơ chậm trễ trong chuỗi cung ứng
2.3. FIATA kêu gọi hệ thống thị trường hàng hải cân bằng và công bằng
2.4. Nam Phi thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo trong lĩnh vực cảng biển và kinh nghiệm cho Việt Nam

 

Để xem chi tiết vui lòng TẢI BÁO CÁO miễn phí
Bản quyền thuộc về Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Điện thoại: (024) 37150530 | Fax: (024) 37150489
Giấy phép số 104/GP-TTĐT ngày 07/05/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Số người trực tuyến: 4
Số người truy cập: 6.319.144
Chung nhan Tin Nhiem Mang