Đang Tải Dữ Liệu....
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024
Vietnamese English

Công nghệ blockchain tạo thuận lợi cho truy xuất và tiêu thụ nông sản Việt

23/10/2018 15:57

Blockchain là công nghệ lưu trữ và truyền tải thông tin bằng các khối được liên kết với nhau và mở rộng theo thời gian. Mỗi khối chứa đựng các thông tin về thời gian khởi tạo và được liên kết với các khối trước đó. 

Blockchain được thiết kế để chống lại sự thay đổi dữ liệu. Thông tin trong blockchain không thể bị thay đổi và chỉ được bổ sung thêm khi có sự đồng thuận của tất cả các nút trong hệ thống. Ngay cả khi nếu một phần của hệ thống blockchain đổ, những máy tính và nút khác sẽ tiếp tục hoạt động để bảo vệ thông tin. 

Đặc biệt blockchain có khả năng truyền tải dữ liệu mà không đòi hỏi trung gian để xác nhận thông tin. Hệ thống blockchain bao gồm nhiều nút độc lập có khả năng xác thực thông tin.

Với những đặc thù này, các chuyên gia cho rằng, công nghệ này mở ra một xu hướng ứng dụng tiềm năng cho nhiều lĩnh vực như tài chính ngân hàng, bán lẻ, vận chuyển hàng hóa, sản xuất, viễn thông. Tuy nhiên, xu hướng áp dụng lớn nhất hiện nay trên thế giới cũng như ở Việt Nam sẽ là mảng tài chính, ngân hàng, kiểm toán nội bộ.

Trong lĩnh vực vận chuyển hàng hóa, với công nghệ này, một người nhập có thể chia sẻ thông tin cho nhiều đơn vị trong cùng một mạng lưới được xây dựng. Ví dụ khi hàng hóa được chuyển từ hải quan Mỹ đến hải quan Việt Nam, khi hàng hóa chuyển đến đâu thì tất cả những thành viên tham gia mạng blockchain đều có thể theo dõi tình trạng hàng hóa và biết cụ thể thời gian đến. 

Trong lĩnh vực bán lẻ hay nông nghiệp, blockchain sẽ phục vụ hiệu quả cho việc truy xuất nguồn gốc để biết rõ các sản phẩm, hàng hóa được nhập khẩu, sản xuất từ đâu. 

Công nghệ blockchain tăng tính minh bạch cho các loại nông sản tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, từ đó thúc đẩy sản xuất và thương mại bền vững cho nông sản Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh khốc liệt trên cả thị trường trong nước và quốc tế.

Theo Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, việc nước ngoài yêu cầu truy xuất nguồn gốc nông sản không phải là chuyện mới, mà họ đã làm từ lâu. Không chỉ các thị trường khó tính như Nhật Bản, Australia, Hoa Kỳ…, mà nay, thị trường dễ tính như Trung Quốc cũng có yêu cầu về truy xuất nguồn gốc. Trong thời đại công nghiệp 4.0 nên vấn đề truy xuất nguồn gốc cũng phải hướng đến số hóa, công nghệ cao.  

 

Công nghệ blockchain có 2 tiêu chí là minh bạch và bất biến, đây sẽ là cơ hội sàng lọc, phân loại rõ ràng giữa người làm đúng và không đúng, bởi với doanh nghiệp làm đúng, họ sẵn sàng đưa ra các thông tin trong quá trình sản xuất đến người tiêu dùng.

Áp dụng công nghệ tối ưu này, mới đây những lô hàng thanh long sử dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc Dragon fruit được xây dựng trên nền tảng công nghệ blockchain đầu tiên được cấp phép xuất khẩu sang Australia, đánh dấu bước tiến mới của ngành nông nghiệp Việt Nam trong việc mở rộng thị trường tiêu thụ. Với phần mềm truy xuất nguồn gốc này, người tiêu dùng Autralia có thể biết rõ tất cả công đoạn trong chuỗi cung ứng, từ sản xuất đến tiêu dùng của trái thanh long Việt Nam.

Là doanh nghiệp đã sử dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc Dragon fruit, ông Phạm Hoài Tâm đến từ Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit (Long An) cho biết, sau khi áp dụng phần mềm nói trên cho các lô hàng xuất khẩu, sản phẩm của Công ty dễ dàng hơn trong việc tiếp cận thị trường, đặc biệt là các thị trường khó tính. Đồng thời, quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng được nhanh chóng và hiệu quả.

Công nghệ blockchain với những ưu thế sẵn có đã được áp dụng rộng rãi trên thế giới. Walmart - tập đoàn bán lẻ lớn nhất thế giới, vừa yêu cầu các nhà cung cấp áp dụng phương thức truy xuất nguồn gốc bằng công nghệ này, nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm. Lộ trình Walmart đưa ra cho các nhà cung cấp trực tiếp là cuối tháng 1/2019 và cuối tháng 9/2019 cho toàn bộ chuỗi cung ứng. Sau Walmart, các chuỗi bán lẻ lớn tại châu Âu, Australia cũng đang chuẩn bị áp dụng blockchain trong truy xuất nguồn gốc. Đây là yêu cầu tất yếu cho các sản phẩm nông nghiệp Việt nếu muốn tham gia sân chơi toàn cầu.

VITIC tổng hợp

 
Bản quyền thuộc về Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Điện thoại: (024) 37150530 | Fax: (024) 37150489
Giấy phép số 104/GP-TTĐT ngày 07/05/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Số người trực tuyến: 4
Số người truy cập: 4.353.744
Chung nhan Tin Nhiem Mang