Đang Tải Dữ Liệu....
Thứ sáu, ngày 24 tháng 1 năm 2025
Vietnamese English

Triển vọng các thị trường logistics mới nổi của ASEAN

22/01/2018 10:58

Singapore vẫn là trung tâm logistics hàng đầu của ASEAN trong năm thứ 10 liên tiếp (tính đến năm 2016). Bên cạnh đó ngành công nghiệp logistics ở Thái Lan đang tăng trưởng mạnh mẽ và mang lại phần lợi nhuận không nhỏ cho Singapore.

Một số thành viên còn lại của ASEAN cũng có nhiều tiềm năng và nỗ lực để phát triển ngành logistics trong những năm tới.

Nguồn: Ngân hàng thế giới

Cụ thể triển vọng phát triển logistics của một số nước trong khu vực như sau:

1. Thái Lan

Được xem là trung tâm logistics mới của ASEAN, doanh thu logistics của nước này được dự báo sẽ đạt 96,5 tỷ USD vào năm 2019. Với việc thành lập AEC và vị thế chiến lược của Thái Lan trong ASEAN và trong mối quan hệ  giữa ASEAN với Trung Quốc và Ấn Độ, Thái Lan đang nổi lên như một trung tâm logistics toàn cầu của các công ty đa quốc gia.


Thái Lan có 2 trong tốp 10 cảng biển lớn nhất ASEAN, đó là: 

Cảng Bangkok: Là một cảng biển tương đối hiện đại và cũng là một trong những cảng biển lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Đây là nơi kết nối các cảng biển khác nhau của nhiều nước trong toàn khu vực cũng như thế giới. Cảng gồm 9 cầu tàu xếp dỡ hàng rời, 2 bến tàu container cùng đường sắt chạy dọc bến. Khu bến Klongboi của cảng có kho chứa hiện đại với tổng diện tích lên tới 168.000 m2. Hàng hóa vận chuyển qua cảng chủ yếu là lương thực, hàng công nghiệp và dầu. Với độ sâu trước bên không hạn chế, Bangkok là cảng mà các tàu lớn có thể cập bến xếp dỡ hàng hóa an toàn.

Cảng Laem Chabang, nằm ở phía Đông Nam Vịnh Thái Lan là cảng biển lớn thứ ba ở Thái Lan có nhiệm vụ gánh bớt sự quá tải của Cảng Bangkok. Năm 2007, Cảng Laem Chabang đã được Hiệp hội cảng của Mỹ xếp hạng thứ 21 về mức độ phồn vinh nhất thế giới. Ngoài ra, Laem Chabang còn có một sân golf đẳng cấp thế giới được thiết kế bởi Jack Nicklaus và nhà máy lọc dầu ExxonMobil.


Cảng Laem Chabang- Thái Lan

Cảng Laem Chabang đang bước đến giai đoạn 3 của dự án mở rộng và nâng cấp. Trong đó:
- Giai đoạn 1: gồm 1 khu vực có độ sâu 14 m, đê chắn sóng dài 1.300 m dùng để phục vụ các tàu chở hàng trọng tải từ 30.000 đến 50.000 tấn, có 11 cầu cảng với sức chứa lên tới 4 triệu TEU container mỗi năm.
- Giai đoạn 2: gồm 1 khu vực có độ sâu 16 m, đê chắn sóng dài 1.900 m dùng để phục vụ cho tàu chở hàng trọng tải lớn lên tới 80.000 tấn, có 7 cầu tàu với sức chứa lên tới khoảng 6,8 triệu TEU mỗi năm.
- Giai đoạn 3: gồm 1 khu vực có độ sâu 18 m, có 9 cầu tàu với sức chứa 8 triệu TEU mỗi năm.


Chính phủ Thái Lan đang thúc đẩy tăng trưởng cho các hoạt động logistics thông qua việc tích hợp logistics điện tử qua biên giới của Tiểu vùng Mêkông mở rộng và thành lập Trung tâm Dịch vụ Xuất khẩu một cửa để rút ngắn thời gian làm thủ tục xuất khẩu. Trung tâm này bao gồm 17 tổ chức liên quan đến xuất khẩu tư nhân và công.

Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) ước tính GDP năm 2017 của Thái Lan đạt khoảng 3,7%, cao hơn so với mức 3,2% của năm 2016 do xuất khẩu và du lịch tăng.  Dự kiến xuất khẩu cả năm 2017 ​​sẽ tăng 7%, cao hơn mức tăng 0,5% của năm 2016.  Thái Lan đã và đang thiết lập kênh phân phối vững chắc và đang tiếp tục mở rộng tại các thị trường trong khu vực trong đó có Việt Nam giúp các doanh nghiệp Thái đưa trực tiếp hàng tới người tiêu dùng. Đây là những cơ sở giúp ngành logistics Thái Lan cất cánh.

2. Indonesia

Ngành logistics của Indonesia dự kiến sẽ tăng 15,4% vào năm 2020 nhờ động lực từ tăng trưởng kinh tế. Các yếu tố tăng trưởng mạnh bao gồm sự gia tăng xuất khẩu các sản phẩm chế tạo, tiêu dùng nội địa cao và cải tiến đầu tư cơ sở hạ tầng cùng với hội nhập thương mại khu vực.

Chính phủ Indonesia dự định đầu tư xây dựng 24 cảng biển mới, 15 sân bay mới, 3.600 km đường mới, mở rộng mạng lưới đường sắt lên 3.258 km và cải thiện giao thông công cộng tại 29 thành phố.

Theo Ngân hàng Trung ương Indonesia, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Indonesia năm 2017 ước đạt 5,05%, cao hơn mức tăng tương ứng là 4,88% và 5,02% của năm 2015 và 2016, do đầu tư và xuất, nhập khẩu gia tăng.

3. Malaysia

Với vị trí thứ tư xếp hạng trong Chỉ số Logistics của Agility Emerging Markets Logistics 2016, Malaysia được coi là một địa điểm hấp dẫn cho các nhà khai thác logistics mới. Ngành logistics sẽ đóng góp 4,3% GDP vào năm 2020 so với mức 3,6% hiện tại.

Trong số các nước Đông Nam Á, Malaysia tự hào với một cơ sở hạ tầng giao thông phát triển bao gồm 5 cảng chính, các đường cao tốc xây dựng bài bản, năm cảng container, năm sân bay quốc tế và bốn cảng nội địa (tính đến năm 2015).

Tanjung Pelepas là cảng biển lớn nhất của Malaysia và là đối thủ cạnh tranh của Cảng Singapore trong nhiều năm gần đây. Năm 2012 chính là năm đánh dấu mức tăng trưởng nhảy vọt lên tới 15,5% và đạt mức sản lượng 6,22 triệu TEU của Cảng Tanjung Pelepas, Malaysia.
Cảng Tanjung Pelepas thuộc bang Johor của Malaysia đã lắp đặt 5 cần cẩu mới có chiều cao 55,5 m. Là các cần cẩu cao nhất trong khu vực Đông Nam Á, giúp vận chuyển các container lớn từ tàu thuyền đến bến tàu dễ dàng hơn
.

4. Việt Nam

Khu vực logistics chiếm 20-25% GDP của Việt Nam, với mức tăng trưởng dự kiến là 12% trong năm (tính đến năm 2016). Dự kiến đến năm 2020 sẽ có thêm 622 tỷ đô la thương mại. Đầu tư nước ngoài tăng, sản lượng nông nghiệp tăng và sản xuất đang phát triển đang thúc đẩy tăng trưởng thương mại.

Mặc dù cơ sở hạ tầng cảng hiện có cần được thúc đẩy tốt hơn để đạt được sự tăng trưởng nhất quán, lượng luân chuyển hàng qua các cảng của Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng khả quan. Thật vậy, q
uan hệ thương mại của Việt Nam với các đối tác châu Á sẽ thúc đẩy việc triển khai các tuyến vận tải mới trong thời gian tới.

5. Philippines

Khu vực logistics của Philippines dự kiến sẽ tăng trưởng 15,6% / năm vào năm 2020 để đạt được quy mô thị trường trị giá 6,77 tỷ USD. Tăng trưởng đã được thúc đẩy bởi các dịch vụ thương mại điện tử, 3PL và dịch vụ chuyển phát nhanh. Khu vực phân phối chuyển phát nhanh trong nước đang phát triển nhanh chóng vì ngày càng có nhiều khách hàng nhận được các khoản giao hàng đúng hạn.

Manila là cảng biển lớn nhất Philippines và là một trong những cảng biến lớn nhất khu vực Đông Nam Á với hoạt động thương mại, kinh tế và quân sự nổi bật. Cảng có 6 cầu tàu trong đó có 2 cầu tài dành cho tàu container và tàu roro. Hệ thống kho tại cảng có tổng diện tích lên đến 68.000 m2 và 4 bãi chứa với tổng diện tích 143.000 km2. Cảng Manila thuộc vịnh Manila nằm ở hai bờ của sông Pasig là một hải cảng sầm uất nhất Philippines. Cảng được chia thành ba khu vực bao gồm: khu Nam cảng, khu Bắc cảng và khu cảng quốc tế. Ngoài ra, Manila còn được xem là một trong 30 cảng lớn nhất thế giới.


VITIC tổng hợp theo www.spireresearch.com
Bản quyền thuộc về Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Điện thoại: (024) 37150530 | Fax: (024) 37150489
Giấy phép số 104/GP-TTĐT ngày 07/05/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Số người trực tuyến: 32
Số người truy cập: 6.389.818
Chung nhan Tin Nhiem Mang