Đang Tải Dữ Liệu....
Thứ ba, ngày 26 tháng 11 năm 2024
Vietnamese English

Báo cáo thị trường logistics Nhật Bản, Hàn Quốc tháng 7/2021 (miễn phí)

11/08/2021 16:26
Nhật Bản
    Già hóa dân số và dịch bệnh COVID-19 đang tạo ra những thách thức lớn chưa từng có cho thị trường lao động của Nhật Bản. Nguồn cung lao động sẵn sàng tham gia vào thị trường sụt giảm mạnh trong khi lĩnh vực thương mại điện tử bùng nổ đang gây áp lực lên các doanh nghiệp logistics chặng cuối.
    Các báo cáo thị trường cho thấy rằng 15-20% số đơn giao hàng tại nhà ở Nhật Bản không thành công trong lần đầu tiên. Do thiếu lao động nên ngày càng nhiều phụ nữ và người cao tuổi sẽ phải đi làm thay vì ở nhà như trước kia; các hộ gia đình độc thân gia tăng; xu hướng này khiến việc giao hàng tận nhà khó khăn hơn và logistics chiều ngược (reverse logistics) sẽ có tầm quan trọng hơn trong thời gian tới. 
    Các dịch vụ giao nhận mới cũng sẽ được nhân rộng, với các tính năng quản lý giao hàng tương tác (IDM), chẳng hạn như kiểm tra tình trạng giao hàng và chỉ định thời gian và phương thức giao hàng chính xác (nhận hàng tại cửa hàng tiện lợi, tủ khóa giao hàng hoặc giao hàng tận nơi).
    Theo số liệu từ Cơ quan Thống kê quốc gia Nhật Bản chỉ số phụ về vận tải trong CPI tăng nhẹ từ mức 96 trong tháng 5/2021 lên 96,1 trong tháng 6/2021. 
    Theo báo cáo từ Công ty nghiên cứu thị trường Descartes Datamyne của Hoa Kỳ, xuất khẩu hàng container từ Nhật Bản sang Hoa Kỳ tăng 45,9% so với một năm trước đó lên 45.954 TEU vào tháng 6/2021. 
    Tổng khối lượng các chuyến hàng container được vận chuyển giữa Nhật Bản và Hàn Quốc lên tới 152.500 TEU trong tháng 5/2021, tăng 2% so với cùng kỳ so với 149.600 TEU.
    Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản (MLIT) đã có những phản ứng đối với việc EU mở rộng Hệ thống Thương mại Khí thải của khối (EU-ETS). Hệ thống này được EU coi là một phần trong các biện pháp đối phó với biến đổi khí hậu, vốn đã được áp dụng trong lĩnh vực điện, nay đang được mở rộng sang lĩnh vực vận chuyển quốc tế. 
    Theo số liệu từ Bộ Đất đai, Hạ tầng, Vận tải và Du lịch Nhật Bản (Ministry of Land, Infrastructure, Transport and Tourism) trọng tải hàng hóa được vận chuyển bằng đường sắt của nước này đạt 2.797.306 tấn vào tháng 5 năm 2021, giảm so với 3.246.154 tấn vào tháng 4 năm 2021. 

Hàn Quốc
    Thị trường logistics Hàn Quốc trở nên sôi động trong quý II và quý III/2021 nhờ nước này đã kiểm soát tốt dịch bệnh và đang trong quá trình bùng nổ các giao dịch thương mại quốc tế. 
    Chỉ số phụ nhóm giao thông vận tải trong rổ hàng hóa, dịch vụ tính CPI của Hàn Quốc đã kéo dài đà tăng từ tháng 12/2020, đạt 105,64 trong tháng 6/2021 (năm gốc 2015=100), tháng trước đó được điều chỉnh còn 104,8 điểm. 
    Korean Air khai trương chuyến bay đầu tiên bằng máy bay chở khách được điều chỉnh để chỉ chở hàng trên đường bay Incheon-Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 3 năm 2020. Kể từ đó đến hết tháng 7/2021, hãng đã khai thác hơn 10.000 chuyến bay như vậy trên 65 đường bay đến Bắc Mỹ, Châu Âu, Đông Nam Á, Trung Quốc và Nhật Bản, vận chuyển 400.000 tấn trên toàn thế giới. Khoảng 40 tấn hàng hóa được vận chuyển mỗi chuyến (20 tấn mỗi chiều).
    Các lô hàng vận chuyển bằng container được giao dịch giữa Hàn Quốc với 8 quốc gia và khu vực châu Á khác đạt tổng cộng 1.748.200 TEU trong nửa đầu năm 2021, tăng 6% so với 6 tháng đầu năm 2020. 
    Những cải thiện đáng chú ý đã được ghi nhận đối với các container đến và đi từ Việt Nam, Hồng Kông (TQ) và Philippines, lần lượt tăng 12% lên 659.100 TEU, 11% lên 182.200 TEU và 25% lên 130.100 TEU. 
    Hàng nghìn nhà xuất khẩu Hàn Quốc đang phải cạnh tranh để có được suất vận chuyển hàng hóa của họ từ cảng Busan- cảng container bận rộn thứ 7 trên thế giới, nơi các bến cảng xử lý hơn 59.000 container mỗi ngày và đảm nhận khoảng 75% tổng lượng hàng vận chuyển của Hàn Quốc.
    Để giảm thiểu tổn thất cho bộ phận các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chính phủ mở rộng việc cấp tiền mặt để hỗ trợ các nhà xuất khẩu vừa và nhỏ bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng container này. 
    Ngoài ra, việc tăng cường ứng dụng công nghệ cũng được kỳ vọng sẽ giảm tải phần nào tình trạng ùn ứ ở cảng biển. Các tàu vận tải chở hàng nghìn container được ưu tiên dỡ hàng bằng cần cẩu tự động, sử dụng trí tuệ nhân tạo để tìm không gian cho container, qua đó giảm bớt các chi phí và thời gian chờ đợi tại các ga cảng, bến bãi. 
    HMM PSA New-port Terminal (HPNT) và nhà phát triển thiết bị phân phối tự động LeTech đã ra mắt thiết bị niêm phong kẹp chì container tự động đầu tiên của Hàn Quốc, sau một năm rưỡi nghiên cứu.

 
Để xem chi tiết vui lòng TẢI BÁO CÁO miễn phí
Bản quyền thuộc về Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Điện thoại: (024) 37150530 | Fax: (024) 37150489
Giấy phép số 104/GP-TTĐT ngày 07/05/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Số người trực tuyến: 14
Số người truy cập: 6.032.109
Chung nhan Tin Nhiem Mang