Sử dụng máy bay không người lái trong giao hàng: Cuộc chơi "sang" của các ông lớn?
Sự phát triển của khoa học công nghệ, áp lực cạnh tranh về thời gian giao hàng trong khi vẫn phải kiểm soát được chi phí sản xuất đang khiến các hãng giao hàng phải đau đầu, ngay cả khi đó là những công ty lớn với tiềm lực vốn khó ai cạnh tranh được.
Gần đây trên thế giới, việc sử dụng máy bay không người lái (drone) cho việc giao hàng không còn là điều gì gây sốc.
Chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven nổi tiếng trên thế giới đã thực hiện 77 chuyến giao hàng bằng máy bay tự hành ở bang Nevada (Mỹ) từ tháng 11-2016. Tuy nhiên, đó là nhờ vào sự hợp tác với Flirtey, một công ty chuyên về dịch vụ giao hàng bằng máy bay tự hành, được biết đến thông qua cuộc hợp tác giao pizza cho Domino ở New Zealand và sách ở Úc. Hơn thế nữa, Flirtey còn là dịch vụ giao hàng bằng máy bay tự hành đầu tiên được Cục quản lý hàng không liên bang (Federal Aviation Administration – FAA) cấp giấy phép
Công ty chuyển phát UPS của Mỹ đang nỗ lực cải thiện chất lượng giao hàng đến khách hàng thương mại điện tử thông qua các cuộc thử nghiệm chuyển phát hàng bằng máy bay tự hành tại Lithia, Florida (Mỹ), bước đầu trong việc giao hàng tự động và có chi phí thấp hơn tại vùng sâu, vùng xa của nước Mỹ. Để khắc phục tình trạng chi phí giao hàng truyền thống gia tăng trong khi áp lực cạnh tranh lớn, khiến lợi nhuận không như mong muốn, việc sử dụng máy bay không người lái là một giải pháp. Nó cho phép gửi nhiều bưu phẩm đến điểm trung chuyển hơn là trực tiếp đến khách hàng cá nhân. Máy bay khởi hành từ nóc xe UPS và tự động bay đến đích, thả hàng rồi quay lại xe trong khi tài xế tiếp tục lộ trình giao hàng.
Ngoài ra, UPS cũng đang tìm kiếm các giải pháp công nghệ khác cho việc kiểm soát hàng tồn kho, giúp điều tra các máy bay và xe cộ bên trong nhà chứa hàng và kho. Tuy nhiên, tập đoàn này chưa có khung thời gian cụ thể khi nào đưa máy bay không người lái vào sử dụng rộng rãi hơn, một phần vì nhà chức trách liên bang vẫn đang xem xét các quy định có liên quan đến thiết bị này.
Amazon gần đây cũng quyết định tự phát triển các kênh giao hàng, thay vì chỉ thuê ngoài dịch vụ này như trước đây. Sử dụng may báy không người lái do đó cũng là một lựa chọn của họ. Hãng này đã thực hiện thành công các chuyến giao hàng bằng máy bay không người lái, vốn là một phần của chương trình “Amazon Prime Air”. Theo CEO Jeff Bezos, đây là chương trình có được sự chuẩn bị và đầu tư lớn từ Amazon. Công ty cũng khẳng định rằng trong tương lai gần, các máy bay không người lái của họ sẽ phổ biến như xe tải đi trên đường vậy. Amazon cho biết Prime Air là “một hệ thống giao hàng được xây dựng để chuyển các kiện hàng tới người tiêu dùng trong 30 phút hoặc ít hơn bằng cách sử dụng máy bay không người lái”.
Amazon kỳ vọng rằng Prime Air mang đến tiềm năng lớn cho hãng để cung cấp dịch vụ chuyển phát tới hàng triệu khách hàng với các ưu điểm là tốc độ nhanh hơn, đáng tin cậy hơn và có hiệu quả hơn các hình thức giao hàng truyền thống”. Các máy bay trong hệ thống Prime Air đều hoạt động một cách độc lập và tự động dựa trên phần mềm và tọa độ được xác định từ trước.
Máy bay không người lái (viết tắt UAV - Unmanned aerial vehicle) là tên gọi chỉ chung cho các loại máy bay mà không có phi côngở buồng lái và được điều khiển từ xa từ trung tâm. Loại máy bay này được dùng để phục vụ cho mục đích trinh thám quân sự, hoặc dân sự. Loại tổ hợp máy bay này có khả năng tự động hóa các hoạt động của máy bay cao, không đòi hỏi những trang thiết bị hàng không đặc chủng, giá thành khai thác sử dụng và bảo trì hệ thống để phục vụ lâu dài rẻ. Ứng dụng của UAV đối với đời sống đang tăng lên mạnh mẽ, từ quân sự cho đến khoa học, nông nghiệp, thương mại, giải trí,... Loại máy bay này được dùng để phục vụ cho mục đích trinh thám quân sự, hoặc dân sự, gần đây bắt đầu được sử dụng cho việc giao hàng của các hãng lớn.
VITIC tổng hợp.