Đang Tải Dữ Liệu....
Thứ bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024
Vietnamese English

Thị trường logistics Campuchia (phần 2)

06/01/2018 10:19
(tiếp theo kỳ trước)

Phát triển hệ thống logistics vận tải đường bộ
Vận tải đường bộ là phương thức chủ yếu ở Campuchia hiện nay, chiếm hơn 70% lưu lượng vận tải. Hàng hóa xuất khẩu thường được vận chuyển bằng container trên xe tải lớn để ra các cảng biển hoặc qua biên giới đất liền sang các nước khác. Ngược lại, việc phân phối hàng hoá trong nước với số lượng nhỏ hơn, đa số là hàng rời, chủ yếu được vận chuyển bằng xe tải nhỏ, hoặc ngay cả xe máy.
Mạng lưới đường bộ của Campuchia đã được mở rộng trên 54.000 km. Theo số liệu của Ban Thư ký ASEAN, tính đến năm 2015, tổng chiều dài đường bộ được trải nhựa của nước này chiếm khoảng 10%, thấp nhất trong số các nước ASEAN.


Hệ thống đường bộ của Campuchia


Chất lượng các tuyến đường chính của quốc gia có thể đã được cải thiện trong những năm gần đây, nhưng những con đường dẫn đến nông thôn chủ yếu không được trải nhựa, thiếu đèn giao thông hoặc các dịch vụ hỗ trợ bên đường như trạm xăng, trạm dừng nghỉ, khu ăn uống.... Trong mùa mưa, đường xá ở cả khu vực thành thị và nông thôn bị ảnh hưởng và có thể xuống cấp đáng kể nếu không kịp thời được duy tu, bảo trì.


Để xây dựng hệ thống mạng lưới đường hiện đại ở Campuchia, Chính phủ cam kết xây dựng 850km đường cao tốc đến năm 2020 cùng với kế hoạch lâu dài để thiết lập một mạng lưới đường cao tốc quốc gia là 2.230 km vào năm 2040. Chẳng hạn, vào năm 2015 chính phủ Campuchia đã ký một Biên bản Ghi nhớ (MoU) với Công ty Khảo sát, thiết kế và Truyền thông Hà Nam của Trung Quốc để xây dựng một tuyến đường cao tốc dài 190km, chiều rộng 25 m nối liền Phnom Penh và Sihanoukville, dự kiến​​ sẽ hoàn thành vào năm 2020 với tổng kinh phí là 1,6 tỷ USD.
Ngoài việc nâng cấp các tuyến giao thông liên tỉnh giữa thủ đô và các điểm quan trọng khác ở Campuchia, nước này cũng có kế hoạch nâng cấp các tuyến đường biên giới từ Phnom Penh đến Bangkok tại Thái Lan và thành phố Hồ Chí Minh ở Việt Nam. Một dự án tăng cường kết nối mạng lưới đường bộ tiểu vùng sông Mekong, bao gồm vi các đoạn đường từ Battambang đến Siem Reap, bắt đầu vào năm 2017.

Kế hoạch Phục hồi Đường sắt của Campuchia
Về giao thông đường sắt, hệ thống đường sắt ở Campuchia chỉ gồm hai tuyến - 264 km đường phía Nam (SL) từ Phnom Penh tới Sihanoukville, và Đường phía Bắc dài 336km (NL) từ Phnom Penh đến Poipet, gần biên giới Campuchia - Thái Lan. Cả hai tuyến đường đều ở tình trạng lạc hậu, các chuyến tàu chạy với vận tốc khoảng 20km / giờ.
Trong năm 2009, Chính phủ Campuchia quyết định khởi động chương trình cải tạo đường sắt, mặc dù tiến độ cho đến nay rất chậm. Dịch vụ vận tải hàng hóa tuyến phía nam chạy lại vào năm 2012 nhưng phải mất bốn năm nữa trước khi dịch vụ vận tải hành khách hạn chế được cung cấp lại vào năm 2016. Trong khi đó, các hoạt động khôi phục trên tuyến phía bắc cũng đã bị trì hoãn và chỉ với một phần của tuyến đã hoàn thành vào cuối năm 2016.



Mạng lưới đường sắt của Campuchia

Theo phân tích của giới cuyên gia, các công ty trong ngành đường sắt Hồng Kông đã nổi lên là những nhà khai thác và tư vấn đường sắt thành công nhất ở Châu Á. Các công ty Hồng Kông không thể đóng góp trực tiếp vào việc xây dựng tuyến đường sắt của Campuchia nhưng vẫn có những cơ hội sẵn có cho họ trong việc cung cấp các dịch vụ tư vấn và hợp đồng bao gồm quy hoạch đường sắt, tích hợp hệ thống và quản lý dự án.

Kế hoạch mở rộng cảng biển đầy tham vọng
Vận tải biển là yếu tố chính giúp Campuchia tham gia sâu hơn vào thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, công suất cảng hạn chế lại là một trở ngại rất lớn. Hiện tại chỉ có hai cảng chính ở Campuchia có khả năng vận chuyển quốc tế - một cảng biển nước sâu ở Sihanoukville và một cảng sông ở Phnom Penh.
Cảng Sihanoukville (SAP) là cảng biển lớn nhất ở Campuchia và là cửa ngõ thương mại chính cho hàng hoá đường biển ra vào Campuchia. SAP đảm nhận khoảng 70% tổng khối lượng hàng hóa vận chuyển bằng container (hơn 400.000 TEU vào năm 2016). Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu gồm hàng may mặc và gạo, với các thị trường chính là Châu Âu và Hoa Kỳ. Ngược lại, hàng hóa nhập khẩu chủ yếu bao gồm nguyên liệu cho các nhà máy may mặc, vật liệu xây dựng và máy móc


Cảng Sihanoukville (SAP)- Campuchia

Do cửa vào chỉ rộng 8,5m nên hạn chế kích thước của tàu cập cảng tối đa là 1.000 TEU, do đó hiện nay cảng thích hợp với các tàu con vận chuyển hàng lên tàu mẹ về các trung tâm chuyển tải như Singapore.
Chính phủ Campuchia có kế hoạch phát triển cảng biển đầy tham vọng để cải thiện khả năng xử lý các lô hàng quốc tế. Việc xây dựng một bến container mới dự kiến ​​sẽ hoàn thành vào năm 2022 với tổng chi phí là 300 triệu USD. Bến container mới sẽ kéo dài trên 350m và rộng 14,5m, cho phép SAP tiếp nhận tàu container lớn hơn. Theo ban quản lý của SAP, các bến container và kho bãi mới sẽ bổ sung thêm 1 triệu TEU vào dung lượng container thông qua qua SAP khi được hoàn thành.

VITIC tổng hợp theo 
Hong Kong Trade Development Council  

(còn tiếp)
 
Bản quyền thuộc về Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Điện thoại: (024) 37150530 | Fax: (024) 37150489
Giấy phép số 104/GP-TTĐT ngày 07/05/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Số người trực tuyến: 15
Số người truy cập: 6.224.261
Chung nhan Tin Nhiem Mang