Đang Tải Dữ Liệu....
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Vietnamese English

Đặc điểm, thực trạng, triển vọng và giải pháp phát triển lĩnh vực logistics của tỉnh Sóc Trăng

28/06/2023 16:01
Kết quả khảo sát và đánh giá thực trạng, tiềm năng và giải pháp phát triển logistics tại một số địa phương Đồng bằng Sông Cửu Long năm 2023

(tiếp theo kỳ trước)


Trong chương trình làm việc tại Đồng bằng sông Cửu Long phục vụ việc biên tập Báo cáo Logistics Việt Nam năm 2023 vào tháng 6/2023, Ban Biên tập báo cáo (sau đây gọi tắt là Ban Biên tập) đã tiến hành khảo sát và thảo luận với các cơ quan quản lý Nhà nước và các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo, nghiên cứu về lĩnh vực logistics tại tỉnh Sóc Trăng. (Thông tin chi tiết về thành phần và hoạt động của Ban Biên tập, vui lòng tham khảo cuối bài). 

Các thành viên Ban Biên tập cũng đã cung cấp thông tin, kinh nghiệm thực tiễn trong đánh giá hiện trạng logistics, phát hiện tiềm năng cũng thảo luận cùng các cơ quản quản lý Nhà nước và các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo của Tỉnh về định hướng triển logistics trong thời gian tới.

Dưới đây là một số kết quả chính: 
 
(1) Đặc điểm, thực trạng và triển vọng

a) Đặc điểm địa lý, tự nhiên, hạ tầng logistics và điều kiện kết nối với các địa phương khác:

Sóc Trăng là tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nằm trong vùng hạ lưu sông Hậu, trên trục lộ giao thông thủy bộ nối liền thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh miền Tây Nam bộ.  Sóc Trăng cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 231 km, cách Cần Thơ 62  km. Có bờ biển dài 72 km với 02 cửa sông lớn là sông Hậu (đổ theo 02 con sông lớn Trần Đề, Định An) và sông Mỹ Thanh đổ ra biển Đông.

Trong những năm qua, Tỉnh đã đầu tư cải tạo mặt đường quốc lộ Quản lộ-Phụng Hiệp, thi công mở rộng Quốc lộ 1 (đoạn từ thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang đến huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) với quy mô 4 làn xe cơ giới và 2 làn hỗn hợp, nạo vét tuyến đường thủy nội địa Đại Ngãi- Cà Mau, nạo vét đảm bảo giao thông trên tuyến kênh Quản Lộ- Phụng Hiệp. Những nỗ lực nâng cấp hệ thống đường bộ và đường thủy nhằm hình thành mạng lưới giao thông liên hoàn, tạo sự liên kết  vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của Tỉnh và của vùng ĐBSCL.

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) theo giá so sánh 2010, sơ bộ quý I/2023 tăng 2,99% so với cùng kỳ năm 2022. Ước quý II/2023 tăng 0,36% so với cùng kỳ năm 2022, xếp thứ 56 so với cả nước và thứ 13 so với khu vực ĐBSCL. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023 tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh là 1,83% so với cùng kỳ năm trước, xếp thứ 55 so với cả nước và thứ 12 so với khu vực ĐBSCL.

Đặc biệt, Sóc Trăng còn có dải cù lao thuộc huyện Kế Sách, Long Phú và Cù Lao Dung chạy dài ra tận cửa biển với nhiều cây trái nhiệt đới, không khí trong lành như cồn Mỹ Phước, Khu du lịch Song Phụng, Cù Lao Dung... là địa điểm lý tưởng để phát triển loại hình du lịch sinh thái.
 
b) Dịch vụ logistics và doanh nghiệp dịch vụ logistics:

Dịch vụ logistics còn nhiều hạn chế, chủ yếu là vận tải, kho bãi, nhưng kho hàng chủ yếu nằm trong kho dân cư, chưa được thiết kế đúng chuẩn.

Nhìn chung, tình hình phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng gặp nhiều khó khăn trong 6 tháng đầu năm 2023, do biến động của nền kinh tế thế giới, doanh nghiệp gặp khó khăn do chi phí đầu vào tăng cao, thị trường sụt giảm nghiêm trọng; nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm sản xuất, giảm lao động,... vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn việc tạm ngừng hoạt động trong ngắn hạn để chờ tình hình thị trường ổn định và lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp trong tình hình mới.

Theo ông Đào Trọng Khoa, thành viên Ban Biên tập, phó chủ tịch VLA, số lượng doanh nghiệp dịch vụ logistics của tỉnh chỉ khoảng hơn 30 doanh nghiệp, thấp nhất trong số 13 tỉnh ĐBSCL. Do đó, ông Khoa khuyến nghị Sở Công Thương cung cấp thêm thông tin về tình hình của các doanh nghiệp cũng như phối hợp với VLA để hỗ trợ các doanh nghiệp logistics trên địa bàn tỉnh phát triển, mở rộng, cũng như tạo điều kiện để hình thành thêm các doanh nghiệp mới ở đa dạng các mảng dịch vụ logistics.
 
c) Định hướng, chính sách, quy định, thủ tục: 

Theo ông Hứa Trường Sơn, Phó giám đốc Sở công Thương tỉnh Sóc Trăng, UBND tỉnh Sóc Trăng đã banh hành Kế hoạch số 146/KH-UBND ngày 29 tháng 12 năm 2017 về phát triển dịch vụ logistics tỉnh Sóc Trăng đến năm 2025. Tuy nhiên việc triển khai Kế hoạch còn gặp nhiều khó khăn.

Để tạo thuận lợi cho các DN tham gia phát triển dịch vụ logistics, Tỉnh đã chỉ đạo lồng ghép vào các Chương trình trọng tâm nhằm thức bước phát triển hạt ầng logistics , tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút đầu tư phù hợp với tiềm năng và lợi thế của tỉnh.

UBND Tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch số 138/KH-UBND ngày 11/10/2019 để triển khai thực hiện Đề án xây dựng thị trường vận tải cạnh tranh theo hướng phát triển vận tải đa phương thức, kết nối giữa các hình thức vận tải khác nhau, chú trọng áp dụng công nghệ thông tin ddeer giảm thiểu chi phí vận tải tạo thuận lợi cho lưu thông, phân phối hàng hóa và dịch vụ của doanh nghiệp; Chương trình hành động số 03/Ctr-UBND ngày 26/7/2020 về việc thực hiện Quyết định số 531/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
 
d) Hiệu quả của chuỗi cung ứng (nguồn hàng, tương tác về logistics giữa các tác nhân trong chuỗi cung ứng)Về nguồn hàng:

Hàng năm, nhu cầu vận chuyển hàng hóa trên địa bàn Tỉnh vào khoảng 4493 nghìn tấn, tuy nhiên phần lớn hàng hóa xuất khẩu. Sóc Trăng có nguồn hải sản đáng kể bao gồm cá đáy, cá nổi và tôm.

Sóc Trăng có nhiều thuận lợi trong phát triển kinh tế biển tổng hợp, thuỷ hải sản, nông - lâm nghiệp biển, công nghiệp hướng biển, thương cảng, cảng cá, dịch vụ cảng biển, xuất nhập khẩu, du lịch và vận tải biển.

Theo số liệu thống kê của Tỉnh Sóc Trăng, cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tỷ trọng ngành nông lâm nghiệp thủy sản giảm, tỷ trọng khu vực công nghiệp và xây dựng, dịch vụ và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng.
 
d) Về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số 

Trong những năm gần đây, thị trường thương mại điện tử ngày càng trở nên phổ biến đối với người tiêu dùng. Bắt nhịp xu hướng này, đặc biệt là hướng đến mục tiêu phát triển trụ cột kinh tế số theo tinh thần Nghị quyết 07-NQ/TU, ngày 27/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng khóa XIV về chuyển đổi số tỉnh Sóc Trăng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tháng 8 năm 2022, tỉnh Sóc Trăng chính thức đưa vào vận hành sàn thương mại điện tử của tỉnh với tên miền là “soctrangtrade.vn”. Sau thời gian ngắn vận hành, sàn thương mại điện tử đã mang đến những chuyển biến tích cực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều cơ sở, công ty, doanh nghiệp khi doanh thu bán hàng thông qua nền tảng số đã có sự cải thiện đáng kể.

Sàn thương mại điện tử tỉnh Sóc Trăng do Sở Công thương phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông cùng nhiều sở, ngành trong tỉnh và các địa phương triển khai thực hiện. Mục tiêu chính là hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất tham gia quảng bá, giới thiệu và phân phối, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nhất là các sản phẩm OCOP. Tính đến đầu tháng 5 năm 2023, có 100 doanh nghiệp trong tỉnh gửi hồ sơ đăng ký tham gia đưa các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ lên các sàn thương mại điện tử “soctrangtrade.vn”. Kết quả, có 88 doanh nghiệp hoàn thành hồ sơ, thủ tục đăng ký, được phê duyệt tạo gian hàng với 241 sản phẩm, hàng hóa; 12 doanh nghiệp đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục theo quy định của sàn.

 Ngoài tạo không gian kết nối, tiêu thụ hàng hóa giữa các cơ sở, công ty, doanh nghiệp trong tỉnh, Sở Công thương tỉnh Sóc Trăng còn chủ động thông tin, mời gọi sở Công thương, Trung tâm xúc tiến thương mại các tỉnh có xây dựng sản thương mại điện tử cùng tham gia, phân phối sản phẩm lên sàn “soctrangtrande.vn”. Đến nay, tỉnh đã liên kết được với 13 sàn thương mại điện tử của nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Không gian kinh doanh đa dạng, phong phú trên nền tảng số đã mang đến những tín hiệu khá tích cực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong tỉnh chỉ sau thời gian ngắn tham gia đưa sản phẩm lên sàn. Tuy nhiên, do được đưa vào vận hành trong thời gian chưa lâu, còn là một kênh khá mới mẻ đối với nhiều kênh thương mại nổi tiếng hiện nay như lazada, shopee, tiki, sendo…, nên sàn thương mại điện tử của tỉnh vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định, như: Một số sản phẩm chưa có sự đầu tư, cải tiến về bao bì, nhãn hiệu so với các sản phẩm có cùng chủng loại nên khó thu hút người tiêu dùng; một số mặt hàng có giá thay đổi theo mùa vụ nên khó thực hiện việc niêm yết giá bán. Ông Hứa Trường Sơn - Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Sóc Trăng cũng cho biết để khắc phục những hạn chế này, đưa sàn thương mại điện tử của tỉnh hoạt động hiệu quả hơn trong thời gian tới, Sở sẽ nghiên cứu, tổ chức đi học hỏi kinh nghiệm mô hình xúc tiến thương mại thông qua sàn thương mại điện tử của các tỉnh để tăng cường liên kết, kết nối.

(2) Thảo luận về các khó khăn, vướng mắc và khuyến nghị giải pháp 

Qua trao đổi, thảo luận giữa Ban Biên tập và các bên liên quan tại Sóc Trăng có thể thấy đầu tư phát triển hạ tầng và dịch vụ logistics trên địa bàn Tỉnh còn nhiều khó khăn: Các tuyến quốc lộ qua địa bàn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiều cầu trên các tuyến đường tỉnh xuống cấp, tải trọng khai thác thấp, chưa đồng bộ; trong khi đó việc kêu gọi đầu tư xã hội hóa hệ thống hạ tầng logistics (kho, bến, bãi…) còn khó khăn.

Số lượng và tiềm lực của các doanh nghiệp logistics vẫn còn rất hạn chế và chủ yếu là các công ty vận tải hàng hóa.

Theo phân tích của bà Nguyễn Thị Vân Hà, thành viên Ban Biên tập, Sóc Trăng nổi tiếng về sản xuất gạo và các nông sản có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, tình hình chung hiện nay là logistics cho nông sản còn nhiều bất cập, năng lực đáp ứng dịch vụ logistics cho các doanh nghiệp nói chung và gạo nói riêng trên địa bàn tỉnh còn hạn chế. Đại diện các doanh nghiệp cho biết họ vẫn phải vận chuyển thủy sản bằng xe container, lúa gạo bằng xà lan, xe tải, chở hàng lên Tp. HCM để xuất khẩu, dẫn đến tăng chi phí và thời gian. Nhân sự làm về logistics trong các doanh nghiệp cũng còn thiếu và chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt trong những thời điểm thị trường trong nước và quốc tế biến động mạnh.


Chú thích ảnh: Xe chở nông sản từ Sóc Trăng được vận chuyển trên phà

Trước tình hình đó, ông Trần Thanh Hải, trưởng đoàn khảo sát cho biết trong thời gian tới, Ban Biên tập sẽ tích cực phối hợp, hỗ trợ Sở Công Thương và các đơn vị liên quan trong việc thực hiện được 3 mục tiêu quan trọng là: Thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực logistics (trước tiên là nhóm cán bộ, công chức, tiếp theo là các doanh nghiệp); Tập trung phát triển hạ tầng logistics và Kêu gọi đầu tư các trung tâm logistics cấp tỉnh (gồm trung tâm logistics tại cảng Trần Đề và tại TP. Sóc Trăng).

Hai thành viên trong Ban Biên tập đồng thời cũng đang phụ trách Ban Truyền thông của VALOMA là bà Nguyễn Thị Vân Hà và bà Trần Thị Thu Hương cũng cho biết sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ Sở Công Thương trong việc thiết kế các chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tiễn của Tỉnh.

Về khía cạnh tiếp cận thông tin và quảng bá, thu hút đầu tư, bà Đinh Thị Bảo Linh-Phó giám đốc Trung tâm Thông tin, Bộ Công Thương thành viên Ban biên tập báo cáo giới thiệu một số công cụ hỗ trợ Sở Công Thương và các doanh nghiệp trên trang logistics.gov.vn do Bộ Công Thương quản lý.

Với kinh nghiệm lâu năm về ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực logistics, ông Nguyễn Hoài Chung- nhà sáng lập và Giám đốc điều hành Phaata.com và bà Cao Cẩm Linh- trưởng ban Nghiên cứu của VALOMA, một chuyên gia lâu năm về giao nhận, chuyển phát đánh giá cao triển vọng ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics trên địa tỉnh Sóc Trăng. Đồng thời hai thành viên cho biết sẵn sàng hỗ trợ các Sở ngành cũng như các doanh nghiệp của Sóc Trăng tiếp cận các công cụ công nghệ thông tin hiện đại và mạng lưới các đối tác trong và ngoài nước để nắm bắt các cơ hội thị trường, nâng cao hiệu quả logistics.

Đặc biệt, nhận xét về phân khúc dịch vụ nhiều tiềm năng, ông Đào Trọng Khoa-
Phó chủ tịch Liên đoàn Giao nhận và Vận tại ASEAN, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho biết Sóc Trăng có những tiềm năng đáng lưu ý cho phân khúc dịch vụ “logistics dự án” trong thời gian tới.

Thực vậy, trên địa bàn tỉnh có một số dự án lớn đang được triển khai thực hiện: (1) Dự án thành phần 4 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng (giai đoạn 1) đây là dự án trọng điểm của Trung ương thực hiện trên địa bàn tỉnh do Ban Quản lý dự án 2 làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư là 11.961 tỷ đồng. Dự án có tổng chiều dài khoảng 188,2 km, trong đó, đoạn đi qua tỉnh Sóc Trăng có chiều dài khoảng 58,36 km, qua 4 huyện: Mỹ Tú, Mỹ Xuyên, Trần Đề và thành phố Sóc Trăng. Lễ khởi công Dự án được tổ chức vào ngày 17/6/2023. (2) Dự án Tuyến đường trục phát triển kinh tế Đông Tây, tỉnh Sóc Trăng (2021-2025).

Trong 6 tháng đầu năm 2023, thống kê có 03 công trình, dự án có năng lực mới tăng: Đường từ Ngã ba Chín Đô đến Quốc lộ Nam Sông Hậu tỉnh Sóc Trăng, có tổng mức đầu tư dự án là 187,29 tỷ đồng; Dự án Đường liên xã Ngọc Tố - Ngọc Đông (Đường huyện 51,55) huyện Mỹ Xuyên, có tổng mức đầu tư dự án 80 tỷ đồng; Dự án Nhà máy thủy sản Sao Ta, tổng mức đầu tư của dự án là 363,98 tỷ đồng. Các dự án thuộc ngành công nghiệp; dự án nhiệt điện và dự án điện gió khởi công năm 2018, 2019, 2020, 2021 đang được tiếp tục thực hiện.

Cùng ngày, Ban Biên tập đã khảo sát hoạt động logistics tại cảng cá Trần Đề cũng như tiềm năng phất triển của cảng nước sâu Trần Đề trong tương lai.



Chú thích ảnh: Ban Biên tập khảo sát tại cảng cá Trần Đề, tháng 6/2023

Theo đại diện của cảng Trần Đề, hàng hóa qua cảng hàng năm đạt 160 ngàn tấn/năm, trong đó có cá, thủy sản. Có cân để tính theo phí, có mức phí riêng cho cá và thủy sản. Hàng thủy sản thu phí cao hơn so với hàng hóa khác. Mỗi năm cảng phục vụ 5500-6000 ngàn lượt tàu khai thác thủy sản. Cảng nước sâu Trần Đề cách cảng cá Trần Đề khoảng 5km, có nhiều tiềm năng nhưng chưa được khởi công xây dựng.


 
Ban Biên tập Báo cáo Logistics Việt Nam năm 2023
 
THÔNG TIN BAN BIÊN TẬP
 
Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14 tháng 02 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 và quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22 tháng 02 năm 2021 sửa đổi, bổ sung Quyết định 200; nhằm tìm hiểu, khảo sát thực trạng dịch vụ logistics phục vụ công tác xây dựng Báo cáo Logistics Việt Nam 2023, Ban Biên tập Báo cáo đã thực hiện chuyến khảo sát tại Đồng bằng Sông Cửu Long (trong thời gian từ ngày 20-25/6/2023, tại các địa phương gồm Thành phố Cần Thơ, tỉnh Trà Vinh, tỉnh Sóc Trăng, tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau).

Các thành viên Ban Biên tập và Đoàn khảo sát gồm có: Ông Trần Thanh Hải- Phó Cục trưởng cục Xuất nhập khẩu, bà Nguyễn Mai Linh- trưởng phòng Thuận lợi hóa thương mại, bà Đặng Hồng Nhung- chuyên viên cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, Bà Đinh Thị Bảo Linh- Phó giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (VITIC), Bộ Công Thương, ông Phạm Hoài Chung, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, Bộ Giao thông vận tải, Ông Đào Trọng Khoa- Phó chủ tịch Liên đoàn Giao nhận và Vận tại ASEAN, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, Bà Cao Cẩm Linh, Trưởng Ban Nghiên cứu Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam, Bà Nguyễn Thị Vân Hà, Phó trưởng khoa, Khoa Đào tạo quốc tế, Trường đại học Giao thông vận tải, Bà Đinh Lê Hải Hà, Phó Viện trưởng Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường đại học Kinh tế quốc dân, Bà Trần Thị Thu Hương, Trưởng Bộ môn Logistics và Chuỗi cung ứng, Khao Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, Trường đại học Thương mại, Ông Nguyễn Hoài Chung, Chuyên gia logistics, Ban Nghiên cứu Đào tạo, Hiệp hội Logistics thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc Điều hành Sàn giao dịch Phaata.


THÔNG TIN THAM KHẢO:

(1) Phân tích và dự báo về thị trường logistics, chuỗi cung ứng quốc tế và trong nước, độ tin cậy của lịch trình, tình hình hoạt động tại các ga, cảng..., VUI LÒNG XEM TẠI ĐÂY

(2) THÔNG TIN VỀ BIẾN ĐỘNG CÁC CHỈ TIÊU LOGISTICS CỦA VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2015-2023, SO SÁNH VỚI KẾ HOẠCH, MỤC TIÊU, DỰ BÁO TRIỂN VỌNG, XEM TẠI ĐÂY
 
(3) 
THAM KHẢO THÔNG TIN THỊ TRƯỜNG LOGISTICS CHUỖI LẠNH VIỆT NAM VÀ THẾ GIỚI, MỚI NHẤT TẠI ĐÂY
 
Bản quyền thuộc về Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Điện thoại: (024) 37150530 | Fax: (024) 37150489
Giấy phép số 104/GP-TTĐT ngày 07/05/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Số người trực tuyến: 10
Số người truy cập: 6.016.837
Chung nhan Tin Nhiem Mang