Đang Tải Dữ Liệu....
Thứ ba, ngày 10 tháng 9 năm 2024
Vietnamese English

Giao hàng tự động: Một phần không thể thiếu trong logistics đô thị hiện đại

15/09/2018 16:00

Tại các thành phố hiện đại trên thế giới, từ Mỹ đến EU, Singapore,  dịch vụ giao hàng đang dần thay đổi theo hướng tự động hóa.

Các hãng cung cấp dịch vụ chia sẻ xe công nghệ đều hướng đến các dịch vụ giao hàng này, coi đó là một phần không thể thiếu trong logistics đô thị thời kỳ 4.0. 

Các công ty nghiên cứu thị trường đều đánh giá rất cao về tiềm năng thị trường giao hàng nhanh, trong đó có mảng giao đồ ăn thức uống, gọi chung là thực phẩm được chế biến sẵn từ các nhà hàng và hàng tiêu dùng. Họ cũng chỉ ra những điểm hạn chế của các dịch vụ giao hàng từ các công ty chia sẻ xe hiện nay – xe hơi, xe máy –  như không có đủ lực lượng tài xế và xe, cũng không kham nổi sự cạnh tranh về giá dịch vụ giao hàng thấp – đặc biệt là những đơn hàng giá trị nhỏ hay bị hạn chế về thời gian như thức ăn vì chúng cần được ăn khi còn nóng sốt – trong một khoảng thời gian dài. Phí dịch vụ thấp, hàng cần giao nhanh hoặc dễ vỡ nhưng địa điểm giao hàng có nhiều khi cả xe máy và xe hơi đều không đến được vì địa hình phức tạp khó đi, tìm không ra hoặc quá xa. Những điểm hạn chế này khiến các nhà công nghệ mạnh dạn thử nghiệm những giải pháp giao hàng mới: dùng những phương tiện vận chuyển tự động không có người lái. 


Một robot giao hàng tự động

 

Ở Mỹ, người giao thức ăn bị quá tải công việc và bị trả lương thấp. Công nghệ lái xe tự động được dịp đưa vào thử nghiệm. Hãng xe Ford đã vận hành xe tải chuyển thức ăn tự động ở Miami từ đầu năm nay thông qua việc hợp tác với Postmates giao thực phẩm theo yêu cầu. Hãng Ford thừa nhận họ vẫn đang vừa thử nghiệm vừa tiếp tục thu thập dữ liệu để phân tích và cải tiến dịch vụ. Dữ liệu đó đa dạng, từ cách phản ứng của khách hàng khi nhận hàng, thái độ của họ, điều họ suy nghĩ cho đến cách thức họ tương tác với chiếc xe tải giao thức ăn tự động này. Về phần mình, người tiêu dùng chỉ cần khởi động phần mềm ứng dụng trên điện thoại đặt hàng, cung cấp thông tin địa điểm nhận hàng, thanh toán và chờ giao hàng tới nơi. Xe đến, cánh cửa tự động trên xe bật mở cho phép người đặt hàng lấy hàng ra khỏi xe và xe tiếp tục cuộc hành trình của mình. .

Chương trình thử nghiệm này của Ford và Postmate có hơn 70 doanh nghiệp cung cấp thức ăn như nhà hàng ở Miani và Miami Beach tham dự. Các công ty hợp tác với Ford như Lyft và Postmates cho biết sẽ cung cấp các dịch vụ tương ứng bằng cách dùng các xe tự hành của Ford. Và Ford cho biết sẽ cung cấp dịch vụ này một cách đầy đủ vào năm 2021. Vào tháng 6 qua, hãng Ford cũng cho biết đã có kế hoạch hợp tác với bang Michigan trong một dự án mà công ty này gọi là “đánh dấu một kỷ nguyên mới về di động và sáng tạo”

Theo The drive.com, tháng 8/2018, chương trình giao hàng bằng xe tự động có tên là Driverless Grocery Delivery Pilot đã được khởi động ở bang Arizona, Mỹ. Công ty khởi nghiệp Nuro và chuỗi siêu thị Kroger khởi động chương trình thử nghiệm giao hàng nhu yếu phẩm bằng xe tự động này và họ bắt đầu ở một cửa hàng ở Scottsdale, bang Arizona.

Khách hàng của cửa hàng Fry’s Food Store có thể đặt mua hàng qua trang web của cửa hàng hoặc qua ứng dụng trên điện thoại. Phí trả cho một lần giao hàng là gần 6 đô la và hàng được giao trong ngày hoặc trong ngày kế tiếp. Nuro đang phát triển chiếc xe giao hàng tự động như trong ảnh ở trang bên cạnh – xe không có cả ghế cho tài xế nhưng, giống như tất cả các công ty khởi nghiệp về xe tự hành, đều dựa trên thiết kế nguyên bản của một hãng xe nào đó rồi bổ sung chỉnh sửa và tích hợp các phần cứng về lái tự động.

Cũng như ở dự án của Ford tại Miami, Nuro cũng vừa cho thử nghiệm vừa thu thập dữ liệu nhằm quan sát cách người sử dụng dịch vụ tương tác ra sao với chiếc xe không người lái này. Người ngồi ở ghế phụ chỉ xuất hiện khi có xảy ra sự cố mà không tương tác trực tiếp với khách hàng. Điều này có nghĩa là sẽ không có người trên xe vận chuyển mang hàng vào tận cửa nhà của người mua. Liệu khách hàng có hài lòng hay không đó là điều mà những chiếc xe tự hành này vừa có nhiệm vụ giao hàng vừa có nhiệm vụ thu thập dữ liệu trong suốt cuộc thử nghiệm.

Việc sử dụng thiết bị bay giao hàng không người lái (drone) đang ngày càng trở nên phổ biến trong cuộc sống hằng ngày và chẳng bao lâu từ bất kỳ thứ gì từ thư, sách đến bánh pizza bạn đặt mua qua mạng đều có thể được chuyển đến nhà bằng máy bay không người lái.

Flytrex, một dịch vụ hậu cần có trụ sở tại Tel Aviv (Israel), vì muốn nâng cao chất lượng dịch vụ giao hàng thực phẩm và hàng tiêu dùng thông thường cho khách hàng - cho dù đó là sushi, điện thoại mới, hoặc gói sáu lon bia – đã dùng đến máy bay không người lái. Drone của Flytrex chỉ mất khoảng bốn phút rưỡi để mang hàng vượt qua hai dặm từ nhà kho của AHA đến một nơi được chỉ định ở thủ đô Reykjavík của Iceland, được ngăn cách bởi một con sông. Trong khi bằng phương tiện giao hàng thông thường, người giao hàng mất đến 20 phút mới hoàn tất việc giao hàng.

Yariv Bash thành lập Flytrex vào năm 2013 cùng với Amit Regev, người bạn của Bash khi hai người còn làm chung ở SpaceIL. Flytrex bắt đầu hợp tác với AHA – một trong những công ty thương mại điện tử lớn nhất của Iceland – từ năm ngoái. Dự án thử nghiệm ở thủ đô Reykjavik đã thành công hơn cả sự mong đợi. Flytrex – cung cấp giải pháp quản lý phân phối máy bay không người lái thông qua đám mây, nhưng không sản xuất máy bay không người lái trên thực tế – có kế hoạch làm thêm phần cứng như là một phần của chương trình trong hai năm tới.

Hiện tại, hãng cung cấp ba loại dịch vụ chuyển phát bằng các máy bay không người lái khác nhau: Flytrex Sky II - dựa trên QAV500 của hãng Lumenier có trụ sở tại Florida - cung cấp các kiện hàng nhỏ khoảng 450 gram đến một khoảng cách 7 km; Flytrex Fox - dựa vào quadcopter Matrice 100 của công ty DJI (Trung Quốc), cung cấp bưu kiện nặng tới 800 gram với khoảng cách lên đến 8 km; Flytrex Mule - dựa vào Matrice 600 Pro, cũng của DJI - cung cấp các lô hàng lớn nặng đến 3kg với quãng đường lên đến 10 km. Loại này có cơ chế hạ thấp máy bay để thả kiện hàng gọn nhẹ mà không cần hạ cánh, radar hướng xuống để giao hàng an toàn và hơn thế nữa”. Flytrex và AHA hiện đang bay 13 tuyến đường xung quanh Reykjavik bằng Matrice 600 Pro nhận giao mọi thứ hàng từ hamburger cho đến điện thoại thông minh. Drone Matrice 600 có thể hoàn thành khoảng 20 lần giao hàng mỗi ngày, nhưng con số này dự kiến sẽ tăng tới hơn 100 lần mỗi ngày.

Những lợi thế của giao hàng bằng drone là rất nhiều. Drone giao hàng nhanh hơn nhiều so với dịch vụ thông thường vì không gặp tình trạng kẹt xe như ở đường bộ. Một chiếc drone có chi phí quản lý thấp hơn nhiều so với việc dùng một chiếc xe tải giao hàng và nó chạy bằng pin thay vì nhiên liệu nên không mấy tốn kém. Thêm vào đó, việc bảo trì cho máy bay không người lái cũng rẻ hơn nhiều. “Việc giao hàng bằng máy bay không người lái không chỉ rẻ hơn, nhanh hơn và hiệu quả hơn mà còn an toàn hơn”, Yariv Bash khẳng định.
 

Dịch vụ bưu chính của Ukraine đã hợp tác với Flytrex của Yariv Bash để bắt đầu thử nghiệm giao hàng bằng drone ở nước này. Xu hướng giao hàng bằng drone thậm chí lan rộng sang châu Phi, nơi nó đang được coi là một giải pháp hữu hiệu nhất cho việc chuyển giao vật tư y tế, máu đến các bệnh viện ở vùng hẻo lánh, vì thuốc rất nhẹ.

Vào tháng 5/2018, Flytrex đã được chọn tham gia Chương trình thí điểm tích hợp máy bay không người lái (UAS) do Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) thành lập để mở rộng thử nghiệm các hoạt động bay không người lái cho mục đích thương mại, cùng với các đại gia công nghệ như Google, Intel và Uber. Chương trình cho phép 10 chính quyền tiểu bang, địa phương “hợp tác với các tổ chức khu vực tư nhân, như các nhà khai thác UAS hoặc nhà sản xuất, để tăng tốc độ tích hợp UAS an toàn”. FAA đã hợp tác với NASA để phát triển một hệ thống quản lý không lưu toàn cầu dành cho drone và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2020.

Yariv Bash, CEO của Flytrex cho rằng chương trình này tạo điều kiện cho các công ty công nghệ máy bay drone thâm nhập tốt hơn vào thị trường Mỹ. Một trong những lý do lớn nhất để Bash mở rộng hoạt động là bên cạnh tầm quan trọng của việc cung cấp dịch vụ hữu hiệu là mục tiêu mang hàng hóa đến các địa điểm xa và xa hơn. Hiện tại, Flytrex vẫn đang làm việc chi tiết với FAA và nếu mọi việc suôn sẻ, công ty này sẽ có một năm 2018 mỹ mãn với việc vận hành chính thức dịch vụ giao hàng bằng drone tại Mỹ vào cuối năm nay.

VITIC tổng hợp

 

Bản quyền thuộc về Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Điện thoại: (024) 37150530 | Fax: (024) 37150489
Giấy phép số 104/GP-TTĐT ngày 07/05/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Số người trực tuyến: 7
Số người truy cập: 5.288.230
Chung nhan Tin Nhiem Mang