Đang Tải Dữ Liệu....
Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024
Vietnamese English

Thực trạng doanh nghiệp logistics trên địa bàn Hà Nội

05/03/2018 23:12

Theo thống kê của Sở Công Thương Hà Nội, hiện nay số lượng doanh nghiệp đăng ký hoạt động logistics trên địa bàn Hà Nội đạt khoảng 25.000 doanh nghiệp với các quy mô, cấp độ, loại hình, ngành nghề dịch vụ logistics khác nhau (trong đó số lượng doanh nghiệp đang hoạt động chính thức là 5.445 doanh nghiệp). 

Các doanh nghiệp logistics trên địa bàn Thủ đô được phân thành 3 nhóm chính là doanh nghiệp có vốn đầu tư nhà nước, doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân. Trong đó, doanh nghiệp tư nhân chiếm khoảng 80%.

 
Về quy mô:

Đa phần các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics trên địa bàn Hà Nội đều có quy mô nhỏ nên hạn chế về vốn, công nghệ và nhân lực. Ngoại trừ một số doanh nghiệp nhà nước và công ty cổ phần có số lượng lao động tương đối lớn (từ 100-300 nhân viên), số còn lại chỉ có trung bình từ 10-20 nhân viên, thậm chí có doanh nghiệp chỉ có từ 5-10 nhân viên.

Mức độ đáp ứng nhu cầu thị trường: 

Theo nghiên cứu của Viện Nomura (Nhật Bản), các doanh nghiệp logistics trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 25% nhu cầu thị trường. Theo VIFFAS ( Hiệp hội các nhà giao nhận vận tải Việt Nam), tính đến năm 2012, thực chất chỉ có khoảng gần 10% doanh nghiệp hoạt động trong ngành giao nhận kho vận, logistics là thực sự cung cấp các dịch vụ logistics. Bên cạnh đó, hầu như không có một nhà cung cấp dịch vụ logistics nào cung cấp được dịch vụ vận chuyển xuyên suốt trên toàn lãnh thổ Việt Nam kết nối với thị trường quốc tế với chi phí cạnh tranh, mà phải qua các nhà cung cấp dịch vụ của từng chặng. Trong khi đó, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (liên doanh, 100% vốn nước ngoài) đã giành được khoảng 70% thị trường nhờ tính chuyên nghiệp, mạng lưới rộng khắp và ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại. 

Hơn nữa, hầu hết doanh nghiệp logictics Việt Nam đóng vai trò là nhà cung cấp dịch vụ vệ tinh đơn giản như làm thủ tục hải quan, cho thuê phương tiện vận tải, kho bãi... cho các công ty logistics có vốn đầu tư nước ngoài. Mặt khác, hoạt động kho bãi của các doanh nghiệp này còn yếu do chưa đầu tư phát triển hệ thống kho bãi. Không nhiều công ty có các hoạt động giá trị gia tăng tại kho bao gồm các dịch vụ đóng gói, đóng kiện (Packing), đóng pallet (Palletizing)… mà chủ yếu mua bán cước tàu biển, cước máy bay, đại lý khai hải quan và dịch vụ xe tải, một số có thực hiện dịch vụ kho vận nhưng không nhiều.
 
Một số tập đoàn logistics lớn trên thế giới đã có mặt ở Việt Nam và hoạt động rất hiệu quả như: Kunhe Nagel, Schenker, Bikar, APL logistics, TNT logistics, NYK logistics,..., bên cạnh đó là những liên doanh như First Logistics Development Company.

Đây không chỉ là những thách thức lớn cho các doanh nghiệp logistics Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung mà còn cả với các cơ quan nhà nước trong công tác quản lý và phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn Thành phố.

Về ứng dụng công nghệ

Theo khảo sát của Sở Công Thương Hà Nội, hầu hết các doanh nghiệp có hoạt động logistics tại thành phố Hà Nội mới chỉ sử dụng các công cụ công nghệ thông tin cơ bản như điện thoại, tin nhắn SMS, thư điện tử, fax, website, mạng LAN, WAN. Đây là các công cụ đơn giản, dễ sử dụng, chi phí lắp đặt không cao. Bên cạnh các công cụ căn bản, logistics Hà Nội cũng sử dụng các công cụ hiện đại như trao đổi dữ liệu điện tử EDI (Electronic Data Interchange), công cụ về mã số, mã vạch, công nghệ nhận dạng bằng sóng radio RFID (Radio Frequency Identification), hệ thống quản trị doanh nghiệp tích hợp ERP (Enterprise - Resource - Planning)… nhưng rất hạn chế, chỉ ở một số doanh nghiệp lớn.

Chính vì các hạn chế trên nên đến nay phần lớn các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics tại Hà Nội vẫn chủ yếu đóng vai trò vệ tinh cho các công ty logistics nước ngoài hoặc là chi nhánh của các công ty logistics tại Hồ Chí Minh. Mặc dù các dịch vụ của các công ty này đã phong phú hơn khi có cả các hoạt động giá trị gia tăng nhưng lại chỉ đảm nhận một số công đoạn trong chuỗi hoạt động logistics vốn là một quy trình hoàn chỉnh gồm toàn bộ các hoạt động liên quan tới cung ứng, vận chuyển, theo dõi sản xuất, kho bãi, hải quan, làm thủ tục phân phối. Các dịch vụ phổ biến là dịch vụ giao nhận vận tải, kho bãi, khai báo hải quan, cho thuê phương tiện vận tải; chỉ một số ít doanh nghiệp cung cấp loại dịch vụ gia tăng.

Các doanh nghiệp logistics mới chỉ phục vụ được 18% tổng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu.  


Trên thực tế hiện nay, các công việc liên quan đến hoạt động logistics ở nước ngoài đều phải thực hiện thông qua đại lý hay trung gian do doanh nghiệp logistics Việt Nam chưa có văn phòng đại diện ở nước ngoài, khiến chi phí logistics bị đẩy lên cao, trong khi thị phần lại nhỏ. Những doanh nghiệp có khả năng cung cấp dịch vụ trọn gói thường là các nhà cung ứng dịch vụ logistics có vốn đầu tư nước ngoài và các tập đoàn đa quốc gia, với cách thức tổ chức và quản lý hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả, cùng những mối liên kết, liên minh quốc tế chặt chẽ. Việc các nhà cung cấp logistics hàng đầu trên thế giới liên tục xâm nhập vào thị trường dịch vụ logistics nước ta khiến cho sự cạnh tranh giữa các công ty trong và ngoài nước gia tăng quyết liệt, phần yếu thế thuộc về các doanh nghiệp trong nước, nhất là trước xu hướng hội nhập ngày càng sâu rộng, đòi hỏi Chính phủ và Thành phố cần có các chính sách hỗ trợ phát triển cho các doanh nghiệp logistics (LSP) trong nước nói chung và trên địa bàn Hà Nội nói riêng.

Thực tế đòi hỏi các công ty cung cấp dịch vụ logistics ngày càng nỗ lực cải thiện và nâng cao chất lượng dịch vụ của mình, bổ sung những dịch vụ hỗ trợ cho hoạt động logsitics như theo dõi lịch trình lô hàng, tăng hiệu quả và năng suất trong việc gửi hàng, nhằm toàn diện hoá các dịch vụ cung cấp. Các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics thực hiện thủ tục hải quan chính xác và nhanh gọn hơn, giúp tiết kiệm tối đa thời gian và công sức của khách hàng.
 

VITIC tổng hợp theo Đề án "Quản lý và phát triển hoạt động logistics trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2025"
Bản quyền thuộc về Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Điện thoại: (024) 37150530 | Fax: (024) 37150489
Giấy phép số 104/GP-TTĐT ngày 07/05/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Số người trực tuyến: 14
Số người truy cập: 6.225.866
Chung nhan Tin Nhiem Mang