Vai trò quan trọng của hệ thống kho lạnh trong xuất khẩu thủy sản
23/02/2018 10:34
1.Tình hình xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2017 và triển vọng
Thủy sản là một sản phẩm đem lại giá trị cao về kinh tế, đồng thời cũng có yêu cầu rất cao về hệ thống bảo quản, vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là cho hàng xuất khẩu.
Năm 2017, xuất khẩu thủy sản sang hầu hết các thị trường có kim ngạch tăng trưởng mạnh, trừ thị trường Hoa Kỳ, Australia và Nga bị giảm nhẹ. Xuất khẩu của VN trong năm 2017 đạt trên 8,3 tỉ USD, tăng 19% so với năm 2016 và là mức cao nhất từ trước đến nay.
Kim ngạch nhóm hàng thủy sản xuất khẩu tháng 1/2018 ước đạt 600 triệu USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước tương ứng 50 triệu USD. Trong đó, do lượng tăng làm kim ngạch tăng 8,4% tương ứng 47 triệu USD và do giá tăng 0,6% tương ứng với kim ngạch 3 triệu USD. Như vậy kim ngạch thủy sản xuất khẩu tháng 1/2018 tăng so với cùng kỳ năm 2017 do cả 2 yếu tố lượng và giá cùng tăng. Trong đó, yếu tố lượng tác động nhiều hơn yếu tố giá tới kim ngạch tăng.
Các thị trường đối tác của ngành thủy sản Việt Nam chủ yếu là các thị trường ở xa về địa lý và có yêu cầu rất khắt khe về bảo quản và vệ sinh an toàn thực phẩm. trong năm 2017, Tốp 4 thị trường xuất khẩu thủy sản hàng đầu của Việt Nam đã có sự thay đổi, lần lượt là EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và có sự thay đổi vị trí đầu giữa Hoa Kỳ và EU. Xuất khẩu thủy sản sang EU ước đạt 1,47 tỷ USD, tăng 21,2% so với năm 2016. Đây là lần đầu tiên EU vượt qua Hoa Kỳ để trở thành thị trường xuất khẩu thủy sản hàng đầu của Việt Nam. Sự tăng trưởng xuất khẩu ở thị trường EU chủ yếu là nhờ mặt hàng tôm, còn xuất khẩu cá tra sang thị trường này vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục.
Đối với thị trường Nhật Bản, nhờ đồng Yên tăng giá khiến nhu cầu nhập khẩu tăng và tạo thuận lợi cho xuất khẩu của Việt Nam. Do vậy, xuất khẩu thủy sản sang thị trường này trong năm 2017 liên tục tăng trưởng 2 con số với tổng doanh số đạt 1,3 tỷ USD, tăng hơn 18% so với năm 2016.
Trong năm 2017, Trung Quốc đã vượt Hoa Kỳ trong tốp thị trường nhập khẩu cá tra và tôm của Việt Nam. Trung Quốc hiện đang dẫn đầu các thị trường nhập khẩu cá tra của Việt Nam và là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 3 sau EU và Nhật Bản. Đây tiếp tục là thị trường quan trọng và tiềm năng cho doanh nghiệp thủy sản trong thời gian tới, khi xuất khẩu sang EU và Hoa Kỳ gặp trở ngại về thuế chống bán phá giá và rào cản kỹ thuật.
Ngược lại với các thị trường trên, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong năm 2017 sang Hoa Kỳ giảm nhẹ 4,9% so với năm 2016, chủ yếu là do áp lực từ chương trình thanh tra cá da trơn (có hiệu lực từ 1/8/2017) và thuế chống bán phá giá cao. Riêng xuất khẩu cá tra sang thị trường này giảm tới 10% so với năm trước.
Từ khó khăn và thuận lợi trong năm 2017, VASEP nhận định năm 2018, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam được dự báo tiếp tục tăng trưởng tích cực nhờ sản phẩm tôm và sự linh hoạt xuất khẩu sang các thị trường lớn khác như: Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Dự báo xuất khẩu thủy sản năm 2018 sẽ đạt trên 8,5 tỷ USD, tăng khoảng 3% so với năm 2017.
2. Những yêu cầu về hệ thống kho lạnh cho xuất khẩu thủy sản :
Đối với thủy sản, kho lạnh bảo quản là một trong những mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng và đóng góp vai trò đặc biệt vào khả năng đảm bảo chất lượng của sản phẩm. Điều kiện bảo quản của kho quyết định đến chất lượng của sản phẩm thủy sản. Nhất là trong những khu vực sản xuất thủy sản để xuất khẩu, việc bảo quản và chất lượng sản phẩm được yêu cầu rất cao.
Bảo quản lạnh thủy sản
Thủy sản có những yêu cấu rất đặc trưng trong việc thiết kế kho. Các đặc trưng kho lạnh thủy sản :
- Sản phẩm thuỷ sản đông lạnh trước khi đưa vào bảo quản ở kho lạnh phải đạt nhiệt độ – 180C ở tâm sản phẩm.
- Nhiệt độ kho lạnh phải đạt ổn định ở – 200C ± 20C; nhiệt độ tâm sản phẩm phải đạt –180C hoặc thấp hơn.
- Được bao gói phù hợp và ghi nhãn theo quy định.
- Không bảo quản thuỷ sản lẫn với các thực phẩm khác, trường hợp cá biệt nếu bảo quản thực phẩm khác trong kho lạnh thuỷ sản thì các thực phẩm này phải được bao gói kín, xếp lô riêng và không là nguồn lây nhiễm cho thuỷ sản.
- Cần đảm bảo yếu tố vệ sinh của kho lạnh, đây là yêu cầu chung đối với các loại kho lạnh và riêng với kho thủy sản – sản phẩm dễ bị hỏng, yêu cầu này càng cần được đảm bảo tốt nhất.
- Đèn chiếu sáng trong kho lạnh, phòng bao gói lại và phòng đệm phải đảm bảo đủ cường độ, an toàn và có chụp bảo vệ. Cường độ sáng ở mức thích hợp để sử dụng và không ảnh hưởng đến việc bảo quản sản phẩm.
- Giá kệ hàng được làm bằng vật liệu bền, không độc, không gỉ, không ngấm nước, có cấu trúc chắc chắn, được thiết kế thuận tiện cho việc bốc dỡ, dễ làm vệ sinh, đẩm bảo tính thông thoáng khi xếp hàng.
- Quá trình bốc dỡ và vận chuyển sản phẩm ra hoặc vào kho lạnh phải sử dụng thiết bị phù hợp để bốc dỡ, vận chuyển sản phẩm nhẹ nhàng, nhanh chóng, tránh ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và tránh sự tăng nhiệt độ trong kho.
- Thiết bị theo dõi đặt ở những vị trí dễ quan sát.
- Có phần mềm quản lý theo dõi từ xa thông qua mạng internet.
Một kho đông lạnh thủy sản
Với những tiêu chuẩn khắt khe như vậy nên mặc dù nhu cầu cao nhưng tính đến thời điểm này mới có một số ít doanh nghiệp tham gia vào thị trường này, nhưng chưa công ty nào cung cấp được chuỗi dịch vụ cung ứng đầy đủ. Trong khi các doanh nghiệp trong nước chủ yếu xây dựng kho lạnh phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh của chính họ như Thủy sản Hùng Vương, Satra, thì các dịch vụ kho lạnh chuyên nghiệp, « full option » chủ yếu do các doanh nghiệp ngoại dẫn đầu thị trường bởi tận dụng tốt đội ngũ chuyên nghiệp và trang thiết bị hiện đại. SWIRE là một trong những nhà cung cấp kho lạnh nước ngoài đầu tiên thâm nhập vào thị trường Việt nam từ năm 1998 với đội ngũ quản lý chuyên nghiệp cũng như trang thiết bị hiện đại tại thời điểm đó. Những doanh nghiệp khác có thể kể đến LOTTE Sea và Preferred Freezer Services.
VITIC tổng hợp/