Đang Tải Dữ Liệu....
Thứ bảy, ngày 5 tháng 10 năm 2024
Vietnamese English

Vì sao các hãng bán hàng trực tuyến phải xây kênh giao nhận riêng?

24/11/2017 10:24

1. Thị trường bán lẻ trực tuyến đang phát triển sôi động trên phạm vi ngày càng rộng hơn.

Các công ty thực phẩm hàng đầu của Mỹ như Campbell Soup, Conagra Brands, Kraft Heinz cũng như nhiều hãng thực phẩm khác cho biết họ đang đẩy mạnh việc đầu tư xây dựng kênh bán hàng trực tuyến, thuê các chuyên gia thương mại điện tử và tiến hành các cuộc điều chỉnh đối với chuỗi cung cấp cùng hệ thống phân phối để phục vụ các nhu cầu mua sắm trực tuyến. Điều này đồng nghĩa với việc nhu cầu giao hàng cho các sản phẩm bán lẻ sẽ tăng nhanh chóng trong thời gian tới. 

Công ty Mondelez International đã tuyển dụng một vị phó chủ tịch phụ trách thương mại điện tử toàn cầu, để thúc đẩy hơn nữa việc bán hàng qua mạng đối với các sản phẩm thức ăn nhẹ vốn còn chưa phát triển trong xu hướng thương mại điện tử, hiện tại chỉ chiếm khoảng 2% tổng doanh số thực phẩm bán trực tuyến ở Mỹ và 15% ở Trung Quốc. Mondelez International đang thử nghiệm nhiều chiến lược khác nhau để thúc đẩy doanh số bán hàng trực tuyến, bao gồm việc tung ra các gói dịch vụ thành viên trên Amazon.com, nơi khách hàng có thể mua các sản phẩm với giá thấp hơn, ví dụ như bánh quy ăn sáng belVita, với điều kiện khách phải đăng ký đặt mua tự động lần sau. Mondelez International đặt mục tiêu đạt doanh thu bán hàng qua kênh thương mại điện tử ít nhất là 1 tỉ đô la vào năm 2020, tăng gấp ba so với mức 300 triệu đô la hiện nay.

Campbell Soup gần đây cũng thành lập bộ phận kinh doanh thương mại điện tử ở khu vực Bắc Mỹ và tuyển dụng Shakeel Farooque, một vị lãnh đạo kỳ cựu ở Amazon và eBay, về làm giám đốc bộ phận này.

Ngoài việc hợp tác với các nhà bán lẻ để tăng thêm doanh thu bán hàng trực tuyến, Campbell Soup còn đầu tư xây dựng một mạng lưới các trung tâm phân phối tại nhiều bang ở Mỹ, bao gồm Texas và Ohio, để phục vụ các khách hàng trực tuyến tốt hơn. Công ty này đặt mục tiêu đạt 300 triệu đô la doanh thu bán hàng trực tuyến trong năm năm tới.

2. Các hãng bán lẻ lớn tự đầu tư kênh giao nhận để thỏa mãn nhu cầu khách hàng

Chi phí của việc giao hàng chặng cuối chiếm đến 28% tổng chi phí vận chuyển hàng hóa bao gồm vận chuyển bằng máy bay, tàu biển. Đây là công đoạn rất quan trọng trong quy trình hoàn thiện đơn hàng. Dịch vụ giao nhận hàng chặng cuối tốt sẽ củng cố danh tiếng của nhà bán lẻ và ngược lại.

Theo kết quả cuộc khảo sát của hãng nghiên cứu thị trường YouGov vào năm ngoái, có đến 74% số người mua sắm ở Anh cho biết họ có thể chuyển sang nhà bán lẻ khác nếu dịch vụ giao nhận của nhà bán lẻ mà họ đang mua hàng không tốt, chẳng hạn như giao hàng không đúng giờ.

Tại thị trường Mỹ, 47% số người mua sắm quyết định không ghé trở lại trang web của một nhà bán lẻ nếu họ gặp tình trạng giao hàng lỗi. Trong khi đó, theo kết quả khảo sát của Dropoff, công ty giao hàng trong ngày có trụ sở đặt ở bang Texas, 94% số khách hàng mua sắm trực tuyến đổ lỗi cho nhà bán lẻ về dịch vụ giao hàng kém. Đây chính là nguyên nhân khiến các hãng bán hàng trực tuyến lớn như Amazon hay Alibaba phải tính đến việc xây dựng hệ thống giao nhận riêng để giảm chi phí, cải thiện lợi nhuận và sự trải nghiệm của khách hàng.

Amazon đã thiết lập một ứng dụng có tên gọi Amazon Flex hoạt động tương tự như ứng dụng gọi xe Uber nhằm thuê tài xế giao hàng. Ứng dụng này cho phép tài xế sử dụng xe riêng của họ trong thời gian rảnh để thực hiện các chuyến giao hàng chặng cuối cho các khách hàng của Amazon. Năm ngoái, Amazon đã triển khai 40 máy bay chở hàng nhằm giảm chi phí vận chuyển hàng hóa giữa các nhà kho nhờ bớt phụ thuộc vào bên giao hàng thứ ba. Thậm chí, Amazon còn thử nghiệm giao hàng bằng máy bay không người lái.

Tại Trung Quốc, Alibaba và đối thủ JD.com cũng đang nỗ lực chiếm lĩnh thị trường thực phẩm trực tuyến bằng cách đầu tư vào các công ty khởi nghiệp giao nhận tương tự như Instacart ở Mỹ. Các công ty này gửi nhân viên đến các siêu thị, cửa hàng tiện lợi để lấy hàng và sau đó giao cho khách đặt mua trực tuyến. Alibaba và JD.com cung cấp cho họ tiền vốn, lệnh giao hàng và dữ liệu để giúp vận hành hệ thống giao hàng có hiệu quả hơn. Thậm chí Alibaba còn đầu tư số tiền 150 triệu USD cho Dianwoda-một công ty khởi nghiệp giao hàng ở thành phố Hàng Châu để xây dựng đội ngũ giao hàng chuyên nghiệp. Dianwoda thuê gần một triệu nhân viên giao hàng ở hơn 100 thành phố ở Trung Quốc để giao hàng đặt mua từ nền tảng thương mại trực tuyến Taobao của Alibaba và từ các nhà bán lẻ liên doanh với Alibaba.


3. Công nghệ, khắc phục tình trạng "treo đầu dê, bán thị chó" khi mua hàng qua mạng
Trước thực tế nhiều khách hàng từ bỏ mua hàng qua mạng vì sản phẩm nhận được khác xa những hình ảnh được quảng cáo trên mạng hoặc thời gian giao hàng quá chậm so với nhu cầu thực tế của họ, các hãng bán lẻ và các hãng giao nhận buộc phải nâng cấp công nghệ để khắc phục tình trạng trên. Trong nhiều trường hợp, sản phẩm được giao bản chất đã không "lung linh" như các sản phẩm được quảng cáo, một số trường hợp khác, chất lượng và hình thức sản phẩm bị sụt giảm so với ban đầu do các sự cố trong quá trình vận chuyển, giao nhận. Đối với thực phẩm tươi, thời gian giao hàng gần như đóng vai trò quyết định đối với chất lượng sản phẩm. Chính vì thế mà không ít người tiêu dùng đã nhận được hàng hóa mà theo họ là "treo đầu dê, bán thịt chó".  Công ty tư vấn các giải pháp bán lẻ InContext Solutions (Mỹ) đã phát triển một phần mềm thực tế ảo cho các nhà bán lẻ. Công ty này đang chuẩn bị cung cấp sự trải nghiệm mua sắm ảo cho những khách hàng sở hữu các thiết bị thực tế ảo (Virtual Reality – VR). Phần mềm của InContext Solutions cho phép các khách hàng đeo thiết bị VR trải nghiệm hành động ảo như xé bì của các thanh kẹo hoặc mở các hộp ngũ cốc để nhìn vào bên trong khi họ mua sắm trực tuyến. InContext Solutions cho rằng công nghệ này sẽ giúp hình ảnh thực phẩm trở nên hấp dẫn hơn so với hình ảnh của chúng trên màn hình không gian hai chiều của máy tính.

VITIC tổng hợp và phân tích

 

Bản quyền thuộc về Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Điện thoại: (024) 37150530 | Fax: (024) 37150489
Giấy phép số 104/GP-TTĐT ngày 07/05/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Số người trực tuyến: 6
Số người truy cập: 5.517.234
Chung nhan Tin Nhiem Mang