Đang Tải Dữ Liệu....
Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024
Vietnamese English

Quản trị chuỗi cung ứng: Vai trò và xu hướng

02/11/2017 16:15
(Phân tích)
 
1. Khái niệm và vai trò:

Quản trị chuỗi cung ứng ban đầu chỉ là việc liên kết sự vận chuyển và logistics với sự thu mua hàng hóa, tất cả được gọi chung là quá trình thu mua hàng hóa. Quá trình hợp nhất ban đầu này sớm mở rộng ra lĩnh vực phân phối và logistics cho khách hàng tiêu dùng cuối cùng. Các công ty sản xuất bắt đầu tích hợp chức năng quản lý nguyên liệu vào những quy trình này. Từ đó, quản trị chuỗi cung ứng ngày càng có vai trò quan trọng đối với các doanh nghiệp và rộng hơn là các ngành công nghiệp và toàn nền kinh tế. Đến nay, quản trị chuỗi cung ứng bảo phủ với hầu như tất cả các hoạt động của doanh nghiệp: từ việc hoạch định và quản lý quá trình tìm nguồn hàng, thu mua, sản xuất thành phẩm từ nguyên liệu thô, quản lý hậu cần… đến việc phối hợp với các đối tác, nhà cung cấp, các kênh trung gian, nhà cung cấp dịch vụ và khách hàng. Nói chung, quản lý chuỗi cung ứng gồm quản lý cung và cầu trong toàn hệ thống của các doanh nghiệp.


Chuỗi cung ứng có sức tác động lớn sẽ chiếm lĩnh thị trường và sự tín nhiệm của khách hàng, tạo nên giá trị cổ đông, mở rộng chiến lược và khả năng vươn xa cho doanh nghiệp.
Trong môi trường kinh doanh hiện nay, chuỗi cung ứng là một trong những nhân tố quyết định khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp so với đối thủ cùng ngành. Nhờ có chuỗi cung ứng hiệu quả, các tập đoàn quốc tế lớn như Dell, Wal-Mart đã đạt lợi nhuận cao hơn từ 4-6% so với đối thủ. Một nghiên cứu độc lập cũng cho thấy một vài công ty hàng đầu trên thế giới như Apple, Coca-cola, Sam sung đã tận dụng hiểu quả 
chuỗi cung ứng của họ để vươn cao trong môi trường cạnh tranh, đạt được mức tăng giá trị công ty cao hơn 40% so với các đối thủ khác.

2. Những xu hướng mới: 

2.1. Đa dạng hóa

Xu hướng phối hợp các kênh cung ứng một cách thống nhất, tăng độ phủ sóng thương hiệu và nâng cao dịch vụ khách hàng, các doanh nghiệp hiện đang quan tâm đầu tư thử nghiệm mô hình đa kênh (omni-channel). Không kể đến Walmart và Amazon, tại Việt Nam, một số doanh nghiệp sản xuất lẫn bán lẻ lớn cũng đang từng bước thử nghiệm đa kênh với các trang TMĐT của riêng mình. Một số tên tuổi lớn có thể kể đến như Vinamilk (www.giacmosuaviet.com), Lotte Mart (www.lotte.vn, và đội ngũ giao hàng Lotte Express), Saigon Co.op  (www.coophomeshopping.com).

Xu hướng này sản sinh ra một cơ hội cũng như thách thức đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics trong năm 2018, đó là khả năng cung cấp giải pháp logistics đa kênh. Khi mà các doanh nghiệp sản xuất và bán lẻ lớn đang triển khai TMĐT, các đơn vị Logistics cũng sẽ được yêu cầu phải thúc đẩy mức độ số hóa của mình cho phép cung cấp thông tin giá vận chuyển tức thì, tổng hợp và tổ chức đơn hàng vận chuyển nhanh hơn và tính toán cung đường vận chuyển hiệu quả hơn bằng hệ thống quản lý vận tải TMS.

Trong tương lai, các nhà cung cấp hệ thống quản lý vận tải có thể sẽ phát triển “TMS-as-a-Service” cho phép doanh nghiệp ứng dụng TMS thông qua nền tảng Web để tận dụng năng lực phân tích và dự báo. Ngoài ra, một thách thức khác cho việc cung cấp giải pháp logistics đa kênh đó là reverse logistics cho sản phẩm đổi trả, bảo hành.


2.2. Tự động hóa và trí tuệ nhân tạo trong quản trị chuỗi cung ứng

 và sẽ tiếp tục được phát triển linh hoạt hơn để phục vụ nhu cầu đa dạng của doanh nghiệp.

Chẳng hạn, Amazon, Target, Walmart: sử dụng robot để vận hành nhà kho, trung tâm khai thác thương mại điện tử (TMĐT); Adidas, Nissan, Shiseido, Zara: sử dụng robot để sản xuất hàng hóa; Lowe's, Macy's, Pizza Hut, Marriott Hotels: sử dụng robot cung cấp dịch vụ khách hàng; Nestle: sử dụng robot bán hàng; Fidelity Investments: sử dụng robot để tư vấn tài chính.

Nhà máy Apple, Samsung và Foxconn tại Trung Quốc cắt giảm 60.000 lao động nhờ ứng dụng robot.  

Theo nhận định của Công ty CEL Consulting, xu hướng "robot-hóa" có thể sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam nhanh hơn ta tưởng khi mà chính phủ Trung Quốc đã triển khai "kế hoạch robot 5 năm" với định hướng đưa quốc gia này thành một cường quốc ứng dụng và sản xuất robot hàng đầu thế giới. Trung Quốc hiện đang chiếm khoảng 1/3 tổng số robot được sử dụng trên toàn thế giới và tăng trưởng mỗi năm khoảng 30%. Trung Quốc cũng được dự báo sẽ tiêu thụ khoảng 40% sản lượng robot toàn cầu vào năm 2019.

Việc ứng dụng robot giúp doanh nghiệp nâng cao và ổn định năng suất, giảm chi phí overhead và giảm giá thành sản phẩm cho người tiêu dùng. Chiến lược "robot hóa" có thể sẽ là lời giải cho Trung Quốc đối với bài toán giá nhân công với xu hướng chuyển dịch nhà máy ra nước ngoài của nhiều ngành công nghiệp.
 
Bên cạnh đó, trong năm 2018, xu hướng đầu tư phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ bắt đầu ảnh hưởng đến các quốc gia Đông Nam Á. Các chuyên gia trong ngành Tài chính Ngân hàng cho biết trong 3 năm tới, xu hướng thay thế con người bằng trí tuệ nhân tạo sẽ diễn ra rất nhanh. 

2.3. Chuỗi cung ứng thân thiện với môi trường:

 

Theo Hội đồng Chuỗi cung ứng Toàn cầu (SCC) - một tổ chức phi lợi nhuận chuyên cung cấp các phương pháp và công cụ chuẩn để giúp các công ty xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng, mô hình chuẩn về chuỗi cung ứng (SCOR) là một mô hình chuỗi cung ứng khép kín, có sự liên kết chặt chẽ trong toàn bộ quá trình sản xuất sản phẩm thông qua việc trao đổi thông tin thường xuyên giữa các tác nhân trong chuỗi cung ứng ở tất cả các công đoạn: Lập kế hoạch; Khai thác nguồn nguyên vật liệu để sản xuất; Chế tạo sản phẩm; Phân phối sản phẩm; Thu hồi sản phẩm; Thu hồi nguồn nguyên vật liệu đã được tái chế.

Xuất phát từ mô hình trên, SCC đã xây dựng nên mô hình mới gọi là GreenSCOR Model. Mô hình này bổ sung những hoạt động quản lý môi trường, nói cách khác đây là những hoạt động xanh hóa chuỗi cung ứng. Cụ thể, trong khâu lập kế hoạch, DN cần bắt đầu từ việc thiết kế sản phẩm thân thiện môi trường, tính toán chi phí môi trường, phân tích vòng đời môi trường. Đến giai đoạn tìm nguồn nguyên liệu, DN cần xác định nguồn nguyên liệu, kiểm tra thông tin, thu mua nguyên liệu sạch và thông qua một bên thứ 3 để thực hiện kiểm toán môi trường đối với nhà cung cấp. Trong giai đoạn sản xuất, chế tạo sản phẩm, DN sẽ thực hiện các giải pháp xử lý môi trường, cung cấp công cụ quản lý môi trường thích hợp cho nhà cung cấp, kiểm soát tác động của họ lên môi trường. Với giai đoạn phân phối sản phẩm, phải lựa chọn các đơn vị phát triển vận tải xanh, sử dụng phương tiện phát thải ít các-bon, tiêu thụ ít nhiên liệu. Trong giai đoạn thu hồi sản phẩm sau bán hàng để tái sản xuất, đảm bảo xử lý an toàn các chất độc hại, tái sản xuất phế liệu, phế phẩm đã qua sử dụng, hợp tác với các nhà tái sản xuất để phát triển quy trình tái sản xuất. 
Với mô hình chuẩn này, những năm qua, nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đã thiết lập được một mạng lưới GSC hiệu quả, bền vững, mang lại lợi ích cho chính họ và các công ty tham gia trong chuỗi cung ứng. Trong số đó có Tập đoàn IKEA của Thụy Điển, là DN tiêu thụ gỗ lớn thứ 3 trên thế giới. Được thành lập từ năm 1943, đến nay, IKEA đã có mặt tại 31 quốc gia, với 76.000 nhân viên, doanh thu hàng năm đạt trên 12 tỷ Euro.
Triết lý kinh doanh của IKEA là “nhà cung cấp và khách hàng là bạn”. Xuất phát từ quan điểm đó, IKEA đã phát triển mạng lưới gồm 1.800 nhà cung cấp tại 55 nước và thiết lập một chương trình GSC thành công, dựa trên một quan hệ có tính chất đối tác, bạn bè với khách hàng. Bên cạnh đó, Tập đoàn cũng rất chú trọng đến các giải pháp BVMT và từ chối sử dụng những sản phẩm có hóa chất độc hại, các loại gỗ khai thác từ rừng nhiệt đới bị xâm hại. Tập đoàn đưa ra các yêu cầu cho nhà cung cấp về chất lượng, dịch vụ và trách nhiệm với môi trường, xã hội, cùng họ giải quyết các vấn đề trên.

Năm 2015, Tập đoàn bán lẻ lớn nhất của Mỹ - WalMart yêu cầu các nhà cung cấp phải báo cáo việc sử dụng 10 hóa chất độc hại trong các sản phẩm của mình; Công ty máy tính HP đề nghị các nhà cung cấp giảm 20% khí thải các-bon liên quan đến hoạt động sản xuất và vận tải; Tập đoàn Fujitsu (Nhật Bản) áp dụng chính sách “thu mua xanh” trong toàn bộ chuỗi cung ứng của Tập đoàn, bao gồm các đối tác kinh doanh. Không chỉ gói gọn trong các quy định về môi trường, nhiều DN còn hợp tác với các nhà cung cấp thiết kế sản phẩm xanh, xây dựng chiến lược kinh doanh để nhà cung cấp thấy được trách nhiệm của họ đối với môi trường và xã hội, đồng thời từ đó hình thành mối quan hệ bền vững giữa hai bên.

Thực tiễn cho thấy, giải pháp GSC có thể mang lại những lợi ích như: Bảo vệ sức khỏe con người, BVMT, nâng cao năng suất, thúc đẩy sáng tạo, kích thích tăng trưởng, tăng doanh thu cho DN, tiết kiệm năng lượng, giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh. Với những lợi ích đó, các công ty đều xem GSC như một công cụ phân tích chiến lược và mỗi tác nhân trong chuỗi cung ứng đều cố gắng đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh, phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, nỗ lực của tất cả các thành viên khi theo đuổi chiến lược GSC chính là cam kết của họ về BVMT và phát triển bền vững. DN nào coi trọng điều đó sẽ mang đến cho họ lợi thế cạnh tranh lớn, tăng hiệu quả sản xuất và kỹ năng quản lý, đồng thời có sự gắn bó lâu dài của nhân viên. Tuy nhiên, để thực hiện được GSC cũng có một số khó khăn như gia tăng chi phí tài chính, thời gian hoàn vốn kéo dài, khó đánh giá chính xác năng lực của nhà cung cấp và khách hàng...

Chuỗi cung ứng bền vững thân thiện với môi trường đã trở thành một trong những mục tiêu chiến lược của các tập đoàn trên thế giới. Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục trong năm 2018 cho dù có sự tham gia của Mỹ hay không. Trung Quốc cũng nhìn thấy cơ hội trở thành một cường quốc cung cấp năng lượng sạch và dự kiến sẽ đầu tư khoảng 360 tỷ USD từ nay cho đến năm 2020 cho năng lượng sạch.

VITIC tổng hợp và phân tích






 
Bản quyền thuộc về Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Điện thoại: (024) 37150530 | Fax: (024) 37150489
Giấy phép số 104/GP-TTĐT ngày 07/05/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Số người trực tuyến: 7
Số người truy cập: 6.227.310
Chung nhan Tin Nhiem Mang