Đang Tải Dữ Liệu....
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024
Vietnamese English

Tình hình hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ logistics tại Việt Nam

25/10/2017 23:32
(phân tích)

1. Tình hình chung về hạ tầng công nghệ thông tin tại Việt Nam:

Hạ tầng công nghệ thông tin tại Việt Nam đã được cải thiện đáng kể trong những năm gần đây. Việt Nam được đánh giá là nước có mật độ phổ biến dịch vụ viễn thông cao so với các nước trên thế giới. Năm 2017, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai cấp phép cung cấp dịch vụ 4G cho 4 nhà mạng. Các nhà mạng cũng đang nhanh chóng triển khai hạ tầng để đi vào hoạt động, phát triển di động băng rộng nhằm đẩy mạnh việc phát triển Internet kết nối vạn vật. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến cuối tháng 9/2017, số thuê bao Internet băng rộng cố định ước tính đạt 10,5 triệu thuê bao, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2016. tổng số thuê bao điện thoại ước tính đạt 120,4 triệu thuê bao, trong đó số thuê bao di động đạt 113,2 triệu thuê bao. Năm 2017, thông tin di động đã có bước phát triển mới với việc các nhà cung cấp dịch vụ triển khai mạng 4G-LTE trên băng tần 1800MHz khắp cả nước.
Từ giữa năm 2017, năng lực đổi mới sáng tạo Việt Nam tăng 12 bậc, lần đầu đứng thứ 47 trên thế giới, trong đó kể đến sự đóng góp của CNTT. Chỉ số về Chính phủ điện từ công bố tháng 7/2017 Việt Nam tăng 10 bậc (đứng thứ 89). Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những nỗi lo là Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về vấn nạn spam, mã độc tấn công mạnh trong các doanh nghiệp, cơ quan… 

2. CNTT phục vụ logistics:

Theo khảo sát nhỏ của VLA thực hiện trong năm 2017 về Hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) trong các doanh nghiệp logistics, các doanh nghiệp thực hiện khảo sát cho biết:
  • Công nghệ thông tin đã có bước phát triển giúp đa dạng kênh bán hàng và phân phối đến người tiêu dùng được thuận tiện hơn
  • Phương pháp EDI để gửi và nhận dữ liệu thông tin giữa các doanh nghiệp logistics và hải quan mới được áp dụng và chưa đạt hiểu quả. Vấn đề định vị vị trí phương tiện vận tải GPS cũng chưa được đem lại hiệu quả tối đa đối với vận hành các phương tiện vận tải đường bộ
  • Hạ tầng CNTT rất quan trọng nhưng chưa được quan tâm đúng mức và chưa có kết nối, thiếu nhiều ứng dụng và không đồng bộ;
  • Hạ tầng CNTT có cải thiện nhưng chưa như mong đợi;
  • Hạ tầng CNTT tạm ổn trong quy mô nhỏ nhưng sẽ không theo kịp sự phát triển của thương mại điện tử.
Năm yếu tố rủi ro chính đối với logistics Việt Nam theo chuyên gia IT Kwon Hyukpeel chủ tịch công ty giải pháp AFR Solution Co., Ltd Japan, trong xu thế môi trường cạnh tranh và biến đổi không ngừng như hiện nay là:
  • Nhiều đối thủ cạnh tranh đến từ các nước công nghệ phát triển: Trong 2 năm vừa qua ghi nhận hơn 100 công ty forwarder của Hàn Quốc mở văn phòng đại diện tại Việt Nam; trong khi số doanh nghiệp kinh doanh logistics đăng ký hoạt động trên địa bàn Thủ đô của Sở Công Thương Hà Nội là khoảng 480 doanh nghiệp quy vừa và nhỏ.
  • Tỉ suất lợi nhuận thấp hơn so với tại các thị trường phát triển (Theo các nghiên cứu chính thức, tỉ suất lợi nhuận ngành logistics trong các thị trường phát triển sẽ ở mức dưới 5%, trong các  DN logistics do chỉ phụ trách những dịch vụ đơn giả và khả năng cạnh tranh thấp nên tỉ suất lợi nhuận thấp hơn).
  • Yêu cầu về chất lượng cao hơn, nếu các DN Việt Nam không đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng của đối tác trong và ngoài nước sẽ nhanh chóng đánh mất thị phần.
  • Khối lượng công việc lớn hơn: Khối lượng công việc mà một DN logistics phải đảm nhận sẽ tăng lên, đòi hỏi việc nhanh chóng áp dụng KHCN và công nghệ quản lý hiện đại để đảm bảo các tiêu chí về tiến độ, chất lượng và hạn chế sai sót.
  • Và cuối cùng là nhu cầu về thu nhập của người lao động cao hơn: Trong thời gian tới, lao động giá rẻ sẽ không còn là lợi thế lớn của Việt Nam. Lương cơ bản tăng và yêu cầu về thu nhập cao hơn của người lao động, đặc biệt là lao động trong lĩnh vực dịch vụ cũng là một thách thức lớn đối với các DN.
Khảo sát chuyên sâu và ứng dụng hệ thống CNTT tại một số doanh nghiệp đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh cho thấy, các doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng của ứng dụng IT đối với ngành logistics, tuy nhiên, do tỉ suất đầu tư lớn dẫn đến các hạng mục IT của doanh nghiệp (Hệ thống quản lý giao nhận (FMS), quản lý vận tải (TMS), quản lý kho hàng (WMS), quản lý nguồn lực (ERP) được thực hiện manh mún, không mang tính hệ thống được tiến hành đầu tư theo các nhu cầu của từng bộ phận nghiệp vụ riêng biệt và được cung cấp bởi các công ty giải pháp khác nhau. Các ứng dụng điện toán đám mây cũng còn rất mới với các doanh nghiệp dịch vụ logistics, và đa số các hệ thống ứng dụng IT trong nước không đủ điều kiện kết nối các các hệ thống IT bên ngoài cũng như đảm bảo an toàn an ninh mạng trong yêu cầu dịch vụ toàn cầu.
Số lượng nhà cung cấp giải pháp công nghệ thông tin logistics chuyên nghiệp trong nước là quá ít, quy mô nhỏ, thực tế không có thương hiệu uy tín nào và số doanh nghiệp đang hoạt động tích cực hay có giải pháp ứng dụng được là chưa tới 10 đơn vị. Làn sóng khởi nghiệp đã lan tỏa tới ngành logistics, nhưng các công ty khởi nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn về vốn và nhân lực. Bản thân các công ty logistics khi tìm kiếm giải pháp ứng dụng cũng gặp nhiều trở ngại do năng lực cung cấp giải pháp và bảo đảm hỗ trợ kỹ thuật chưa chắc chắn. Các hạn chế của hạ tầng công nghệ thông tin logistics cấp vĩ mô bao gồm các vấn đề sau:
- Hạ tầng thông tin và trình độ công nghệ thông tin (CNTT) của Việt Nam tuy đã phát triển, cung cấp dịch vụ cho nhiều ứng dụng dân dụng và xã hội, tuy nhiên còn thiếu nhiều ứng dụng chuyên ngành, nhất là cho logistics. Thách thức lớn nhất hiện nay là vốn đầu tư hạ tầng và khả năng quản lý vận hành, bảo trì sửa chữa - trình độ chuyên môn của nhân viên.
- Trong lĩnh vực giao thông vận tải là lĩnh vực mà thông tin chuyên ngành logistics được quan tâm nhiều nhất, hiện nay thông tin liên kết giữa các nhà cung cấp dịch vụ cùng phương thức và giữa các phương thức vận tải chưa được thực hiện. Các ứng dụng tận dụng nguồn lực phương tiện mới bắt đầu gần đây với vận tải hành khách và một vài "sàn giao dịch vận tải" nhưng chưa giải quyết được những vấn đề thực tế phát sinh
- Hệ thống thông tin hàng hóa xuất nhập khẩu quản lý bởi Tổng cục Hải quan được duy trì ổn định và đã tiến đến ứng dụng Hải quan điện tử, Cơ chế Một cửa Quốc gia. Tuy vậy, nhu cầu kết nối với nhiều bên liên quan hơn, hệ thống Cổng thông tin Một cửa Quốc gia giữa cơ quan hải quan, thuế, cơ quan quản lý chuyên ngành và người khai hải quan đang là một vấn đề cấp thiết.
- Chính phủ chưa thực sự quan tâm đầu tư nghiên cứu ứng dụng hay phát triển sản phẩm nào trong lĩnh vực công nghệ thông tin logistics.
- Về đào tạo, ngoại trừ trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh được trang bị hệ thống mô phỏng thiết bị điều khiển hàng hải, Đại học Hàng hải (Hải Phòng) có phòng mô phỏng kho hàng, các trường đại học chưa có phòng thí nghiệm, thực nghiệm các giải pháp logistics và quản lý chuỗi cung ứng, dịch vụ hỗ trợ gom hàng chặng đầu, giao hàng chặng cuối cho thương mại điện tử - vốn là các hệ thống thiết thực hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho ngành logistics hiện nay.
Nền tảng hơn nữa là các hệ thống hạ tầng cơ sở dữ liệu và đường truyền dữ liệu lớn, làn sóng cạnh tranh kế tiếp sẽ dựa trên năng lực làm chủ hạ tầng này. Đó là nền tảng của Chính phủ điện tử hay "quốc gia thông minh". Xu thế hiện nay công nghệ đám mây sẽ là nền tảng số một sử dụng để phát triển các ứng dụng CNTT cho logistics.
- Các hệ thống hỗ trợ dịch vụ hàng hóa hàng không như vận đơn điện tử (e-Airway Bill), Mạng lưới dịch vụ hàng hóa (Cargo Community Network),... chưa được đồng bộ và đầu tự theo chiều sâu.
- Trong lĩnh vực kho bãi, hệ thống phân phối: chưa có một hệ thống kết nối dịch vụ để cộng đồng logistics cũng như người sử dụng dịch vụ khai thác nhằm tối ưu hóa nguồn lực hạ tầng kho bãi, tồn trữ, phân phối. Rất nhiều kho hàng không có hệ thống quản lý dịch vụ kho hàng chuyên nghiệp, dịch vụ gia tăng giá trị, hỗ trợ quản lý điều hành theo mô hình 3PL.
Tóm lại, các ứng dụng hiện đại của logistics sẽ đòi hỏi khả năng lưu trữ và truyền tải thông tin gói lớn, tốc độ cao, an ninh vững, với giá thấp. Do đó, cần có có những biện pháp tức thời cho việc khai thác các ứng dụng đã có đồng thời đào tạo chuyên gia, xây dựng nền tảng công nghệ như hạ tầng thông tin và truyền thông mới cho tương lai gần.

VITIC tổng hợp và phân tích
 

 
Bản quyền thuộc về Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Điện thoại: (024) 37150530 | Fax: (024) 37150489
Giấy phép số 104/GP-TTĐT ngày 07/05/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Số người trực tuyến: 5
Số người truy cập: 4.341.334
Chung nhan Tin Nhiem Mang